• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

“Khúc tâm tình” Hà Nội giữa phương Nam

(Chinhphu.vn) - 60 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng, nhiều người con Hà thành đã lên đường đi xây dựng các vùng kinh tế mới, trong đó có Sài Gòn-TPHCM. Tuy xa nhưng tình yêu Hà Nội, sự nhẹ nhàng, tinh tế, thanh lịch của người Tràng An vẫn còn nguyên vẹn.

09/10/2014 17:24
Tác giả trong một dịp đến thăm nhạc sĩ Lê Trung Tín - Tác giả của những ca khúc êm đềm về Hà Nội. Ảnh: VGP/Phương Dy
Tinh hoa nét người Tràng An

Đến thăm Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm trên đường Trần Khát Chân (Q.1, TPHCM), chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi người nhạc sĩ gốc Hà Nội vẫn giữ thói quen sống giản dị, đơn sơ như thời còn ở khu tập thể 96 phố Huế, Hà Nội. Lúc chúng tôi đến, nhạc sĩ đang ngồi trên chiếc ghế đã cũ kĩ hướng ra cửa.

Dù đã vào tuổi “xưa nay hiếm” (90 tuổi), nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn còn rất minh mẫn. Nhắc đến Hà Nội, ông bảo đó là vùng đất đã cho ông không chỉ là quê hương, mà còn là mấy mươi năm cảm thụ những tinh hoa âm nhạc của những phường bát âm, lối hát văn, hát chèo và hát ả đào đầy mộng mị.

“Bác nhớ những lúc ở nhà, cứ trời mưa phùn là cha bác lại lấy đàn nguyệt ra chơi; còn thời tiết mà ẩm ướt một chút thì ông cụ hay chơi đàn bầu. Lúc gặp cơn gió nam thì cha lại ngẫu hứng thổi sáo cả nửa tiếng không dứt. Khi rảnh rỗi, ông cụ lại dạy bác tập hát trong khi cụ đàn, hoặc kéo nhị đệm cho bác. Dần dà, bác nghe nhiều thành quen, rồi tự cảm nhận được”.

Nghe câu chuyện của người nhạc sĩ tài hoa, chúng tôi chợt hiểu ra vì sao người già thường hoài cổ.

Với “nàng tiến sĩ” xứ Hà thành, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, người phụ nữ thành đạt gốc Hà Nội gắn bó với lĩnh vực “Khảo cổ học” ở vùng đất Sài Gòn, một nghề tưởng chừng khô khan nhưng đến nay, chị đã cho ra đời nhiều cuốn sách viết về những biến chuyển của cuộc sống đương đại – Chủ đề luôn thu hút những người trẻ. Có lẽ bởi vậy, nickname “Hậu Khảo cổ” dường như đã trở thành một biệt danh gần gũi đối với nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội facebook.

Ký ức Hà Nội

Kể lại những ký  ức Hà Nội, nhạc sĩ Lê Trung Tín, một người con của Hà Nội, bảo vùng đất Tràng An dường như mang cả tuổi thơ của anh, với những ký  ức của những ngày đánh đáo, bắn bi... Có lần, Hà Nội vào đợt rét đậm, mới 5 tuổi được bố dắt vào một cửa hiệu violin, nhưng dù chân tay lạnh cóng, “mắt tôi sáng rực. Cây vĩ cầm đã cuốn hút lấy tôi, và như một định mệnh, đến giờ nó trở thành người bạn tri kỷ của tôi”.

Còn với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ký ức về Hà Nội là những năm tháng ông sống và làm việc tại khu tập thể 96 phố Huế. Nhắc đến nơi chốn ấy, ông rưng rưng: “Tụi trẻ hồi ấy hay gọi bác là “bác Tý”, thỉnh thoảng chúng còn ghé nhà bác chơi nữa...”. Mấy mươi năm người nhạc sĩ già vẫn ôm ấp những ký ức Hà Nội mãi không nguôi...

Riêng “nàng tiến sĩ” Nguyễn Thị Hậu thỉnh thoảng lại nhớ da diết những sớm mùa đông, tiếng tàu điện, tiếng ve mùa hè, kem cốm Tràng Tiền, hoa violet Hà Nội gần Tết, đạn bom trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, đi sơ tán...

“Những lần trở về thăm Hà Nội, tôi chỉ thường loanh quanh những nơi quen thuộc. Đôi khi cũng muốn biết thêm cái gì đó mới mẻ hơn. Nhưng quán tính của ký ức vẫn đủ sức mạnh níu kéo bước chân...”, chị Hậu tâm sự.

Khi nhắc đến tuổi thơ, những thế hệ người Hà Nội có hai quê hương luôn coi đó như một miền ký ức không thể quên. Khác với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, tuổi thơ của đạo diễn Nguyễn Quế Lâm (Phó Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu) lại đầy ắp ký ức tại khu tập thể Kim Liên những năm tháng Hà Nội vừa được giải phóng.

Khi đó, khu tập thể Kim Liên có những khoảng trống phía trước như những “hộp diêm”, vào buổi sáng, hầu như tất cả người lớn đều đi làm, 7 giờ đã vắng tanh, vắng ngắt. Chỉ chiều đến là lúc tụi trẻ con trong khu tập thể xuống chơi đá bóng, nhảy dây; những ông bà già thì tận dụng những góc quanh sân để làm chuồng gà tăng gia.

Khóe mắt người đạo diễn ướt lệ: “Có những trò chơi cứ nhớ đến lại muốn rớt nước mắt. Mỗi ngày, anh vừa chơi vừa nhìn lên bên trên những “hộp diêm” ấy thấy những bóng người cha, người mẹ qua cửa sổ, ánh đèn tròn vàng quạch nhà nào cũng lập lòe, ấm áp, lung linh, cảm giác ấm áp hạnh phúc lắm”.

Mấy mươi năm đã trôi qua, thế nhưng trong miền ký ức của những người Hà Nội có hai quê hương, mảnh đất Hà Nội như đong đầy một sức hút đặc biệt, mà mãi mãi họ luôn kiếm tìm...

Phương Dy