• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Kinh tế trong tuần: Sân bay Long Thành ra Quốc hội

(Chinhphu.vn) - Quốc hội nghe Tờ trình Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành; mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia; đề xuất cắt một loạt "giấy phép con"; dòng dầu thương mại đầu tiên sẽ được Việt Nam và các đối tác khai thác ở sa mạc Sahara vào tháng 7 tới; vải thiều chinh phục thị trường Âu, Mỹ; đưa du khách ra Trường Sa là những sự kiện kinh tế nổi bật tuần qua.

07/06/2015 20:40
Xây sân bay là cần thiết

Sáng 4/6, trong phiên họp Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã đọc Tờ trình Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.

Theo Báo cáo đầu tư, các phương án như mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất hay sân bay quân sự Biên Hòa đều khó khả thi do chí phí quá lớn, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, lấn vào phần đất quốc phòng, ô nhiễm môi trường…

Việc xây dựng Cảng HKQT Long Thành đáp ứng được nhiều mục tiêu như khắc phục tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, là cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, dự kiến trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải tại khu vực Đông Nam Á với tổng công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Thẩm tra về dự án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết việc đầu tư này là cần thiết. Ông Giàu cho biết, bước tiền khả thi giai đoạn 1 đã giảm 54.618 tỷ đồng do giảm quy mô, phạm vi thu hồi đất, đền bù và tái định cư; phân kỳ đầu tư cho phù hợp với nhu cầu… Ngoài ra, đơn giá xây dựng được áp dụng đơn giá của các dự án đã triển khai trong thời gian gần đây tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Bộ Tài chính đánh giá, trong các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công cao nhất là 0,28% GDP.

Theo tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước thì tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 24,5%, cao hơn tỷ suất chiết khấu trung bình của xã hội nên Dự án có tính khả thi cao.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng ủng hộ chủ trương xây dựng dự án sân bay Long Thành. Theo lịch trình, Quốc hội sẽ bỏ phiếu quyết định chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành vào sáng 25/6.

Mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia

Trong tuần cũng đã diễn ra Lễ mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia tại Hà Nội với sự tham gia của 3 Bộ gồm Y tế, NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường. Việc này được thực hiện sớm hơn đã đề ra là vào cuối năm nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về hội nhập của Việt Nam với khu vực.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng “Nếu làm tốt việc kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia thì chỉ sang năm 2016 ta đứng được vào ASEAN 3 chứ không chỉ là ASEAN 6” và khẳng định Chính phủ đã có kế hoạch bố trí đủ kinh phí để các bộ, ngành tiếp tục xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ việc kết nối.

Đề xuất cắt một loạt "giấy phép con"

Trong một nỗ lực nữa nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ KH&ĐT đang đề xuất hàng loạt biện pháp cứng rắn với các “giấy phép con” do các bộ ngành, địa phương ban hành, trong đó việc bãi bỏ hiệu lực thi hành của các điều kiện kinh doanh trong 127 thông tư kể từ 1/7 tới đây.

Dự thảo Nghị định chỉ rõ các điều, khoản về điều kiện kinh doanh sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/7/2015 trong 127 thông tư và cũng khẳng định rằng các điều kiện kinh doanh do Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành sau ngày 1/7/2015 sẽ “đương nhiên không có hiệu lực thi hành”.

Việt Nam khai thác dầu ở Sahara

Liên doanh khai thác mỏ dầu Bir Sebaar và MOM giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty Dầu khí quốc gia Algeria (Sonatrach) tại lô 433a và 416b ở sa mạc Sahara của Algeria tuyên bố khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên vào đầu tháng 7 tới.

Liên doanh sẽ chính thức khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên từ mỏ Bir Sebarr và mỏ MOM từ tháng 7 tới với sản lượng 2.900 tấn dầu/ngày và sản lượng sẽ tăng lên đỉnh 5.800 tấn/ngày vào các năm 2018-2021.

Theo đó, với tỷ lệ 40% trong liên doanh, Việt Nam sẽ thu về mỗi năm 100 đến 150 triệu USD doanh thu bán dầu và sau 6 năm sẽ hoàn vốn đầu tư vào dự án này.

Một điểm đáng chú ý là Chính phủ Algeria cũng đã chấp thuận đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và sẽ giao cho liên doanh tiến hành khai thác các mỏ lân cận.

* Liên quan đến điều hành giá xăng dầu tại thị trường trong nước, ngày 4/6 Liên Bộ Tài chính-Công Thương quyết định, giá xăng RON 95, RON 92 sẽ giữ nguyên, trong khi dầu diesel giảm 19 đồng. Mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn có sự điều chỉnh nhẹ. Theo đó, mức chi cho xăng các loại giảm 7 đồng/lít xuống còn 1.047 đồng/lít với RON 92, RON 95 và 882 đồng/lít với E5. Đối với dầu diesel, cơ quan điều hành quyết định ngưng chi Quỹ Bình ổn.

Vải thiều chinh phục thị trường Âu, Mỹ

500 kg vải thiều đầu tiên sẽ có mặt tại Thủ đô Paris, Pháp vào ngày 4/6 và sẽ được bày bán tại siêu thị Thanh Bình Jeune. Nếu thành công, thì kế hoạch xuất khẩu vải thiều mùa vải năm nay sang Pháp sẽ khoảng 8 tấn.

Trước đó, vào ngày 30/5, 2 tấn vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tiên sẽ bắt đầu hành trình sang thị trường Mỹ và lô vải đầu tiên cũng được một công ty tại TPHCM đưa đi chiếu xạ để xuất khẩu sang Australia.

Đưa du khách ra Trường Sa

Tuần qua, UBND TPHCM đã ra thông báo triển khai thực hiện tuyến du lịch Trường Sa đầu tiên khởi hành ngày 22/6. Đây là chuyến thử nghiệm để rút kinh nghiệm, tạo tiền đề cho việc khai thác chính thức cũng như cân nhắc để xây dựng kế hoạch quảng bá, tuyên truyền phù hợp.

* Và Bphone, chiếc điện thoại thông minh do một công ty trong lĩnh vực an ninh mạng của Việt Nam sản xuất đã ra mắt công chúng sau nhiều đồn đoán. Chỉ trong ngày đầu tiên, 11.822 chiếc Bphone đã được đặt mua.

Đây là một con số khá bất ngờ đối với một công ty lần đầu tiên bước chân vào thị trường điện thoại di động. Người tiêu dùng sẽ phải chờ từ 2-3 tuần mới được nhận máy.

Công Việt