Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trước tình hình vừa qua, nhất là những ngày gần đây, giá cả một số mặt hàng trong nước tăng, do giá xăng dầu thế giới tăng, chiều 14/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp với một số bộ, ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu (xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, sắt thép, phân bón, nông sản, dịch vụ vật tư y tế...).
Dư cuộc họp tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tổng cục Thống kê,… Tại điểm cầu địa phương có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lạng Sơn, An Giang.
Sau khi nghe Bộ Tài chính báo cáo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương thảo luận, đánh giá tình hình tháng 3, quý II và những tháng cuối năm để có biện pháp điều hành sát thực tế, khả thi, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát được giá theo các mục tiêu đề ra.
"Nếu không kiểm soát được giá, thì những thành quả đã đạt được cũng như những mục tiêu đã đề ra trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất lớn", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu.
Đánh giá về diễn biến giá cả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, vừa qua sự thay đổi không tích cực về giá, nhất là giá xăng dầu diễn ra quá nhanh, nằm ngoài dự đoán của chúng ta. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để điều hành giá các mặt hàng thiết yếu.
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh: Các mặt hàng năng lượng (xăng, dầu, than) có tác động rất sâu rộng, không chỉ đối với hoạt động sản xuất mà còn tác động tới quá trình lưu thông hàng hóa.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho rằng, trong tình huống này, các bộ, ngành phải chủ động, xây dựng các kịch bản xấu nhất, phối hợp chặt chẽ để có biện pháp ứng phó hiệu quả.
Về điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, nhờ có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chúng ta đã kìm được mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với thế giới.
Nếu như giá xăng dầu thế giới biến động từ 44-60% (tùy mặt hàng) thì ở Việt Nam chỉ biến động trên 20-39%.
Thông tin về công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong tháng 3 cơ bản chúng ta đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Để bảo đảm nguồn cung trong quý II, Bộ Công Thương đã giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Nếu không có diễn biến quá bất thường, chúng ta vẫn đảm bảo được nguồn cung. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bàn bạc với các nhà sản xuất xăng dầu trong nước để có biện pháp phù hợp để đáp ứng nguồn cung trong Quý III.
Về diễn biến chỉ số giá tiêu dùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, qua phân tích diễn biến tốc độ tăng CPI tại một số nước thế giới và so sánh với diễn biến trong nước, có thể khẳng định thời gian qua "chúng ta đã tránh được bão giá".
Theo bà Hương, tuy chúng ta chịu tác động lớn của giá xăng dầu, nhưng trong giỏ hàng, quyền số mặt hàng xăng dầu không cao như các nước. Bên cạnh đó, chúng ta có trụ đỡ về lương thực thực phẩm, chủ động được nguồn cung, cân đối được cung cầu. Đây là lợi thế của chúng ta, ít nhất trong thời gian qua. Đồng thời, chúng ta đã ban hành và thực hiện một loạt các giải pháp giảm thuế đã được áp dụng nên đã kìm được mức tăng CPI.
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương (Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Giao thông vận tải, Xây dựng, Y tế, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lạng Sơn,...) bày tỏ thống nhất cao với các nhận định, giải pháp nêu trong báo cáo của Bộ Tài chính. Khẳng định, với những giải pháp đã triển khai, chúng ta cơ bản vẫn kiểm soát được mặt bằng giá.
Đồng thời, các ý kiến cũng nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm; quản lý giá dịch vụ vận tải (hàng không, hàng hải, đường bộ), vật liệu xây dựng, trang thiết bị y tế; công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu tại các địa phương,...
Đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng nêu một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác điều hành giá trong thời gian tới như: Tiếp tục chủ động vào cuộc, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để sẵn sàng các biện pháp ứng phó; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá; tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xuất nhập hàng hóa trái phép qua biên giới. Công khai các trường hợp vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng…
Các ý kiến cũng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác điều hành giá đối với các mặt hàng thiết yếu để người dân hiểu, đồng thuận, không gây nhiễu loại thị trường, tạo nên những hiệu ứng không đáng có.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác điều hành giá. Căn cứ thực tế và quy định của pháp luật đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất. Qua đó đã đảm bảo nguồn cung và giá các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và người dân. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản chúng ta kiểm soát được giá.
