Sáng ngày 08/8, tại Hội trường Ngọc Linh (TP Kon Tum), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2011).
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh; các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố và trên 100 nạn nhân chất độc da cam đại diện cho trên 7 ngàn nạn nhân trong toàn tỉnh.
Trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, ngày 10/08/1961 chiếc máy bay trực thăng H-34 của không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất diệt cỏ đầu tiên dọc theo quốc lộ 14 phía Bắc thị xã Kon Tum lên Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy mở đầu cho chiến dịch rải chất khai quang, được đặt dưới mật danh “ Ranch Hand” diễn ra vài tháng sau đó: Cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất lịch sử nhân loại. Chất độc hóa học được sử dụng để phá hủy nhiệt đới, nhằm ngăn chặn những người Việt Nam theo chủ nghĩa độc lập ẩn náu và bến hóa trong rừng và cũng nhằm hủy hoại, đầu độc các nguồn thực phẩm với mục đích triệt nguồn sinh sống của các chiến sĩ cũng như những người dân bị cho là đã nuôi dưỡng họ và cung cấp thông tin cho lực lượng kháng chiến.
Suốt trong mười năm, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam có chứa 366kg chất Dioxin rải xuống gần 26 nghìn thôn bản với diện tích hơn 3 triệu ha. Trong đó tỉnh Kon Tum đã bị quân đội Mỹ đã phun rải xuống khoảng 346 nghìn lít chất độc hóa học và bình quân mỗi người dân Kon Tum phải chịu ảnh hưởng khoảng 4,8 lít tương đương 6 kg chất độc hóa học. Nó đã hủy diệt nặng nề, gây ra những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật của những đứa con sinh ra, gây ra các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tê liệt, câm điếc, tâm thần đặc biệt là một số bệnh có thể di truyền cho các đời sau.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng- PBT Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
tặng bằng khen cho các tập thể có nhiều đóng góp vì nạn nhân chất độc da cam.
Từ năm 2006 đến tháng 7 năm 2011 đã có hơn 250 lượt cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ được hơn 1,5 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 42 căn nhà cho nạn nhân da cam. Riêng từ tháng 3/2011 đến nay đã có trên 90 tập thể, cá nhân ủng hộ gần 850 triệu đồng. Đơn vị ủng hộ nhiều nhất là UBND tp Hồ Chí Minh 320 triệu đồng.
Tại buổi lễ, UBMTTQVN tỉnh đã ra lời kêu gọi hành động vì nạn nhân chất độc da cam bằng nhiều hoạt động cụ thể thiết thực.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Kon Tum đã tặng bằng khen cho 13 tập thể, 12 cá nhân đã có nhiều đóng góp vì nạn nhân chất độc da cam.
Tin, ảnh: Dương Nương