• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Kiểm tra quá nhiều: Hướng dẫn, bắt lỗi hay… xin tài trợ?

(Chinhphu.vn) – Trước ý kiến phản ánh có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra nhưng chủ yếu để nhằm bắt lỗi doanh nghiệp chứ không phải để hướng dẫn, thậm chí khi không bắt được lỗi thì quay ra… xin tài trợ, Chính phủ đã “chốt cứng” yêu cầu không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần mỗi năm.

06/07/2016 14:08
Phản ánh trên đây của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương chỉ là một trong số rất nhiều ý kiến Dương gửi đến Thủ tướng Chính phủ tại cuộc gặp hồi tháng 4 vừa qua về tình trạng doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều. Vẫn theo Hiệp hội này, có doanh nghiệp một năm phải tiếp đón từ 12 đến 15 đoàn, còn thông thường cũng có  đến 8 đoàn.

Chi nhánh VCCI Đà Nẵng đưa ra những ví dụ cụ thể hơn cho thấy nỗi khổ của doanh nghiệp trong vấn đề này. Chẳng hạn, nhiều khách sạn phản ánh, công an phường đến kiểm tra phòng vào đêm khuya bất thình lình và xử phạt nếu cho khách khác giới tính ở cùng phòng mà không có giấy đăng ký kết hôn. Trong khi, không có quy định nào cấm nam nữ ở chung phòng khách sạn và cũng không quy định nam nữ ở chung phòng phải có đăng ký kết hôn.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cũng đề nghị nên “gom” các đoàn kiểm tra liên ngành đối với doanh nghiệp thành 1-2 lần trong 1 năm để khắc phục tình trạng “doanh nghiệp nhỏ nhỏ, vừa vừa thì một quý 3, 4 lần kiểm tra, nay thuế, mai hải quan, ngày kia là phòng cháy, chữa cháy”.

Các Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, An Giang… cũng phản ánh tình trạng tương tự. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, tình trạng này không chỉ gây phiền hà khó khăn cho doanh nghiệp mà còn lãng phí thời gian, kinh phí cho cả doanh nghiệp và ngân sách nhà nước.

Trên thực tế, thanh tra, kiểm tra là câu chuyện gây bức xúc từ lâu cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, phải chấm dứt tình trạng người ta làm tốt, thanh tra thuế mấy ngày liền không phát hiện ra sai phạm, nhưng cán bộ lại “buồn” vì không truy thu được đồng nào.

“Tôi nói thực là doanh nghiệp không biết làm như thế nào. Họ phải cố tình để dành một phần nào đấy làm sai để khi cơ quan thuế vào kiểm tra có tiền mà thu. Chứ không cơ quan thuế vào kiểm tra mà làm tốt cả, đội kiểm tra không có tiền đưa về có khi lại bị đánh giá là làm không tốt. Chả nhẽ đi mấy ngày mà bây giờ đi về không có số thu nào báo cáo với lãnh đạo?”, bà Cúc thẳng thắn chia sẻ về thực trạng mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Tình trạng thanh tra, kiểm tra quá nhiều còn có thể là nguồn cơn gây ra những cuộc khủng hoảng làm doanh nghiệp khốn đốn. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, việc Đội quản lý thị trường số 14 Hà Nội lạm quyền, tùy tiện kiểm tra, tạm giữ và thông tin cho các cơ quan báo chí sản phẩm xúc xích mang nhãn hiệu Viet Foods chứa chất cấm, gây ung thư không có căn cứ pháp luật đã ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến cơ sở sản xuất này. Vụ việc đã được làm sáng tỏ, nhưng những thiệt hại về sản xuất, kinh doanh, thương hiệu của Viet foods là khó có thể đong đếm.

Chỉ được kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm

Trước những bức xúc của doanh nghiệp, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã đưa ra hàng loạt giải pháp.

Nghị quyết chỉ rõ, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật. Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, rà soát, sửa đổi, ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và kiểm toán theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế.

Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Được biết, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được Bộ KHĐT xây dựng cũng có quy định doanh  nghiệp  nhỏ  và  vừa  khởi  nghiệp  không  bị  thanh  tra,  kiểm  tra trong vòng 1 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, trừ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, hiện theo quy định thì thanh tra chỉ được 1 lần 1 năm, nhưng kiểm tra thì không có quy định nào giới hạn. Do đó, yêu cầu nói trên của Chính phủ là điểm rất quan trọng, nếu thực hiện tốt thì tình hình sẽ khác hẳn, doanh nghiệp sẽ yên ổn làm ăn hơn nhiều.

“Hiện kiểm tra quá nhiều, thậm chí chúng tôi biết có những loại doanh nghiệp được kiểm tra hàng tuần, tất nhiên là kiểm tra không chính thức”, ông nói thêm.

Hà Chính