• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Kinh tế hoà bình của Việt Nam và sức mạnh kiều bào trong kỷ nguyên vươn mình

(Chinhphu.vn) - "Nền kinh tế Việt Nam đang có cơ hội lớn để chuyển mình bắt kịp với thời đại. Dù khởi đầu có thể còn khó khăn nhưng chúng ta sẽ tạo được đòn bẩy giúp nền kinh tế tiến vào giai đoạn tăng trưởng hai con số", đây là nhận định của ông Nguyễn Hồng Huệ (ông Peter Hồng), Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ.

26/01/2025 08:57
Kinh tế hoà bình của Việt Nam và sức mạnh kiều bào trong kỷ nguyên vươn mình- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Huệ (ông Peter Hồng), Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Tiến tới tăng trưởng hai con số

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng GDP hơn 7%, hướng tới tăng trưởng trên 8% năm 2025, dù vậy, để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải cố gắng tăng trưởng ở mức 2 con số trong những năm sau đó. Ông bình luận như thế nào về mục tiêu trên? Theo ông, Việt Nam sẽ phải đối diện với những thách thức nào?

Ông Peter Hồng: Năm 2024, khi nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể phục hồi sau đại dịch COVID-19, xung đột địa chính trị trở thành các điểm nóng ở châu Âu, Trung Đông,. Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao từ 6,5%-7%. Điều kỳ diệu hơn, Việt Nam đã đạt, thậm chí, vượt cả mục tiêu tham vọng này trong khi các quốc gia xung quanh, kể cả các quốc gia có nền tảng kinh tế vững chắc hơn như Singapore hay Thái Lan chỉ tăng trưởng khoảng 3%-4%. Từ nhiều năm nay, ngay cả trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam luôn thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đây là tiền đề để đặt ra những kỳ vọng lớn hơn trong những thập kỷ tới.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, dù nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 12% trong cơ cấu nền kinh tế nhưng lao động ngành nông nghiệp chiếm tới gần 27% tổng số lao động. Năng suất lao động ở nhóm ngành này năm 2022 chỉ bằng 43,1% và tốc độ tăng trưởng của ngành bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế. Thứ hai, so với các nước đã phát triển, trình độ dân trí của chúng ta chưa thật sự cao.

Chúng ta đã lựa chọn tăng tốc trong thời kỳ công nghiệp và công nghiệp công nghệ cao và may mắn là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã xác định, phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước. Vì vậy, chúng ta cần hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ xây dựng kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng đã được đặt ra trong văn kiện công bố năm 2021.

Khi các nhà quản lý cao nhất đã xác định tầm nhìn rộng lớn và lâu dài về khoa học công nghệ, không chỉ Hà Nội hay đầu tàu kinh tế TPHCM, Đà Nẵng hay các địa phương khác đã đưa ra các chương trình chuyển đổi về khoa học công nghệ, sẵn sàng tham gia cuộc dịch chuyển chuỗi sản xuất chip bán dẫn trong khu vực và thế giới. Các trường đại học, cả thuộc khu vực công và khu vực tư đã mở khoa mới hay mở rộng đào tạo về chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) cho sinh viên.

Ngay trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 14, Bộ Chính trị đã ban hanh Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo nghị quyết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được thành lập và Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban.

Đây là quyết định vô cùng táo bạo, chưa bao giờ từng có trong lịch sử, thể hiện tầm nhìn, trách nhiệm và quyết tâm rất cao từ các cấp lãnh đạo cao nhất, lựa chọn đột phá về khoa học công nghệ là nền tảng cho sự phát triển lâu dài, ổn định và bền vững của đất nước.

Cùng với đó, chúng ta cũng trải qua những chuyển đổi, tái cơ cấu trong bộ máy quản lý, chấp nhận những mất mát, tổn thương để nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành, tiến tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tất cả những bước đi, tín hiệu nêu trên tạo nên niềm tin rằng, dù khởi đầu có thể còn khó khăn nhưng chúng ta sẽ tạo được đòn bẩy giúp nền kinh tế tiến vào giai đoạn tăng trưởng hai con số.

Thưa ông, xét về yếu tố thời điểm, đây có phải là lúc nền kinh tế Việt Nam có thể thực hiện được những chuyển đổi căn bản để đạt được mục tiêu nêu trên hay không? Và nội lực của nền kinh tế đã đủ mạnh để thực hiện được sự chuyển đổi đó?