Tuy nhiên sức ép từ biến động giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới, cũng như những chính sách tiền tệ, tài khóa của các nước đang gây áp lực lớn đối với công tác điều hành giá ở trong nước. Do đó, chúng ta không được chủ quan, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu thời gian tới cần tập trung thực hiện hiện tốt các nhiệm vụ vụ sau.
Trước tiên, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo về điều hành giá tại Văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022 và Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 2/3/2022 của Văn phòng Chính phủ. Thực hiện tốt các giải pháp điều hành giá trong tháng 3 và quý II/2022, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng trong hệ thống để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành giá.
Các bộ, ngành tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, tác động của cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đối giá cả xăng dầu thế giới và các mặt hàng thiết yếu, qua đó đánh giá các tác động đối với thị trường trong nước để đề ra các kịch bản ứng phó phù hợp.
Đối với điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là mặt hàng thực hiện bình ổn giá. Chúng ta có Quỹ bình ổn, nhưng thời gian qua đã chi ra nhiều để kìm tốc độ tăng giá xăng dầu nên dư địa để điều chỉnh không còn. Trên cơ sở đề xuất của liên Bộ Tài chính, Công Thương, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu. Nếu được thông qua, chúng ta sẽ điều hành xăng dầu theo giá cơ sở mới từ tháng 1/4/2022.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý các bộ ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá đúng tình hình để đảm bảo đủ nguồn cung đối với từng mặt hàng cụ thể. "Không để xảy ra tình trạng, nguồn cung không thiếu, nhưng cung cấp hàng hóa ra thị trường không kịp thời dẫn đến giá cả biến động. Dư luận phản ứng".
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành điều hành linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, không gây tác động tiêu cực đối với kiểm soát giá.
Các bộ, ngành căn cứ vào chức năng quản lý Nhà nước, các địa phương quản lý địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao để quản lý chặt chẽ từng mặt hàng cụ thể theo đúng quy định của pháp luật về giá. Những vấn đề vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Mục tiêu trọng tâm là phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, LPG; thép xây dựng, xi măng; dịch vụ vận tải; thức ăn chăn nuôi, thịt lợn, gạo; vật tư trang thiết bị y tế…) theo đúng quy định của pháp luật về giá.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong điều kiện biến động khó lường, chúng ta phải tăng cường các biện pháp quản lý. Theo đó các bộ, ngành, địa phương phải hết sức sát sao, nắm chắc tình hình, thực hiện các biện pháp điều hành giá linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, gắn liền với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá.
Về công tác thông tin tuyên truyền, công khai thông tin về giá, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thông tin phải kịp thời. Ông yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền cho người dân hiểu. Không để xảy ra tình trạng thiếu thông tin dẫn đến cách hiểu không đúng, hành động không đúng, gây hoang mang trong dư luận.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, trước mắt trong thời điểm hiện tại không xem xét tăng giá, đặc biệt là các dịch vụ công. Ông đề nghị các bộ, ngành chuẩn bị các phương án để xem xét điều chỉnh vào thời điểm thích hợp.
Đối với những mặt hàng Nhà nước không định giá, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá; kiểm tra chặt chẽ những trường hợp có dấu hiệu bất thường, những mặt hàng tác động lớn đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng để trục lợi trái luật.
Đối với các kiến nghị của địa phương như: Cung cấp thông tin thị trường, cơ sở dữ liệu về giá, điều chỉnh cơ chế, chính sách… Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết kịp thời theo chức năng, thẩm quyền.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, chắc chắn từ nay đến cuối năm giá xăng dầu của chúng ta sẽ thấp hơn các nước xung quanh. Ông yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.
Trần Mạnh