Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu. Ảnh: VGP/ Lê Sơn. |
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu về công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thời gian qua.
Trình danh mục các văn bản QPPL cần sửa đổi, bổ sung trong tháng 5/2021
Theo đó, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành đã tập trung đẩy mạnh công tác rà soát văn bản QPPL, nhất là sau khi có Chỉ thị 209 và 236 của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua hoạt động rà soát, bước đầu đã phát hiện một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, từ đó đã kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi những quy định này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị định, quyết định để sửa đổi các mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản QPPL.
Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát văn bản QPPL, yêu cầu các bộ, ngành tích cực rà soát để phát hiện, từ đó đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung. Bộ Tư pháp sẽ trình Thủ tướng Chính phủ danh mục các văn bản QPPL cần sửa đổi, bổ sung trong tháng 5/2021. Theo đó sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành chủ trì xây dựng các luật hoặc nghị định sửa đổi, bổ sung để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, công tác rà soát văn bản QPPL đã đi vào nền nếp, thông qua các đợt rà soát đạt được kết quả cụ thể, nhận thức của các bộ, ngành về công tác này được nâng lên rõ rệt, có tác động tích cực đến nâng cao chất lượng của công tác xây dựng văn bản QPPL thời gian tới. Đồng thời, các bộ, ngành và Bộ Tư pháp đã phát hiện ra các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh. Nhiều bộ ngành đã chủ động sửa đổi, bổ sung các văn bản theo thẩm quyền để kịp thời khắc phục, xử lý các vướng mắc, bất cập đó.
Công tác rà soát văn bản cũng tác động tích cực tới các hoạt động xây dựng văn bản pháp luật và tổ chức thi hành trong thời gian tới. Điều này cũng được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh là “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật một cách hiệu quả và nghiêm minh”.
Xử lý văn bản trái luật ngày càng nghiêm túc, hiệu quả hơn
Theo Báo cáo số 78/BC-BTP của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ, việc xử lý văn bản trái pháp luật đã được thực hiện ngày càng nghiêm túc, hiệu quả hơn. Phần lớn văn bản trái pháp luật sau khi đã được tự phát hiện hoặc do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phát hiện, kết luận đều được cơ quan ban hành có phương án xử lý kịp thời.
Đối với 38 văn bản có quy định trái pháp luật tồn đọng trước năm 2020 cơ bản đã được xử lý, hiện còn 7 văn bản đang cần tiếp tục được xử lý. Việc tập trung xử lý văn bản trái pháp luật đã hạn chế, ngăn ngừa được tác động tiêu cực đến xã hội do văn bản trái pháp luật gây ra, đồng thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan cấp bộ, chính quyền địa phương trong xây dựng, thực thi pháp luật.
Với sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và vai trò đầu mối, tham mưu tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tích cực, chủ động triển khai có chất lượng, hiệu quả cao nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành (với gần 8.800 văn bản được rà soát), trong đó trọng tâm là quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Đây là đợt rà soát có tính toàn diện, hệ thống, chuyên sâu nhất từ trước đến nay đối với văn bản QPPL của các cơ quan Trung ương. Qua đó đã phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản QPPL do các cơ quan trung ương ban hành góp phần giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL và công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền của Bộ Tư pháp tiếp tục được tập trung thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn ban hành văn bản QPPL của các cơ quan cấp bộ, địa phương; đảm bảo sự chủ động của Bộ trong phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Năm 2020, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo chuyên đề đối với các văn bản QPPL trong lĩnh vực giá do các cơ quan cấp bộ và chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành, qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều văn bản có quy định trái pháp luật, không phù hợp, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL của nhà nước trong lĩnh vực này.
Cần cá nhân hóa trách nhiệm trong ban hành văn bản sai
Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế.
Tại một số cơ quan cấp bộ và cấp tỉnh, việc phát hiện, xử lý văn bản trái pháp luật, chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp vẫn chưa kịp thời. Còn trường hợp văn bản có quy định trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận, kiến nghị xử lý nhưng cơ quan ban hành chậm xử lý, tiềm ẩn tác động tiêu cực đến xã hội.
Nhiều cơ quan chưa thực hiện đúng quy định về việc gửi danh mục văn bản trái pháp luật đã phát hiện qua công tác kiểm tra, tình hình xử lý đến Bộ Tư pháp.
Nhiều địa phươngn chưa kịp thời cập nhật, triển khai thực hiện các quy định pháp luật của cơ quan Trung ương. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định do cấp có thẩm quyền của địa phương đã ban hànhđể phù hợp với văn bản của Trung ương trong một số trường hợp còn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong quản lý nhà nước.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, Bộ Tư pháp thường xuyên tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về xác định trách nhiệm của các bộ ngành để nợ đọng văn bản cũng như chất lượng ban hành văn bản không cao và có thống kê đầy đủ về tiến độ xây dựng các văn bản của từng bộ, ngành.
Việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ban hành văn bản QPPL sai đã được quy định rõ trong Luật Ban hành văn bản QPPL. Tuy nhiên, thực tế là để ra được một văn bản QPPL phải qua nhiều khâu với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Vì thế, việc cá biệt hóa trách nhiệm của cá nhân và tổ chức cụ thể là rất khó.
Trong năm 2021, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh phải xác định việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và kiểm tra, rà soát văn bản QPPL là công tác trọng tâm, ưu tiên nguồn lực thực hiện; gắn với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ về phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn. Nhất là trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBNDcấp tỉnh đối với công tác xây dựng pháp luật.
Bộ Tư pháp cũng sẽ tập trung rà soát các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo phục vụ cho công tác chống dịch COVID-19; lĩnh vực giá; hoạt động giáo dục và đào tạo; việc tham gia vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Từ kết quả rà soát, Bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành quyết định về danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung thời gian tới.
Các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục tham mưu, phối hợp thực hiện hiệu quả việc rà soát văn bản QPPL theo Kế hoạch hoạt động năm 2021 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL; tập trung thực hiện việc xử lý văn bản trên cơ sở kết quả rà soát văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước trong năm 2020 (tại Báo cáo số 442/BC-CP ngày 01/10/2020 của Chính phủ trình Quốc hội) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lê Sơn