Ông Peter Hồng: Có những yếu tố rất quan trọng. Cuối năm 1997, Việt Nam đã chính thức có mạng internet, mở ra cánh cửa hội nhập sâu rộng với thế giới. Hạ tầng internet của chúng ta liên tục được đầu tư nâng cấp, từ cáp đồng sang cáp quang để có tốc độ đường truyền nhanh, ổn định, thu hút lượng người dùng lên tới hơn 70% dân số sau 25 năm phát triển.

Với điện thoại thông minh, người dân Việt Nam tiếp cận với sản phẩm mới này từ khi nó xuất hiện và cập nhật liên tục các dòng máy mới. Chẳng hạn, khi chiếc iPhone đầu tiên ra đời vào năm 2007, các nhà khoa học cho rằng, phải mất cả chục năm để các nước đang phát triển tiếp cận sản phẩm này. Tuy nhiên, cùng với sự đầu tư vào các mạng 3G, 4G và 5G, chúng ta đang hướng tới mục tiêu 100% người trưởng thành dùng điện thoại thông minh. Năm 2024, Việt Nam cũng trở thành một số ít nước đi đầu trong triển khai thương mại mạng 5G. Nghĩa là người dân Việt Nam đã bắt kịp và hội nhập sâu sắc với các tiến bộ của khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, chúng ta đã nhìn thấy trước tương lai của công nghệ điện tử, và với sự đầu tư của các doanh nghiệp FDI hàng đầu về lĩnh vực này tại Việt Nam, người lao động bản địa đã tiếp cận được quy trình sản xuất, kỹ năng lao động… Thay vì phải bước theo quy trình từ sản xuất công nghiệp nặng tới công nghiệp nhẹ rồi công nghiệp điện tử, Việt Nam có tiềm năng đi tắt, bước từ nền công nghiệp điện tử vẫn đang phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI đến sản xuất công nghiệp công nghệ cao, chip bán dẫn.

Thêm vào đó, bản thân người Việt Nam rất thông minh, nguồn lao động vẫn đang thuộc nhóm dân số vàng. Lao động Việt Nam đã được tiếp xúc và làm quen với các công nghệ, dây chuyền sản xuất tiên tiến nhất thông qua sự tham gia của khối FDI. Các doanh nghiệp trong nước như FPT, Viettel… đã hoà chung chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu, tạo ra những sản phẩm được thế giới ghi nhận. Việt Nam có tới 6 triệu kiều bào mà khoảng 20% trong số đó được đào tạo bài bản, làm việc ở các tập đoàn, doanh nghiệp, các trường, viện uy tín ở các quốc gia phát triển. Một số kiều bào đã lựa chọn về Việt Nam làm việc, một số khác thì kết nối với những doanh nghiệp nội địa để cùng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới.

Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đang có một cơ hội lớn để chuyển mình bắt kịp với thời đại. Nếu không làm, các nước xung quanh sẽ đi trước còn Việt Nam sẽ bỏ lỡ thời cơ để vượt lên mức thu nhập trung bình cao, trở thành nước có thu nhập cao năm 2045.

Kinh tế hoà bình của Việt Nam và sức mạnh kiều bào trong kỷ nguyên vươn mình- Ảnh 2.

Nền kinh tế hoà bình của Việt Nam- điểm kết nối các nền kinh tế.

Nền kinh tế hoà bình của Việt Nam- điểm kết nối các nền kinh tế

Trong một báo cáo về kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới World Bank đã khuyến nghị 5 nhóm chính sách gồm: (1) hội nhập thương mại sâu hơn; (2) tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu; (3) chuyển đổi sang mô hình sản xuất sang công nghệ cao; (4) nâng cấp lực lượng lao động; (5) phát triển bền vững, giảm thải carbon, với hàm ý về một sự chuyển đổi mang tính tổng thể. Ông đánh giá như thế nào về cách tiếp cận này? Với điều kiện của Việt Nam, đây có phải là cách tiếp cận khả thi?

