Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 5/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm Kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược" với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương; Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore; ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam; TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Tại Tọa đàm, các vị khách mời đều khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, tích tụ thành những "cơn gió ngược", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế phát triển; ứng phó linh hoạt và hóa giải hiệu quả các khó khăn, thách thức, thậm chí biến "nguy" thành "cơ"... để đưa nền kinh tế ngày càng tăng tốc trên đà phục hồi và phát triển, nhất là trong năm 2023 này theo xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước (GDP quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%).
Không phải ngẫu nhiên, nhiều định chế, tổ chức quốc tế uy tín nhận định: "Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới".
"Chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ tại Tọa đàm.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có 4 điểm sáng cần chỉ ra: Trước hết, sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỉ giá phù hợp, bảo đảm tính thanh khoản của toàn hệ thống.
Thứ hai, chúng ta đã vượt qua "cơn gió ngược" về lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép, trong những tháng cuối năm, chúng ta hoàn toàn có thể điều hành được.
Điểm sáng thứ ba là giải ngân đầu tư công. Năm nay có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, nhưng đáng khích lệ là kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51% (trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50%).
Cuối cùng, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, ngoài những "con số" tích cực, cần quan tâm tới 3 vấn đề để có sự đánh giá toàn diện.
Thứ nhất, từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Quốc hội đã thực thi, ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cả về thể chế và tiền như: Giảm thuế, miễn thuế, gia hạn hoặc kéo dài các nghĩa vụ về tài chính...
Thứ hai, Chính phủ, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã nỗ lực lớn để giảm bớt khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
"Khi tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, tôi thấy cộng đồng doanh nghiệp rất ý thức nỗ lực khắc phục khó khăn và tìm ra giải pháp, không ỷ lại vào Chính phủ. Thành công này có sự đóng góp rất lớn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cũng ghi nhận những đóng góp rất tích cực của các địa phương", ông Phan Đức Hiếu nói.
Thứ ba là sự quyết liệt, quyết tâm, hành động rất mạnh mẽ của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, khi đã đưa các giải pháp giải quyết khó khăn và quyết định các chính sách. Đơn cử như nỗ lực của Chính phủ trong việc hạ lãi suất mang lại kết quả rất lớn. Hay gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 644, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính, Chính phủ còn chỉ đạo cắt giảm cả chi phí tuân thủ pháp luật….
Dưới góc độ nhà nghiên cứu từ bên ngoài, TS. Vũ Minh Khương nhận định "Việt Nam mạnh lên sau đại dịch". Trong vòng 2 năm vừa qua, niềm tin tăng lên rất mạnh mẽ, cả bên ngoài và trong nội bộ. Nhiều địa phương cũng như doanh nghiệp lớn đều có tâm thế mới sẵn sàng cho tương lai.
"Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới", TS. Vũ Minh Khương nhận định.
Từ phía ADB, ông Shantanu Chakraborty đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công. "Cho đến nay, Chính phủ đã đi đúng hướng và kịp thời".
Dự báo gần đây của ADB công bố vào tháng 9 năm 2023 cho thấy Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023, dù có giảm so với năm ngoái.
"Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực nhờ có những chính sách đúng đắn. Với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra là 6% hoàn toàn có thể đạt được. Nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, rõ ràng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ", Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, các vị khách mời cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức như: Những diễn biến rất khó lường, tác động từ bên ngoài, một số chính sách toàn cầu không có lợi cho Việt Nam… Đồng thời tin tưởng, trong lúc khó khăn chúng ta sẽ có thể tìm ra những cơ hội để phát triển vượt bậc.
"Từ kinh nghiệm mà chúng tôi nghiên cứu, cơ hội lớn nhất đến từ những khó khăn nhất... Sức mạnh lớn nhất bắt nguồn từ những cái mình dễ tổn thương nhất", TS. Vũ Minh Khương chia sẻ.
Đánh giá về triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, các vị khách mời cũng đề xuất, khuyến nghị các giải pháp để giải quyết những vấn đề khó khăn của thị trường bất động sản, chuyển đổi sang nền kinh tế giá trị cao hơn với các ngành công nghệ cao, phát triển các ngành kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…
Dự báo, với xu thế cũng như những dịch chuyển tích cực như hiện nay, trong 3 tháng cuối năm, các hoạt động của nền kinh tế sẽ sôi động, nhất là đầu tư công, công nghiệp và xây dựng, tiêu dùng trong nước...
Ông Shantanu Chakraborty đưa ra 6 khuyến nghị: Thứ nhất là kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân có thêm tiền, các khoản trợ cấp, làm sao để khuyến khích tiêu dùng. Thứ hai là tăng đầu tư công, bởi không gian cho chính sách tài khóa còn rất rộng. Thứ ba là tiếp tục chính sách cắt giảm thuế GTGT, kéo dài hết cả năm sau chứ không chỉ là 3 tháng cuối năm này. Thứ tư là tiếp tục chính sách tiền tệ thuận lợi (nới lỏng). Thứ năm là phối hợp tốt hơn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để bảo đảm nguồn tiền vào nền kinh tế liên tục, không bị ngắt quãng. Cuối cùng là quan tâm tới nền kinh tế xanh, năng lượng xanh, những thứ phục vụ chống chịu biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh yếu tố đầu tiên là cần tăng niềm tin của cả hệ thống kinh tế từ người tiêu dùng đến nhà đầu tư, đến doanh nghiệp, để biến khó khăn hiện tại trở thành chiến lược mang tính đột phá.
TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh đến việc xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, vai trò yểm trợ của Chính phủ rất cần được chú ý, như đầu tư vào KHCN, đào tạo người lao động có tay nghề ra sao…
Đối với doanh nghiệp, TS. Vũ Minh Khương lưu ý 3 trụ cột cần chú ý, đó là quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đây là những mũi nhọn mà doanh nghiệp phải có chiến lược để nâng cấp vượt bậc trong thời gian tới.