Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Không thành lập được chính phủ liên hiệp càng làm cuộc khủng hoảng chính trị ở Hy Lạp thêm sâu sắc và đẩy nước này tới nguy cơ phá sản và phải rời bỏ khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tình hình tại Hy Lạp khiến Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hết sức lo ngại vì có thể đẩy Eurozone khủng hoảng trở lại.
Xét về mặt kinh tế, Hy Lạp là quốc gia nhỏ, chỉ đóng góp 2,2% GDP của Eurozone. Tuy nhiên, việc nước này rút khỏi Eurozone chắc chắn sẽ tạo ra sự hỗn loạn ở chính Hy Lạp và tác động nghiêm trọng tới các quốc gia thành viên khác.
Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nói trên, hàng hóa trên thị trường thế giới đếu sụt giảm mạnh, trong đó, giá dầu ngọt nhẹ đóng cửa phiên 17/5 tại New York giảm 25 Cent xuống 92,56 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 1/11/2011.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7 cũng trượt 2,26 USD xuống 107,49 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 30/12/2011. Giá vàng và chứng khoán thế giới cũng ở tình trạng tương tự.
Trong bối cảnh ấy, một sự kiện được thế giới quan tâm là Hội nghị Thượng đỉnh các nước G8 nhóm họp ở Mỹ. Vực dậy nền kinh tế các cường quốc sẽ là chủ đề chính được thảo luận tại hội nghị trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu có thể vượt qua Đại Tây Dương làm đình trệ nền kinh tế Mỹ vốn cũng đang èo uột.
Nước chủ nhà Mỹ cũng muốn tận dụng cơ hội này để chứng minh rằng G8 vẫn thể hiện được vai trò đầu tàu của mình trong mọi vấn đề của thế giới, song điều đó không dễ dàng, bởi tiếng nói của G8 trong các vấn đề quốc tế thời gian qua đã không còn nhiều trọng lượng như trước.
Hầu hết các nhà quan sát nhận định cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng tồi tệ tại châu Âu sẽ là mối bận tâm chính của các nhà lãnh đạo G 8. Có vẻ như chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà nhiều nước châu Âu đang theo đuổi để chống “bão nợ công” đã không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Minh chứng rõ ràng nhất là kết quả các cuộc bầu cử tại Pháp, Đức, Hà Lan và Italia, hay các cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ của dân chúng nhiều nước châu Âu phản đối các chính sách khắc khổ của chính phủ. Sự thất bại của Hy Lạp trong việc thành lập chính phủ và buộc phải tổ chức tổng tuyển cử lại có thể dẫn đến khả năng quốc gia này rút khỏi khu vực đồng Euro và làm gia tăng nguy cơ đối với châu Âu.
Với chương trình nghị sự đầy ắp các vấn đề, hội nghị G8 lần này được dư luận trông đợi sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ những vấn đề "đau đầu" hiện nay của thế giới.
Trong tuần qua, một diễn biến thu hút sự chú ý của quốc tế là sự kiện ông Holland nhậm chức Tổng thống Pháp và bổ nhiệm Thủ tướng mới của nước Pháp.
Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Pháp ngày 15/5, ông Francois Hollande đã cử ông Jean-Marc Ayrault giữ chức Thủ tướng Pháp nhiệm kỳ 2012-2017. Sau đó, cơ cấu Chính phủ mới của Pháp được công bố. Trong 34 Bộ trưởng của Chính phủ nước này có tới 17 người là phụ nữ.
Ngày 17/5, trong cuộc họp Nội các đầu tiên, Chính phủ Pháp đã thực hiện một hành động mang tính biểu tượng khi quyết định cắt giảm 30% lương của Tổng thống, Thủ tướng và các Bộ trưởng.
Phát ngôn viên Chính phủ Pháp Najat Vallaud-Belkacem cho biết, việc cắt giảm lương là ví dụ cho thấy Chính phủ Pháp coi trọng giải quyết tình hình tài chính công của đất nước.
Cũng trong cuộc họp này, mối quan ngại hàng đầu của Chính phủ Pháp là giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và thúc đẩy những cam kết của Tổng thống Hollande nhằm chuyển hướng trọng tâm kinh tế của EU từ thắt lưng buộc bụng sang thúc đẩy tăng trưởng.
Tân Bộ trưởng Tài chính Pháp, Pierre Moscovici cũng nhắc lại cam kết rằng Paris sẽ không phê chuẩn hiệp ước thắt chặt ngân sách của EU nếu hiệp ước này không bao gồm các biện pháp và chiến lược thúc đẩy tăng trưởng.
Trong lĩnh vực văn hóa, tối 16/5, Liên hoan Phim Cannes lần thứ 65 đã chính thức khai mạc tại thành phố nghỉ mát Riviera, miền Nam nước Pháp và kéo dài đến hết ngày 27/5.
Liên hoan Phim Cannes luôn được giới điện ảnh đánh giá như là một bệ phóng vững chắc cho các đạo diễn và những bộ phim trước khi được lựa chọn trao giải Oscar. Chủ tịch Liên hoan Phim Cannes, ông Thierry Fremaux, cho rằng Cannes luôn là nơi "lửa thử vàng" đối với nền công nghiệp điện ảnh.
Nguyễn Chiến