Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông tin tại Diễn đàn thương mại Việt Nam-EU, diễn ra chiều ngày 29/9 tại TPHCM, do Bộ Công Thương phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam tổ chức cho biết, 8 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,85% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực.
Phát biểu online từ đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hơn 2 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, có thể thấy quan hệ kinh tế-thương mại đã thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam-EU với những kết quả đáng ghi nhận.
EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan.
Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam-EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm thứ 2 thực thi EVFTA (từ tháng 8/2021 đến tháng 7/2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, trong đó, xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu đạt 16,4 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 8 tháng qua sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.
Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa, khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng, như máy móc và thiết bị (tăng 34,8%), dệt may (41,2%), giày dép (36,2%)... mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như cà phê (tăng 54,4%), thủy sản (tăng gần 42%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo (22,2%)…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU, điển hình như dược phẩm (tăng 7,6%), hóa chất (tăng 102%), gỗ và sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc (15,5%), sữa và sản phẩm sữa (tăng 29,1%), chế phẩm thực phẩm khác (45,3%), cùng các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU, đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.
Về đầu tư, với cam kết mạnh mẽ đảm bảo tính minh bạch, thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh đầu tư, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
EU hiện cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD lũy kế đến tháng 8 năm 2022. Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 104 dự án cấp mới.
"Đây là những tín hiệu đáng mừng và sự khởi đầu thuận lợi, đồng thời là cơ sở để chúng ta có thể tin tưởng vào sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-EU trong thời gian tới với đòn bẩy từ EVFTA và tới đây là EVIPA", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động xuất khẩu và xúc tiến thương mại, đầu tư với đối tác EU, khi cả Việt Nam và EU đang đẩy mạnh phục hồi hậu đại dịch, tích cực nối lại các hoạt động kinh tế, giao thương và bước đầu tận dụng được những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi lộ trình tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững của quốc gia. Với lợi thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và bền vững, bao gồm cả vấn đề sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh bền vững, cùng có lợi với EU.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để thúc đẩy hơn nữa kinh tế, thương mại giữa EU và Việt Nam, góp phần giúp 2 phía phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Ông Alain Cany đánh giá cao tốc độ tăng trưởng và kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam, cũng như việc thúc đẩy tự do hóa thương mại của Việt Nam với các nước và khu vực trên thế giới trong đó có EU. Theo đó, các DN châu Âu mong muốn tận dụng các lợi thế từ EVFTA nhằm đẩy mạnh hợp tác và mở rộng đầu tư cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các lĩnh vực có thế mạnh của các DN châu Âu, như khoa học công nghệ, phát triển năng lượng xanh, tái tạo hướng tới sự tăng trưởng xanh và bền vững cho DN và cộng đồng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, để tận dụng các lợi thế từ EVFTA, mỗi địa phương cũng như DN Việt Nam cần hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững. DN thay đổi nội tại bằng cách hợp tác với các DN châu Âu, đầu tư đổi mới về công nghệ, máy móc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững,
Theo ông Tạ Hoàng Linh, để hỗ trợ DN xuất khẩu trong nước, Bộ Công Thương đã triển khai công cụ tìm kiếm, cơ sở dữ liệu nguồn về các DN, đối tác tại nước sở tại để các DN xuất khẩu Việt Nam có thể tìm hiểu rõ trước khi ký kết các hợp đồng.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý, EU mới đây đã thông báo dự thảo quy định về an toàn chung của sản phẩm, nhằm mục đích nâng cao an toàn thực phẩm lưu hành tại EU. Quy định mới đặt ra một loạt các nghĩa vụ rõ ràng hơn cho DN, bao gồm nhà sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối, cung ứng dịch vụ… phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ kỹ thuật và truy xuất trong chuỗi cung ứng.
Theo đó, các DN cần phải xây dựng, hoàn thiện quy trình, hệ thống sản xuất bài bản theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc từ khâu sản xuất, bao bì, nhãn dán, thương hiệu, phương thức liên hệ và phối hơp với các chủ thể khác trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Đồng thời chú trọng hơn tới việc đăng ký nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ; công bố thông tin các kênh liên lạc (địa chỉ điện tử, website, điện thoại…) cho phép người tiêu dùng gửi khiếu nại về vấn đề an toàn mà họ gặp phải.
Lê Anh