Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Bộ GTVT, dự án đã bàn giao mặt bằng hơn 69,2/72,7 km (đạt 96%), còn lại khoảng g 3,5 km chưa bàn giao mặt bằng, nguồn vốn giải phóng mặt bằng GPMB được giao trong năm 2024 là 173 tỷ đồng chưa tiến hành giải ngân.
Phần mặt bằng còn lại tập trung tại các vị trí chưa được GPMB từ giai đoạn trước khi dừng giãn, các vị trí nút giao tập trung đông dân cư, các vị trí giao cắt công trình hạ tầng kỹ thuật cần nhiều thủ tục, thời gian để thực hiện GPMB có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Về tình hình triển khai thi công, dự án khởi công từ tháng 12/2023, thời gian thực hiện dự án đến nay là 6/24 tháng theo hợp đồng. Tuy nhiên, sản lượng mới đạt khoảng 11% giá trị hợp đồng, đáp ứng khoảng 82% kế hoạch chi tiết đã được chấp thuận của dự án, chưa đáp ứng yêu cầu. Trong điều kiện mùa mưa sắp tới, dự án có nguy cơ chậm tiến độ.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, đáp ứng tiến độ giải ngân của dự án, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư các tiểu dự án GPMB để giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB cho dự án…
"Đặc biệt tập trung đẩy nhanh công tác GPMB tại các vị trí chưa bàn giao mặt bằng từ giai đoạn trước dừng giãn, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và GPMB các khu đông dân cư trên tuyến để triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu", Bộ GTVT nêu rõ và yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh rà soát các khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, khẩn trương báo cáo tham mưu Bộ GTVT các nội dung vượt thẩm quyền.
Về triển khai thi công các gói thầu, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, xác định các hạng mục công việc thuộc đường găng của gói thầu, các khó khăn, vướng mắc chính của từng gói thầu xây lắp, chủ động có phương án xử lý, giải quyết theo thẩm quyền; khẩn trương chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công tổ chức lập lại tiến độ thi công, kế hoạch giải ngân các tháng... phù hợp với điều kiện thời tiết khu vực làm cơ sở theo dõi, đánh giá tiến độ thực hiện của từng nhà thầu, gói thầu.
Đồng thời, phải huy động, bổ sung thêm máy móc, thiết bị, nhân lực để tăng mũi thi công, có phương án tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ và bù lại khối lượng chậm trong thời gian vừa qua.
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải có giải pháp tăng cường công tác đúc cấu kiện, thi công kết cấu cầu, cống trong thời điểm khu vực dự án bước vào mùa mưa và khó khăn về vật liệu đắp ảnh hưởng đến tiến độ thi công nền đường.
Đối với các cấu kiện đúc sẵn trước thời điểm dừng giãn, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chủ động nghiên cứu, đánh giá chất lượng, nguyên nhân chủ quan, khách quan, rà soát các hồ sơ nghiệm thu cấu kiện trước khi dừng giãn để xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Theo Bộ GTVT, dự án có nhiều đoạn tuyến đã thi công lớp cấp phối đá dăm. Do vậy, cần khẩn trương sửa chữa, bù phụ, hoàn thiện, có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi để triển khai thảm bê tông nhựa bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Bộ GTVT lưu ý các vị trí mặt đường cấp phối đá dăm thi công trước khi dừng giãn đến nay đã hư hỏng, ngập nước, cần xử lý dứt điểm trước khi thi công thảm bê tông nhựa để đảm bảo chất lượng công trình.
Về mỏ vật liệu xây dựng, các nhà thầu thi công cần chủ động về mọi mặt trong việc tìm nguồn cung ứng vật liệu đảm bảo chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật của dự án, báo cáo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, đối với tư vấn giám sát xem xét, chấp thuận nguồn vật liệu theo quy định để triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hỗ trợ nhà thầu trong công tác xác định nguồn cung cấp vật liệu phục vụ thi công dự án, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
Về quản lý chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiến độ, bảo đảm ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ, công vụ, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực liên quan đến hoạt động quản lý dự án…
Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát tăng cường cán bộ có đủ năng lực, kinh nghiệm để thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vướng mắc ở hiện trường dự án, tăng cường công tác quản lý chất lượng và nghiệm thu, thanh toán kịp thời, đúng quy định.
Tháng 11/2023, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa chính thức được thi công lại sau 12 năm gặp khó khăn về nguồn vốn. Dự án có tổng mức đầu tư 2.292 tỉ đồng, được cấp từ ngân sách, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Tuyến đường này đóng vai trò đặc biệt quan trọng kết nối Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đi qua Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An. Đồng thời liên kết mạnh mẽ với nhiều tuyến đường quan trọng khác, như: Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, QL13, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh.
Theo quy hoạch, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ trở thành một tuyến cao tốc 6 làn xe, vận tốc 100km/h. Giai đoạn đầu sẽ xây dựng với quy mô 2 làn xe, tương lai sẽ tiếp tục mở rộng theo nhu cầu phát triển vùng.
Phan Trang