Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Xin bà cho biết điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế 6 tháng qua?
Bà Nguyễn Thị Hương: Trước hết, GDP cả nước đạt 3,72% trong 6 tháng đầu năm 2023 là kết quả đáng ghi nhận. Bởi lẽ nền kinh tế thế giới có khó khăn nhiều hơn thuận lợi, đặc biệt, những đối tác quan trọng của nước ta đều bị ảnh hưởng trong bối cảnh chung này. Có thể thấy rõ, nước ta đã vươn lên từ nội lực, từ những ngành hàng mà chúng ta làm chủ và từ những ngành truyền trống.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng khá. Các hoạt động sản xuất duy trì ở mức ổn định, đáp ứng các nhu cầu trong nước, nhu cầu tiêu dùng dân cư, đầu vào cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… Điều đó thể hiện qua mức tăng trưởng 3,06% của giá trị sản xuất toàn ngành 6 tháng đầu năm. Quý II, khu vực này đạt mức 3,23%.
Công nghiệp mặc dù rất khó khăn do tổng xuất nhập khẩu giảm đến hơn 15% nhưng chúng ta vẫn cố gắng duy trì mức tăng trưởng dương và đã tích cực hơn so với quý I.
Đối với khu vực dịch vụ, tăng trưởng hơn 6,3% cho thấy các ngành du lịch khởi sắc. Thương mại, vận tải, tài chính ngân hàng vẫn được củng cố và giữ vững.
Về phía cầu, tích luỹ cũng có mức tăng tích cực khi chúng ta đã chủ động, quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư. Vốn đầu tư của khu vực Nhà nước tăng 12,6%. Trong đó, vốn đầu tư công tăng hơn 20,5% so với 6 tháng đầu năm ngoái - mức tăng rất tích cực. Riêng quý II tăng lên hơn 50% so với quý I.
Đồng thời, tiêu dùng của người dân vẫn được duy trì do nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào. Các chương trình khuyến mại, kích cầu và hỗ trợ hoạt động tiêu thụ sản phẩm đã được xúc tiến và đẩy mạnh ở tất cả các ngành, các địa phương.
Ở một diễn biến khác, xuất nhập khẩu tuy rất khó khăn do nhu cầu trên thế giới giảm mạnh với những chính sách thắt chặt, tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, chúng ta đã cố gắng khai thác các nguồn nguyên liệu tại chỗ để xuất khẩu mặt hàng chủ lực như gạo, nông sản,… đến các thị trường truyền thống và thị trường mới. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng này rất cao, dần đáp ứng tiêu chuẩn cao của khu vực và thế giới
Tháng 5 và tháng 6 có sự chuyển biến tích cực trong bối cảnh nhiều khó khăn. Tính trong quý II, các chỉ tiêu về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều tích cực hơn so với quý I.
Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để tháo gỡ từ khó khăn nhỏ đến vướng mắc lớn trong các luật, nghị định và hướng dẫn cụ thể. Từ đó, có giải pháp kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả và các văn bản đã thực sự đi vào cuộc sống. Kết quả được thể hiện bằng các con số tích cực dần từ quý I cho đến quý II. Đơn cử như trong khi mức tăng trưởng quý I là 3,2% thì quý II đã tăng hơn 3,7%.
Mặc dù như bà chia sẻ, kinh tế có những tín hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn đâu đó gam màu xám. Đăng ký doanh nghiệp trong tháng 6 ghi nhận những kết quả tích cực, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về vốn kinh doanh. Sức khoẻ của doanh nghiệp vẫn đang là mối băn khoăn và lo ngại lớn. Bà có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Hương: Để làm rõ tình hình doanh nghiệp, chúng ta cần nhìn vào con số. Bình quân 1 tháng, khoảng 19.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, khoảng 16.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, số lượng doanh nghiệp tham gia thêm, hay gia tăng vào mỗi tháng cũng là khoảng gần 3.000 doanh nghiệp. Đây là con số không cao nhưng vẫn tích cực.
Đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng đăng ký đầu tư trong 6 tháng với lượng dự án tăng đến hơn 70% và lượng vốn đăng ký hơn 30%. Khó khăn hiện hữu nhưng các nhà đầu tư vẫn tin tưởng, tiếp tục đăng ký tham gia vào thị trường nước ta.
Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh cũng đánh giá tình hình quý II tốt hơn quý I và tin tưởng quý III sẽ tiếp tục tốt hơn quý II.
Mặt khác, chúng ta thấy rõ khó khăn ở khu vực công nghiệp, sụt giảm đến 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp gia công chế biến. Nguyên nhân là do thị trường châu Âu và Mỹ không khởi sắc như kỳ vọng, chậm nhập nguyên liệu hoặc tạm dừng để xuất hết hàng tồn kho, sau đó mới chuyển sang một giai đoạn mới.
Trong thời gian tới, để đáp ứng kỳ vọng, các doanh nghiệ sẽ phải cơ cấu, sắp xếp lại linh hoạt, chủ động và hiệu quả theo sự biến động của thị trường.
Bà dự báo như thế nào về kinh tế những tháng cuối năm?
Bà Nguyễn Thị Hương: Theo nghiên cứu do các vụ chuyên môn của Tổng cục Thống kê, một số quốc gia sẽ có mức tăng trưởng tích cực hơn. Về phía Việt Nam, chúng ta sẽ cố gắng duy trì mức tăng của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản để bảo đảm đời sống nhân dân, bảo đảm xuất khẩu nông sản và tiếp tục có sản phẩm chất lượng cao để trụ vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khu vực công nghiệp, chúng ta sẽ tiếp tục duy trì, bảo đảm nguồn cung năng lượng điện, than, năng lượng chủ yếu phục vụ sản xuất.
Đặc biệt, cần phải nhấn mạnh đến đầu tư công. Tôi hy vọng đầu tư công sẽ tiếp tục khởi sắc vì càng về cuối năm thì các công trình sẽ càng thúc đẩy tiến độ đưa vào khai thác, sử dụng. Nước ta đã tăng cường không chỉ hạ tầng giao thông mà cả các hạ tầng số, từ đó thúc đẩy hoạt động xây dựng và phát triển.
Khu vực dịch vụ, thương mại hy vọng vẫn tiếp tục và đẩy mạnh kết nối với khu vực và thế giới, thể hiện qua lượng khách du lịch và thông thương ra bên ngoài. Điểm mạnh của chúng ta là không bị đứt gãy, vẫn duy trì độ kết nối. Hàng hoá sụt giảm nhưng dịch vụ gia tăng. Dịch vụ truyền thống của nước ta như khách sạn, nhà hàng, ẩm thực, vận tải,… đã và sẽ tiếp tục khởi sắc.
Tôi hy vọng rằng với sự sáng sủa hơn của kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm, cũng như việc triển khai tích cực, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế trong thời gian tới thì trong 6 tháng cuối năm, chúng ta sẽ có những con số tích cực, thể hiện rõ các kết quả, đóng góp của toàn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân, doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn bà./.
Minh Ngọc