Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô.
Bộ Tài chính cho biết, bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp hướng tới người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu.
Tại Việt Nam, bảo hiểm vi mô được triển khai bởi các doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức chính trị - xã hội (Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam), cụ thể như sau:
Bảo hiểm vi mô do các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai: Tính đến nay đã có 03 doanh nghiệp bảo hiểm là Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam được Bộ Tài chính phê chuẩn các sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên do chi phí khai thác cao (đối tượng khách hàng trải rộng, vùng sâu, vùng xa...) trong khi mạng lưới khai thác chưa bao phủ tới, việc triển khai không hiệu quả, số người tham gia ít, doanh thu phí bảo hiểm thấp. Hiện nay, Prudential và Dai-ichi đã ngừng triển khai sản phẩm này, chỉ còn Manulife cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô cho đối tượng tham gia là hội viên Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam có độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi.
Tính đến hết tháng 6/2022, số lượng hợp đồng bảo hiểm vi mô có hiệu lực của Công ty là 8.586 hợp đồng với tổng sổ phí bảo hiểm thu được là 718 triệu đồng.
Bảo hiểm vi mô do Hội LHPN triển khai với tính chất tương hỗ: Hội LHPN đã thực hiện Dự án Quỹ Tương trợ để cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô cho thành viên của Hội thông qua mạng lưới hoạt động của Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương - Quỹ TYM từ năm 2008. Sản phẩm bảo hiểm vi mô cung cấp quyền lợi Tương trợ y tế Tương trợ nhân thọ và Tương trợ vốn vay. Đây là các sản phẩm đơn giản, có mức phí bảo hiểm thấp do được phân phối dựa trên mạng lưới có sẵn, đã được tổ chức chặt chẽ, phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập thấp và nhận được sự ủng hộ về ý nghĩa nhân văn của loại hình bảo hiểm này.
Năm 2014, Lãnh đạo Chính phủ đã cho phép Hội LHPN triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô. Hội LHPN đã thành lập Quỹ bảo hiểm vi mô để triển khai bảo hiểm vi mô, cung cấp các sản phẩm bảo hiểm tương trợ vốn vay với mức phí hàng năm bằng 0,4% tổng số vốn vay. Trong giai đoạn thí điểm từ 6/2016 đến ngày 15/7/2021, Hội LHPN đã cung cấp hơn 126 nghìn hợp đồng bảo hiểm cho các thành viên của Hội, với tổng số phí bảo hiểm thu được hàng năm đạt hơn 10 tỷ đồng.
Đến nay, Hội LHPN đã dừng triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, cần thiết ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô vì những lý do sau:
Một là, thực hiện các nội dung được giao tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QHỈ5.
Hai là, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô, tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp xúc với sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường của các doanh nghiệp bảo hiểm góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Rủi ro luôn hiện diện và gây tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống, sản xuất kinh doanh. Người nghèo, người thu nhập thấp là các đối tượng yếu thế, chịu tác động mạnh mẽ trước những rủi ro, tuy nhiên, khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm thương mại của họ bị hạn chế do mức phí bảo hiểm của các sản phẩm thương mại thường cao hơn khả năng tài chính của họ.
Bảo hiểm vi mô với số tiền bảo hiểm nhỏ, mức phí bảo hiểm thấp, quyền lợi cơ bản phù hợp với nhu cầu bảo hiểm, khả năng tài chính của người nghèo, người thu nhập thấp. Khi tham gia các sản phẩm bảo hiểm này, người nghèo, người thu nhập thấp được tiếp cận các giải pháp tài chính đối phó với rủi ro, thiệt hại trong đời sống và sản xuất, từ đó có được sự khích lệ, động viên và ổn định cuộc sống.
Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã bổ sung những quy định riêng về bảo hiểm vi mô theo hướng Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy loại hình bảo hiểm này phát triển. Vì vậy, việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô để hướng dẫn cụ thể các biện pháp thi hành Luật sẽ góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp xúc với các sản phẩm bảo hiểm thương mại của doanh nghiệp bảo hiểm.
Ba là, xây dựng khung khổ pháp lý cho các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các hợp tác xã thành lập các tổ chức tương hỗ để cung cấp bảo hiểm vi mô cho các thành viên.
Thời gian qua, Hội LHPN đã triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô cho các hội viên. Việc triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô của Hội LHPN đã đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng nhu cầu của những hộ gia đình nghèo, thu nhập thấp, được các thành viên của Hội đón nhận tích cực. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý bền vững để Hội tiếp tục mở rộng triển khai hoạt động này.
Bên cạnh đó, một số các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, hợp tác xã cũng muốn được triển khai cung cấp bảo hiểm cho thành viên của tổ chức mình theo hình thức bảo hiểm tương hỗ nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô để tạo cơ sở pháp lý khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức khác tham gia vào việc cung cấp bảo hiểm vi mô, tạo điều kiện thúc đẩy loại hình này phát triển, góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và nhà nước.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh