• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Kiện tướng phá bom đường 20

Cho đến khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, người Mỹ mới biết lượng bom mìn mà họ ném xuống Trường Sơn đã bị những “kiện tướng rà phá bom mìn” làm cho vô hiệu. Phùng Văn Hải là một trong những kiện tướng trong lĩnh vực này. Ông đã được tặng “Huy hiệu Bác Hồ" ngay tại mặt trận.

04/06/2013 13:52

Kiện tướng phá bom Phùng Văn Hải hôm nay

Đến Hội cựu chiến binh Trường Sơn TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được mọi người giới thiệu về một thanh niên xung phong (TNXP) và đặt cho tên gọi đầy tôn trọng: “Kiện tướng rà phá bom mìn” đường 20, Trường Sơn. Ông là Phùng Văn Hải, nguyên Đại đội phó 459 TNXP (Tiểu đoàn 2, Binh trạm 14, Đoàn 559). Hiện, ông làm nghề sửa chữa điện tử, trên phố Lê Quang Định (quận Bình Thạnh).

Nghe ông kể chuyện, chúng tôi cảm tưởng như đang được xem một bộ phim nhiều tập về ký ức hào hùng của TNXP Trường Sơn trong rà phá bom mìn, mở đường huyền thoại.

Tháng 12/1965, Đại đội 459 có mặt tại đường 20 Trường Sơn, một trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của địch ở Trường Sơn, trong đó ngầm Ta Lê, cua chữ A, ngầm Cà Ròng trở thành những “túi bom”. Trung bình mỗi ngày, chúng oanh tạc từ 2 đến 3 lượt, còn máy bay trinh sát thì thường xuyên lượn trên đầu. Mỗi lần quần thảo, địch ném xuống nhiều loại bom mìn, cày xới chà đi xát lại, nhằm chặt đứt tuyến đường 20 huyết mạch.

Bom phá đường ở đâu, TNXP lại có mặt ngay ở đó để san, lấp mở đường cho xe vào tuyến kịp thời. Nhưng để khắc phục những quả bom mìn chưa nổ là vấn đề phức tạp nhất. Hầu hết anh em trong đơn vị đều mới vào chiến trường, nên chưa nhận dạng, chưa nắm được tính năng kỹ, chiến thuật của chúng. Hằng ngày hằng giờ, bom mìn cứ lạnh lùng cướp đi sinh mạng nhiều đồng đội. Để hoàn thành nhiệm vụ, đây là thách thức lớn đối với Đại đội 459 TNXP.

Ông kể lại: Ở trọng điểm Km54 ngầm Cà Ròng, khoảng giữa tháng 5/1966, cả đơn vị đang tải đạn, bất ngờ nghe nhiều tiếng nổ liên tiếp, đất đá tung lên, khói bụi mù mịt. 4 đồng đội đã hy sinh tại chỗ vì vấp phải mìn. Còn tại cua chữ A trước đó, ông cùng 4 đồng đội rà phá bom mìn, nhưng mới rà được gần 200m, bỗng một tiếng nổ inh tai, làm hai người bị thương nặng.

Ông đã suy nghĩ: “Hôm nay, đồng đội hy sinh vì mìn… còn hôm sau, hôm sau nữa cũng có thể đến lượt mình, nếu không có biện pháp khắc phục. Mình là cán bộ phải làm trước, nếu mình không làm được thì ai làm”. Thế rồi cứ mỗi lần địch rải bom mìn là ông bám sát nắm vị trí, sau đó thông báo khu vực nguy hiểm và mày mò nghiên cứu tìm biện pháp tháo gỡ.

Gần như suốt ngày đêm, ông ở ngoài tuyến. Qua những ngày nghiên cứu, ông và đồng đội đã nắm được tính năng, nhận dạng rõ từng loại: bom câm, bom từ trường, mìn đè nổ, vướng nổ, bom nổ chậm...rồi ra tay khắc phục.