Ông Peter Hồng: Năm điểm được World Bank khuyến nghị sẽ góp phần tạo nền một chiến lược tổng thể để xây dựng nền kinh tế phát triển, tự chủ, hội nhập với dòng chảy tiến bộ của thế giới và những khuyến nghị này áp dụng với hầu hết các quốc gia có trình độ tương tự Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam cũng đang tiến những bước vững chắc trên con đường này, trong đó, người Việt Nam ở nước ngoài là những chiếc cầu nối rất quan trọng. Chẳng hạn, hơn 100.000 kỹ sư người Việt ở Thung lũng Silicon của Mỹ là những người kết nối các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học Việt Nam đến thăm, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp tại đây. Trong công cuộc chuyển đổi xanh, Việt kiều là một trong những đầu mối uy tín để giới thiệu các doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Câu chuyện cũng tương tự với ngành công nghệ bán dẫn rất được quan tâm thời điểm hiện tại. Nhìn rộng hơn, chúng ta thấy đó chính là dòng sinh mệnh của dân tộc, kết nối những người Việt đang sống ở các quốc gia phát triển về đóng góp công sức để giải phóng dân tộc đến giai đoạn xây dựng, phục hồi đất nước sau chiến tranh và mạnh dạn bước ra thế giới sau Đổi mới.

Vậy nhưng, đâu mới là điểm đặc biệt riêng có của Việt Nam, để kết nối và giải phóng mọi nguồn lực, mang lại sự giàu mạnh cho không chỉ đất nước của chúng ta mà còn cho cả khu vực và thế giới? Theo tôi, đó chính là nền kinh tế hoà bình. Việt Nam tham gia hội nhập với thế giới với tư tưởng hoà bình, để tất cả cùng thắng, cùng thành công. Việt Nam đang là một "friendshoring" (chuyển sản xuất sang nước bằng hữu) trong chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu… Đây là thông điệp mà chúng ta đã mang ra thế giới từ rất lâu rồi và trong một thế giới biến động như hiện nay, nền kinh tế hoà bình của Việt Nam sẽ là điểm kết nối các nền kinh tế, để hướng tới tương thịnh vượng, ổn định.

Nghị quyết 57-NQ/TW và tinh thần dân tộc Việt Nam

Tại châu Á, ngoại trừ Nhật Bản đã có thu nhập tương đối cao từ sớm, chỉ có Hàn Quốc, Singapore đã đạt được ngưỡng thu nhập cao. Họ đều là quốc gia tận dụng được thời cơ phát triển và nhận được sự ưu ái và hỗ trợ lớn từ những đồng minh Mỹ và phương Tây. Dù nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, Việt Nam chỉ có thể dựa vào chính nội lực của chính mình, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói là "nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên". Lựa chọn khoa học công nghệ là điểm đột phá, chúng ta cần làm gì để kết nối sức mạnh của người Việt ở nước ngoài và trong nước để tạo ra những thành tựu có tính chuyển đổi, thưa ông?

Ông Peter Hồng: Từ năm 2022 tới nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp Đối tác Chiến lược Toàn diện với 6 nước là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp và Malaysia. Trong số 9 quốc gia có mối quan hệ ngoại giao ở cấp cao nhất trong thang đo của Việt Nam, có 4 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Trung Quốc, Nga, Mỹ và Pháp. Các quốc gia đều có nền kinh tế công nghệ phát triển cao, đồng thời là cửa ngõ để nền kinh tế Việt Nam tham gia vào các thị trường lớn của thế giới.

Đáng lưu ý, cộng đồng người Việt tại các quốc gia trên đều đã trưởng thành lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho nơi họ đang sinh sống. Chúng ta đều thấy, trong các chuyến công du nước ngoài, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn dành thời gian gặp gỡ kiều bào, để tìm hiểu, lắng nghe nguyện vọng, chia sẻ với họ tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, tăng cường sự gắn kết giữa họ với quê hương. Bà con kiều bào đã nhìn thấy sự phát triển tại Việt Nam, hướng ứng lời kêu gọi của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tích cực hợp tác với nhau và với những đơn vị trong nước và chúng ta đã có được nhiều kết quả ấn tượng.

Về tài chính, trong khi nhiều quốc gia gặp nhiều khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tỉ giá, lượng kiều hối đổ về đều đặn hàng năm giúp bổ sung nguồn ngoại tệ, tạo dư địa cho việc thực thi các quyết sách của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2023, lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 16 tỷ USD, dự kiến năm 2024 đạt khoảng 19 tỷ USD và tính từ khi Việt Nam bắt đầu tiếp nhận kiều hối tới nay, chúng ta đã nhận được hơn 210 tỷ USD đóng góp tài chính từ kiều bào. Vậy chúng ta đã tận dụng hết được sức mạnh này hay chưa? Tôi nghĩ là chưa.

Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và các nghị định liên quan đã tạo hành lang pháp lý để người Việt Nam ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Dù vậy, mới đây thôi, tôi nghe một vài kiều bào phản ánh, họ không thể mua nhà tại Việt Nam vì chưa thể làm căn cước công đân. Quy định khi làm căn cước công dân là phải xác định nguyên quán nhưng các đơn vị hành chính hiện tại đã khác nhiều so với các đơn vị tồn tại trong những thập niên 60 hay 70 của thế kỷ trước, vì thế, họ gặp khó khăn chính ở bước này. Như vậy, dù chủ trương chính sách nhất quán và tạo điều kiện cho kiều bào, ở đâu đó, việc thực thi ở từng địa phương vẫn chưa thông suốt. Từng người công chức, viên chức cần làm việc đúng chức trách, nhiệm vụ, ứng xử công bằng, không phân biệt giữa Việt kiều hay người Việt ở trong nước.

Ngoài tài chính, đóng góp về trí tuệ của bà con kiều bào có ý nghĩa rất lớn. Trí tuệ ở đây chính là con người. Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã nêu rõ nhiệm vụ cần "ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực…". Tiếp sau đó, Chính phủ đã có Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc cho cơ quan nhà nước, thể hiện quan điểm hiền tài là nguyên khí quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và có các chế độ đãi ngộ xứng đáng. Tôi tin là hầu hết kiều bào đều hào hứng ủng hộ chủ trương này.

Một vấn đề khác, theo tôi, cũng cần quan tâm. Nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học đang rất lớn, ước khoảng 1,4 tỷ USD/năm cho khoảng 100.000 sinh viên du học nhưng chúng ta chưa kết nối tốt lực lượng lao động chất lượng cao với thị trường trong nước, tận dụng và phát huy những gì họ tiếp nhận từ các nền giáo dục tiên tiến.

Tôi cho rằng, chúng ta nên huy động bà con kiều bào chừng 55-60 tuổi đã thành đạt, có tri thức và kinh nghiệm, có mối quan hệ tốt với các cá nhân hay doanh nghiệp ưu tú ở nước ngoài trở về cống hiến cho đất nước. Họ sẽ là những mentor (cố vấn) cho các bạn trẻ du học và muốn khởi nghiệp tại quê hương, họ sẽ mở doanh nghiệp tuyển dụng tài năng người Việt từ nước ngoài, họ sẽ giới thiệu được những bạn trẻ ưu tú của Việt Nam đi làm cho những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, để họ có môi trường phát huy năng lực và khi họ đã đạt độ chín về nghề nghiệp, họ lại trở thành người định hướng, giới thiệu các thế hệ tiếp sau.

Dù gì vẫn phải bắt đầu với tinh thần đân tộc, và điều này phải được duy trì ở những thế hệ kiều bào sinh ra ở nước ngoài. Chúng ta nên nghĩ về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Peter Hồng: Tinh thần dân tộc nằm ở trong gene, trong máu của mỗi người Việt Nam, dù họ đang sinh sống trên quê hương hay ở bất cứ xứ sở nào. Những ngày đầu năm mới, cộng đồng người Việt định cư trên khắp thế giới đều rất rộn ràng, không chỉ chào đón Giáng sinh hay năm mới mà họ đều hướng về Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Vậy nên, các chính sách phải tạo được sự gắn kết mạnh mẽ hơn giữa kiều bào với cộng đồng trong nước, mang văn hoá truyền thống của Việt Nam đến với bà con kiều bào khắp năm châu.

Cá nhân tôi rất mong muốn, chúng ta có những địa chỉ cho bà con người Việt ở nước ngoài đến để trao đổi, theo dõi thông tin từ trong nước, tham gia các cộng đồng văn hoá của người Việt chúng ta. Đó sẽ là những ngôi nhà Việt Nam ở nước ngoài.

Cùng với đó, chúng ta hãy xây dựng các kênh thông tin về Việt Nam trên các mạng xã hội, ngoài tin tức có thể giới thiệu các bộ phim hay, những bài nhạc hay, các xu hướng kinh tế, xã hội và giải trí, để cung cấp thông tin cho những người quan tâm, muốn trở về sinh sống hoặc đầu tư tại Việt Nam.

Đối với giới trẻ, hãy tạo cơ hội cho các em tìm hiểu gắn bó thêm với quê hương thông qua các câu chuyện, các nhân vật kiệt xuất của Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Nếu các em muốn tìm hiểu kỹ hơn, có những không gian mang tính chất văn hoá để trao đổi về học thuật về truyền thống, văn hoá, về những vĩ nhân người Việt, hãy hỗ trợ vì chắc chắn các em sẽ tạo được những thành tích đáng ghi nhận.

Hoàng Hạnh (thực hiện)