Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự thảo đề xuất quy định cụ thể về điều kiện chuyên môn của cán bộ kiểm định. Theo đó, cán bộ làm nhiệm vụ thu mẫu nước thải, đo kiểm tại hiện trường phải có trình độ trung cấp trở lên và được tập huấn, cấp giấy chứng nhận do Cục Cảnh sát môi trường hoặc đơn vị có năng lực tổ chức.
Cán bộ làm nhiệm vụ kiểm định mẫu nước thải phải có trình độ đại học trở lên và được tập huấn, cấp giấy chứng nhận do Cục Cảnh sát môi trường hoặc đơn vị có năng lực tổ chức.
Dự thảo cũng đề xuất cụ thể trách nhiệm của cán bộ kiểm định nước thải gồm:
a) Thực hiện đúng quy trình vận hành, sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kiểm định nước thải và chịu trách nhiệm về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kiểm định nước thải;
b) Đảm bảo thiết bị hoạt động bình thường, ổn định và đã được hiệu chuẩn theo quy định; thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc hạn chế ảnh hưởng nền mẫu theo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất; thực hiện đầy đủ quy trình phân tích, kiểm soát chất lượng;
c) Chỉ sử dụng kết quả của mẫu kiểm định khi kết quả kiểm soát chất lượng đạt yêu cầu theo quy định.
d) Từ chối kiểm định mẫu nước thải trong trường hợp mẫu được thu và bảo quản không bảo đảm chất lượng, không đúng quy định trong Thông tư này.
Trách nhiệm của đơn vị quản lý cán bộ kiểm định:
a) Lập hồ sơ quản lý phương tiện, thiết bị kiểm định nước thải bao gồm: lý lịch thiết bị; hướng dẫn sử dụng; nhật ký sử dụng; giấy kiểm định hoặc hiệu chuẩn; sổ giao, nhận thiết bị;
b) Tổ chức bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm các phương tiện, thiết bị kiểm định nước thải; mua sắm hóa chất, vật tư theo quy định, kịp thời sửa chữa phương tiện, thiết bị kiểm định đảm bảo công tác;
c) Mở và lưu trữ hồ sơ về năng lực chuyên môn của cán bộ kiểm định: lý lịch khoa học; hồ sơ đào tạo, các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận liên quan; bảng thống kê năng lực kiểm định của cán bộ (để theo dõi, phân công thực hiện việc kiểm định);
d) Hàng năm, phải đánh giá năng lực kiểm định của cán bộ thông qua tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo (do Cục Cảnh sát môi trường hoặc đơn vị có chức năng tổ chức) hoặc thông qua các kết quả kiểm soát chất lượng; phải thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng kiểm định. Cán bộ có kết quả đánh giá không đạt phải được tập huấn bổ sung trước khi tiếp tục thực hiện công tác kiểm định;
đ) Mở và lưu trữ đầy đủ hồ sơ về kiểm định nước thải, bao gồm hồ sơ về thu mẫu, hồ sơ đo kiểm hiện trường (nếu có), hồ sơ kiểm định mẫu nước thải trong phòng thử nghiệm và các văn bản, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ việc kiểm định.
Dự thảo quy định quy trình kiểm định mẫu nước thải như sau:
Tiếp nhận, xem xét yêu cầu kiểm định và mẫu vật: Phòng thử nghiệm hoặc đơn vị kiểm định phải đánh giá chất lượng mẫu cần kiểm định và xem xét yêu cầu kiểm định để xác định sự phù hợp với năng lực kiểm định. Trường hợp không phù hợp thì từ chối kiểm định hoặc sử dụng nhà thầu phụ thực hiện, trường hợp phù hợp thì tiến hành mã hóa mẫu (với mẫu chưa được mã hóa hoặc mã hóa chưa đạt yêu cầu) và phân công thực hiện nhiệm vụ phân tích theo các thông số cần kiểm định.
Chuẩn bị dụng cụ, thiết bị và xử lý mẫu trước phân tích: a) Căn cứ vào các thông số cần phân tích của mẫu nước thải và phương pháp phân tích sẽ thực hiện để chuẩn bị đúng chủng loại, đúng và đủ về số lượng và chất lượng các trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất, thuốc thử và các mẫu QC phục vụ việc kiểm định; b) Tiến hành xử lý mẫu trước phân tích theo quy trình xử lý mẫu trước phân tích ứng với phương pháp phân tích và thông số môi trường cụ thể.
Triển khai phân tích: Thực hiện phân tích theo quy trình kỹ thuật phân tích đã được phòng thử nghiệm xây dựng theo từng phương pháp cụ thể. Phải phân tích đồng thời mẫu cần kiểm định với các mẫu kiểm soát chất lượng.
Kết thúc công tác phân tích trong phòng thử nghiệm:
a) Viết biên bản kiểm định tại phòng thí nghiệm theo Mẫu 06-MTr bàn hành hành kèm theo Thông tư số 61/2012/TT-BCA-C41. Tính toán, xử lý các số liệu phân tích theo từng phép đo tương ứng. Kiểm tra tổng hợp về tính hợp lý của các kết quả phân tích mẫu nước thải. Việc kiểm tra dựa trên hồ sơ kiểm định (biên bản thu mẫu, biên bản đo kiểm hiện trường, biên bản giao nhận mẫu vật, biên bản kiểm định và các kết quả đo, phân tích trong phòng thử nghiệm, kết quả phân tích các mẫu QC);
b) Viết Kết luận kiểm định môi trường theo Mẫu 09-MTr hoặc Mẫu 10-MTr ban hành kèm theo Thông tư số 61/2012/TT-BCA-C41. Trường hợp chưa đủ điều kiện kết luận theo quy định thì viết Kết quả kiểm định môi trường theo Mẫu 07-MTr hoặc Mẫu 08-MTr ban hành kèm theo Thông tư số 61/2012/TT-BCA-C41. Phần mẫu còn lại sau phân tích được lưu theo quy định về kiểm soát chất lượng trong phân tích và quy định về quản lý mẫu vật môi trường (thời gian lưu là 30 ngày sau khi kết thúc kiểm định trừ khi có yêu cầu khác).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Hoa Hoa