Thời gian đầu, ông và đồng đội chủ yếu dùng phương pháp kích nổ. Tuy nhiên, với cách này rất nguy hiểm, đặc biệt là bom từ trường rất khó tiếp cận để kích nổ. Vốn là học sinh giỏi vật lý của Trường THPT Biên Hòa, thị xã Phủ Lý (Hà Nam), ông tìm ra nguyên lý nổ của bom từ trường, đó là khi tiếp xúc với sắt thép, bom sẽ phát nổ.

Không chần chừ, ông chọn ngay những nắp thùng phuy đựng dầu có sẵn ở chiến trường, sau đó dùng dây rừng buộc vào nắp thùng phuy và giật cho nắp thùng phuy trượt qua vị trí có bom từ trường.

Ông nhớ lại: “Tại Km57, đường 20, khoảng cuối tháng 7/1967, thấy máy bay địch lao xuống thấp, có tiếng bom nổ lớn, tôi cùng đồng chí Chính là liên lạc đại đội thận trọng bò đến gần, phát hiện một quả bom từ trường bốn cánh màu xanh đang nằm nghiêng trên mặt đường. Sau khi trinh sát, tôi buộc dây vào nắp thùng phuy để giật. Nhưng khi chiếc nắp thùng phuy di chuyển đến gần quả bom thì bị kẹt, không di chuyển được nữa. Tôi liền bảo Chính vào vị trí ẩn nấp và giữ dây để tôi bò ra xem thế nào. Khi bò vào gần đến nơi, tôi phát hiện ra nắp thùng phuy bị vướng vào một hòn đá gần sát quả bom. Tình huống thật gay go, nếu bỏ cuộc sẽ nguy hiểm cho mọi người. Còn nếu thực hiện thì có thể mình sẽ hy sinh. Tôi nín thở, mồ hôi túa ra, tay nắm chặt vào nắp thùng phuy khẽ nhích qua hòn đá. Thật may là quả bom vẫn không nổ. Tôi thở phào, nhanh chóng bò trở về vị trí. Ngay sau đó, tôi cùng Chính đã hủy thành công quả bom từ trường này”.

Mặt trận đường 20 ngày càng khốc liệt. Quân Mỹ sử dụng ngày càng nhiều loại vũ khí mới, tinh vi. Lần đầu tiên tại chiến trường, chúng thả “cây nhiệt đới”, một loại máy thu phát tín hiệu, nhưng nhiều người trong đơn vị lúc bấy giờ lo ngại, cho rằng bên trong nó là một quả mìn. Để giải thích và có biện pháp khắc phục, ông tự tìm “cây nhiệt đới” tháo ra nghiên cứu. Khi vừa tháo ra thì một tiếng nổ nhỏ và ánh lửa xòe ngay trước mặt. Qua tìm hiểu, ông mới biết, bên trong "cây nhiệt đới" chỉ có 8 cục pin tiểu và hệ thống mạch thu phát tín hiệu. Tiếng nổ đó chính là bộ phận địch chế tạo để nhằm phá hủy cấu tạo của “cây nhiệt đới” gây khó khăn cho ta trong việc tìm hiểu chúng. Từ đó, mọi người khi gặp “cây nhiệt đới” đều bình tĩnh, nhanh chóng vô hiệu hóa.

Trong những năm từ 1965 - 1970 của cuộc kháng chiến, giới quân sự và tình báo Mỹ nỗ lực trinh sát, tìm giải pháp, nhưng vẫn không thể giải thích được vì sao, nhiều tấn bom, mìn, nhiều loại bom, mìn hiện đại được rải xuống Trường Sơn mà vẫn không đem lại kết quả như chúng mong muốn. Cho đến khi chiến tranh kết thúc, người Mỹ mới biết bom mìn mà họ ném xuống Trường Sơn đã bị những “kiện tướng rà phá bom mìn” như Phùng Văn Hải vô hiệu hóa. Hàng ngàn quả bom mìn vừa được thả xuống đường 20 đã bị ông cùng tổ rà phá bom mìn kịp thời chế ngự.

Tháng 2/1970, hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường, cũng như bao người lính khác trở về làng quê, sống cuộc đời bình dị.

 Duy Hiển (nguồn: QĐND)