Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Sẽ có nhiều thành tích được báo cáo sau hơn 1 năm thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (ban hành theo Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 2/10/2017) và Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020 (được ban hành theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017).
Đáng nói nhất là hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa so với trước khi cổ phần hóa tốt hơn nhiều. Cả lợi nhuận bình quân trước thuế, nộp ngân sách nhà nước, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập của người lao động đều tăng; quản trị doanh nghiệp thay đổi theo hướng tích cực...
Tuy vậy, TP.HCM, Hà Nội vẫn chưa triển khai cổ phần hóa bất cứ doanh nghiệp nào trong kế hoạch của năm 2018. Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, các tỉnh Thừa Thiên Huế, An Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Thái Nguyên... là những cái tên sẽ bị nhắc vì chậm cổ phần hóa cũng như chậm thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp. Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) của 62 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017-2020 thực hiện chưa được một nửa, 667 doanh nghiệp đã cổ phần hóa song chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán theo như yêu cầu…
Có lẽ cần nhắc lại 4 mục tiêu của Nghị quyết 12-NQ/TW đặt ra đến năm 2020.
Một là, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017-2020 trên cơ sở các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực. Phấn đấu hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn.
Hai là, tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Ba là, phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.
Bốn là, hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Có thể thấy, một phần lớn công việc đã được hoàn thành, nhưng phần việc còn phải làm cũng không nhỏ và đóng vai trò quan trọng.
Chỉ riêng việc nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này...
Hơn thế, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc trong triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chứng tỏ cho tới thời điểm này, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong đổi mới hoạt động...
Phải nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, rằng “chúng ta chọn con đường khó hơn. Đây không phải là cơ quan hành chính, tầng nấc, phức tạp cho doanh nghiệp. Nếu là một cơ quan gây gánh nặng cho doanh nghiệp nhà nước thì chúng ta không làm điều này”.
Ông cũng nhắc nhở rằng, dư luận xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban trong đổi mới tư duy, đổi mới quản trị, cách thức quản lý, cách thức hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, làm sao khắc phục cho được các yếu kém, cải thiện và tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước chưa bao giờ là công việc dễ dàng, là con đường trải thảm. Chính bởi vậy, để doanh nghiệp nhà nước có những đóng góp tương xứng với vị trí, tiềm năng, nguồn lực phục vụ cho tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, thì thách thức là không hề nhỏ.
Bảo Duy
Theo Báo đầu tư