Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2022 và Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Chủ động, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Phó Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, mặc dù trong những tháng đầu năm 2022, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, song toàn ngành KTNN đã chủ động, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ", quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm 2022 đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác.
Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thể chế hóa kịp thời bằng nhiều kế hoạch, nghị quyết, chương trình, chỉ thị để tổ chức thực hiện; tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng kiểm toán trên cơ sở thực hiện các giải pháp đột phá về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, đổi mới phương thức kiểm toán; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là giáo dục về phẩm chất liêm chính, bản lĩnh, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Năm 2023, KTNN xác định phương hướng, nhiệm vụ là: "Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN; hoàn thành toàn diện kế hoạch hoạt động năm 2023 trên tinh thần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công".
Tại phiên họp, sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung trên, phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của KTNN để thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022 và xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023 theo quy định của Luật Kiểm toán, các quy định của pháp luật có liên quan về chiến lược phát triển KTNN.
Kiến nghị xử lý tài chính được 22.036 tỷ đồng
Về Báo cáo công tác năm 2022 của KTNN, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực của KTNN về kết quả kiểm toán đến thời điểm 31/8/2022.
KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính được 22.036 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 102 văn bản quy phạm pháp luật và đóng góp nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng chính sách pháp luật của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính trong lĩnh vực tài chính, tài sản công.
Đặc biệt, KTNN đã có ý kiến tham gia tích cực vào việc xây dựng nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như các dự án quan trọng quốc gia, kiểm toán các nguồn lực trong phòng, chống dịch, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp tục tập trung thực hiện kiểm toán chuyên đề
Về kế hoạch kiểm toán năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với mục tiêu định hướng về lĩnh vực kiểm toán như KTNN đề xuất kế hoạch kiểm toán năm 2023; tăng cường các cuộc kiểm toán để xác nhận quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm của các bộ, cơ quan, Trung ương và địa phương; tăng tỉ trọng các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động và tham gia ý kiến với các dự án quan trọng quốc gia.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị KTNN tiếp tục tập trung thực hiện kiểm toán chuyên đề, kiểm toán phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước, tăng cường kiểm toán việc thực hiện chính sách kinh tế vi mô, chính sách, tài khóa, tiền tệ, những vấn đề liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách, tín dụng ngân hàng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, kinh phí chuyển nguồn ngân sách hằng năm, về hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các dự án trong 12 dự án yếu kém và thua lỗ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị, KTNN cần tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, cân đối lực lượng và thời gian để phục vụ hiệu quả nhất cho việc phê chuẩn quyết toán của HĐND các tỉnh, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; bố trí hợp lý các đoàn kiểm toán để bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị;…
Nguyễn Hoàng