• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long hướng đến mục tiêu trở thành Công viên lịch sử văn hóa

HNP - Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di tích có bề dày lịch sử, trải dài hơn 10 thế kỷ, kể từ thành Đại La tiền Thăng Long và nhất là từ thời vua Lý Thái Tổ (thế kỷ thứ X) đến thời đại Hồ Chí Minh. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có diện tích 18.395 m2, bao gồm Khu di tích Thành cổ Hà Nội và di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Sau khi trở thành Di sản văn hóa thế giới (1/8/2010), di tích đặc biệt quan trọng này đã được bảo tồn, phát huy giá trị theo hướng trở thành Công viên lịch sử văn hóa theo đúng như cam kết với UNESCO.

19/10/2011 13:54


Quảng bá di sản

Không lâu sau khi trở thành Di sản văn hóa thế giới (ngày 2/10/2010), Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội - đơn vị trực tiếp quản lý di tích đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức triển lãm giới thiệu gần 1.000 hiện vật tiêu biểu khai quật tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu từ năm 2002; đồng thời mở cửa đón khách tham quan. Các hiện vật này tái hiện Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử: Đại La, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Bên cạnh đó, việc mở cửa cho khách tham quan tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đã giúp người dân Thủ đô cũng như du khách có cái nhìn cụ thể, xuyên suốt, đa chiều về lịch sử 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Trong gần 1 tháng mở cửa, di tích đón hàng vạn lượt khách trên ngày.

Tiếp đó, ngày 4/1/2011, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã chính thức bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội phòng trưng bày gồm 215 di vật, khai quật được tại khu Di chỉ khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, cùng với việc trao tặng toàn bộ hệ thống, trang thiết bị máy móc của các phòng trưng bày tại tầng 1 của nhà Cục Tác chiến trong khu Thành cổ Hà Nội. Những hiện vật này rất tiêu biểu bởi chúng mang những nét đặc trưng nhất cho mỗi giai đoạn lịch sử.

Đặc biệt ngày 29/9 vừa qua, một cuộc hội thảo với chủ đề "Lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội dưới ánh sáng của những khai quật khảo cổ thực hiện từ năm 2002” đã diễn ra tại Nhà Châu Á - thủ đô Paris (Pháp) dưới sự chủ tọa của Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử gia Việt Nam. Tại buổi hội thảo, Giáo sư Phan Huy Lê đã trình bày những kết quả khảo cổ được phát hiện và khai quật từ năm 2002 nhằm giới thiệu với các bạn đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ và bạn bè Pháp ham hiểu biết lịch sử, quá trình hình thành và phát triển về Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ, cũng như những điểm đặc sắc trong kiến trúc xây dựng và trang trí ở Hoàng thành Thăng Long.

Được đầu tư xứng tầm

Với chiều dài lịch sử kéo dài qua 13 thế kỷ, Hoàng thành Thăng Long là một công trình kiến trúc đồ sộ và có giá trị lịch sử quý giá bậc nhất của nước ta. Đây là một di sản vô cùng quý giá mà không phải quốc gia nào cũng có được. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án tổng thể với đầu tư lớn nhằm xây dựng di tích trở thành một công trình văn hóa - lịch sử và du lịch xứng tầm. Phạm vi lập quy hoạch gồm khu đất nghiên cứu có diện tích 45.380 m2. Dự kiến sẽ có 3 khu chức năng chính: Bảo tàng di tích tại chỗ; các khu trưng bày di tích ngầm và các công trình phục vụ quản lý, kỹ thuật (nhà tiếp đón, khu cây xanh tiểu cảnh, sân đường nội bộ, cổng chính, cổng phụ, tường rào...). Trong đó, Khu Bảo tàng di tích tại chỗ cần không gian rộng để người xem có thể hình dung và bao quát toàn bộ quy mô di tích. Các hố khai quật nguyên trạng đã phát lộ được xác định là nội dung chính và cũng là không gian quan trọng nhất trong nhà bảo tàng di tích tại chỗ. Ngoài ra, tại đây cũng có không gian trưng bày các hiện vật khảo cổ được tìm thấy từ các khu khai quật của di tích. Hiện nay, công việc đang được tiến hành khẩn trương, bài bản với sự hợp tác của các chuyên gia của UNESCO, Italia, Nhật, Pháp, Ba Lan...

