|
Nhiều ý kiến cho rằng nên xử lí hình sự những người sử dụng rượu, bia tham gia giao thông. Ảnh: Báo giao thông |
Theo ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Việt Nam đang là quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức cao trên thế giới. Thiệt hại do TNGT liên quan tới rượu bia ở Việt Nam lên tới trên 36%, ước tính 1,2 tỷ USD.
“Những vụ TNGT liên quan đến rượu bia phần lớn là TNGT nghiêm trọng, 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau tai nạn xảy ra”, ông Nguyễn Phương Nam cho biết.
Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, WHO cảnh báo, nếu không có sự kiểm soát tốt thì từ nay đến năm 2020, số nạn nhân thiệt mạng vì TNGT còn tăng mạnh.
Về phía Cục CSGT (Bộ Công an), trong 4 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xảy ra gần 7.600 vụ TNGT, khiến hơn 3.000 người chết và hơn 7.000 người bị thương. Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia gây ra chiếm tới 6,87%.
Trong đợt cao điểm xử lý tình trạng uống rượu bia tham gia giao thông (từ 15/12/2014 đến nay), lực lượng CSGT cả nước đã lập biên bản hơn 35.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, trong đó người điều khiển xe mô tô chiếm tới 93,2%. Đã tước GPLX hơn 35.000 trường hợp, tạm giữ gần 2.400 xe ô tô, gần 33.000 xe mô tô, xử phạt 110 tỷ đồng.
Đại tá Nguyễn Hữu Dánh cho biết, thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, sinh hoạt của người dân còn nhiều, nhất là trong các ngày nghỉ lễ, Tết; cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông kém nên tình trạng sử dụng rượu, bia vẫn lái xe còn diễn ra phổ biến.
Kiến nghị xử lý hình sự
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, có đến 99% ý kiến gửi về Ủy ban ATGT Quốc gia đồng ý tăng nặng chế tài xử phạt đối với người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia. Thậm chí, nhiều ý kiến kiến nghị chuyển sang xử lý hình sự đối với hành vi này.
Đại diện WHO cũng cho hay, nhiều quốc gia đã xử lý rất nghiêm đối với hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông. Cụ thể như, tại Australia, mức phạt lên tới 5.000 đô la hoặc phạt tù 18 tháng, có thể tước GPLX vĩnh viễn. Tại Pháp, nếu lái xe có nồng độ cồn trong máu từ 50-80mg/100ml sẽ bị tước GPLX 3 năm, phạt tiền từ 135-750 EURO; nếu lái xe có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml phạt tù 2 năm, phạt tiền 4.500 EURO....
Ông Nguyễn Phương Nam kiến nghị, Việt Nam nên có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ nhằm kiểm soát vấn đề lái xe uống rượu, bia, trong đó thống nhất quy định nồng độ cồn đối với lái xe ô tô và mô tô là 30mg/100ml. Hiện có 30 quốc gia đang áp dụng mức này.
Ông Nguyễn Phương Nam đề xuất nghiên cứu đưa hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao vượt quá 80mg/100ml và phạt nặng nếu tái phạm.
Liên quan đến ý kiến đề xuất tăng giá của các mặt hàng rượu, bia nhằm hạn chế thói quen sử dụng rượu, bia của người Việt Nam, ông Khuất Việt Hùng cho rằng: “Vấn đề này không đơn thuần liên quan đến giá rượu bia. Vì nếu không mua được rượu do giá đắt thì các loại rượu “cuốc lủi” càng có đất phát triển. Như vậy, việc kiểm soát bằng giá, thuế chỉ là cách làm có tác động nhất định. Quan trọng là chúng ta phải xác định cần có công tác tuyên truyền lâu dài để thay đổi văn hóa uống rượu, bia của người Việt Nam và tập trung vào nội dung “Đã uống rượu bia là không lái xe””.
Phan Trang