Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (Khung năng lực tiếng Việt, viết tắt: KNLTV) được dùng để làm căn cứ thống nhất đánh giá năng lực tiếng Việt của người nước ngoài; làm căn cứ xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy, biên soạn hoặc lựa chọn học liệu, xây dựng tiêu chí kiểm tra, đánh giá ở từng cấp học và trình độ đào tạo.
Bên cạnh đó, Khung này làm căn cứ cho giáo viên, giảng viên lựa chọn và triển khai nội dung, cách thức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá nhằm hỗ trợ người học đạt được các yêu cầu của chương trình đào tạo; giúp người học hiểu được nội dung, yêu cầu đối với từng trình độ năng lực tiếng Việt và tự đánh giá năng lực của mình. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi giáo dục, công nhận văn bằng, chứng chỉ với các quốc gia sử dụng Khung tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ (Khung tham chiếu chung Châu Âu, viết tắt: CEFR).
Theo dự thảo, KNLTV được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng CEFR, kết hợp với tình hình, điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng tiếng Việt. KNLTV được chia làm 3 cấp (Sơ cấp, Trung cấp, Cao cấp) và 6 bậc (từ Bậc 1 đến Bậc 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR).
6 bậc thuộc KNLTV được mô tả cụ thể như sau:
Bậc 1: Hiểu, sử dụng được các cấu trúc ngôn ngữ quen thuộc; biết sử dụng các từ ngữ cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao tiếp cụ thể: tự giới thiệu bản thân và người khác; trình bày được những thông tin về bản thân như: nơi sinh sống, người thân/bạn bè … Có khả năng giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ.
Bậc 2: Hiểu các câu và cấu trúc ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên, liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản như: thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm ... Có khả năng trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày, mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu.
Bậc 3: Hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về những chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí ... Có khả năng xử lý được hầu hết các tình huống xảy ra khi đến nơi có sử dụng tiếng Việt; viết được đoạn văn đơn giản liên quan đến những chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân mình quan tâm; mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, mong muốn, và trình bày ngắn gọn được lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình.
Bậc 4: Hiểu được ý chính của một văn bản phức tạp về các chủ đề khác nhau, kể cả những trao đổi có nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân. Có khả năng giao tiếp trôi chảy, tự nhiên với người Việt; viết được những văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và giải thích được quan điểm của mình về một vấn đề, nêu ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.
Bậc 5: Nhận biết và hiểu được hàm ý của những văn bản dài, có phạm vi nội dung rộng. Có khả năng diễn đạt trôi chảy, tức thì, không có khó khăn khi tìm từ ngữ diễn đạt; sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả phục vụ các mục đích quan hệ xã hội, mục đích học thuật và chuyên môn; viết rõ ràng, chặt chẽ, chi tiết về các chủ đề phức tạp, thể hiện khả năng tổ chức văn bản, sử dụng tốt từ ngữ nối câu và các công cụ liên kết trong văn bản.
Bậc 6: Dễ dàng hiểu hầu hết các văn bản nói và viết. Có khả năng tóm tắt được các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại và trình bày lại một cách logic; diễn đạt rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được những khác biệt tinh tế về ý nghĩa trong các tình huống phức tạp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ những yêu cầu về các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đối với 6 bậc này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Tuệ Văn