Cùng với việc phê duyệt quy hoạch, tháng 9 vừa qua, Bộ VH,TT&DL đã ký Quyết định số 2793/QĐ-BVHTTDL cho phép Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật 5 hố tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Thành cổ Hà Nội. Diện tích thăm dò, khai quật là 100m2, bao gồm hố H1: 20m2; H2: 20m2; H3: 10m2; H4: 10m2; H7: 40m2. Những hiện vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật do Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội giữ gìn, bảo quản.

Trên tinh thần đó, Trung tâm đang phối hợp với Viện Khảo cổ học đào 5 hố thám sát khu vực điện Kính Thiên, phù hợp với khuyến cáo của UNESCO mở rộng khu khai quật nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn Di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Công tác đào thám sát tiến hành từ cuối tháng 9 và hiện đang đào ở độ sâu hơn 1m. Cũng trong công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản; Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý hiện vật khai quật tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; chỉnh trang nhà trưng bày bảo tàng Hoàng thành Thăng Long; nghiên cứu tư liệu nhận diện diện mạo Điện Kính Thiên trong lịch sử. Theo đó, Trung tâm phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tiếp tục triển khai dự án bảo tồn Khu di sản văn hóa Thăng Long do Quỹ tín thác Nhật Bản/UNECO tài trợ. Trung tâm tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy hoạch chi tiết bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị khu di tích Thành cổ tỷ lệ 1/500; dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011.

Khó nhất là bảo quản hiện vật

Với một khu bảo tồn có hàng triệu hiện vật, việc xây dựng khu bảo tồn hoàn chỉnh phải kéo dài hàng chục năm. Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc bảo tồn các công trình có giá trị lớn đều trải qua một quá trình lâu dài, nghiêm ngặt mới gìn giữ được những giá trị của di sản. Trước tiên, cần phải có quy hoạch tổng thể, quy định thành từng khu, sau đó có quy hoạch chi tiết thì mới bắt tay vào làm được. Chẳng hạn như cố đô Nara (Nhật Bản), cố đô Valiko Turnovo (Bulgaria)... đều phải nghiên cứu nhiều năm để tìm ra phương án tối ưu.

Ở di tích Hoàng thành Thăng Long hiện nay, cùng với việc nghiên cứu của các nhóm khảo cổ và nhóm quy hoạch để tìm ra phương án bảo tồn lâu dài thì việc bảo quản cấp thiết tại chỗ đang được đặt lên hàng đầu để các hiện vật không bị hư hỏng. Một hệ thống mái che đã được xây dựng để bảo quản các hiện vật phát lộ tại khu hoàng thành, đồng thời, hệ thống thoát nước bên dưới cũng đã được xây dựng cùng với sự tư vấn của chuyên gia Nhật Bản. Các chuyên gia đã xây dựng một hố thu để toàn bộ nước dồn về đó, không làm ảnh hưởng đến các hiện vật, các khu khai quật tại công trình, sau đó bơm ra ngoài. Hiện tại, phương pháp này phát huy tác dụng, tuy nhiên không thể nói kết quả là hoàn toàn tuyệt đối, bởi đây là một phương pháp thủ công, nên mang tính tạm thời.

Đặc điểm nổi bật của Hoàng thành Thăng Long là một công trình bao gồm những kiến trúc trên mặt đất và cả phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học. Vì vậy, việc xây dựng nơi đây thành một khu bảo tồn hoàn chỉnh là vấn đề không đơn giản, cần tổ chức nhiều hội thảo, nhiều công trình nghiên cứu để có phương án phù hợp nhất. Việc chỉnh lý khoa học (nghiên cứu, gắn chắp, bảo quản) và tư liệu hóa một khối lượng đồ sộ các di vật ấy tốn khá nhiều thời gian và công sức của con người.

Có thể thấy rằng, việc xây dựng khu bảo tồn Hoàng thành Thăng Long thành một điểm du lịch hoàn chỉnh, một sản phẩm du lịch văn hóa trong tương lai là mong muốn của cả xã hội. Các ban, ngành, cơ quan cần có sự phối hợp để công trình được hoàn thành nhanh hơn, sớm khai thác được những giá trị lịch sử văn hóa to lớn mà cha ông để lại.

Phú Cường