Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cho một Đà Lạt phát triển hài hòa, giàu bản sắc văn hóa
Trở lại với những vấn nạn, hậu quả của những bung vỡ vượt tầm kiểm soát mà ngập lụt là một ví dụ nổi bật được chúng tôi đã phản ánh trong bài viết trước, trong đó, cùng với nhiều nguyên nhân thì nhà kính - "vòng kim cô bóp nghẹt Đà Lạt" được xác định là một nguyên nhân quan trọng. Vậy, chúng ta phải làm gì để góp phần hạn chế và giải quyết các vấn nạn này?
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng đưa ra ý kiến: "Chúng tôi nhìn nhận nhà kính là một phương thức canh tác năng suất cao nhưng nhiều tác động tiêu cực, giải pháp trước mắt cần tính đến là giảm tỉ lệ nhà kính trên một diện tích canh tác nhằm tạo ra khoảng hở cho đất, tăng hệ số thấm, giảm thiểu phát thải nông nghiệp và thoái hóa đất". Lãnh đạo ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng cho hay: Hiện Lâm Đồng cũng đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ và coi đây là kế hoạch dài hơi nhằm nâng cao chất lượng nông sản nhưng cũng gắn với việc giảm dần nhà kính, cải thiện môi trường nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, phù hợp với cảnh quan chung, gần gũi với hoạt động du lịch canh nông.
Còn tiến sĩ Lee Hyun Suk, một chuyên gia người Hàn Quốc đang làm việc tại Đà Lạt, cho rằng: "Cần khuyến cáo người dân, nhà kính không phải là công nghệ cao, nhà kính chỉ là một phương án canh tác". Ông cũng cho rằng, để xóa bỏ hẳn nhà kính ngay là bất khả thi, nên trước mắt, các nhà quản lý - chuyên môn nên đưa ra nguyên tắc canh tác luân phiên đối với nhà kính; có 10 cái thì canh tác trong 7 cái, còn 3 cái dành cho mùa sau; sau vài mùa thì nên tháo trần nhà kính để canh tác mở…
Cùng với những giải pháp cấp thời như nạo vét, vớt rác khơi thông các ống cống, dòng suối như TP. Đà Lạt đang làm; việc giảm thiểu tác động tiêu cực của nhà kính trong sản xuất nông nghiệp là điều cần được quan tâm. Tuy nhiên, giữa những lý lẽ khuyến cáo của các chuyên gia, các nhà quản lý và kết quả thực thi đến từng vùng sản xuất, đến từng hộ nông dân là một khoảng cách rất xa. Nên chăng, cần có những chế tài, những quy định, hoặc phân bổ tỉ lệ nhà kính cụ thể cho từng vùng sản xuất?
Tiếp nối loạt bài này, chúng ta lại dành cho đô thị cao nguyên những cảm xúc và trách nhiệm khi đề cập đến những vấn đề khác, vẫn là những vấn đề về hạ tầng và môi trường xã hội. Vâng, Đà Lạt từng sang trọng như một giấc mơ châu Âu giữa lòng Việt Nam. Cư dân cũ của xứ sở này kể những chuyện ngày xưa như những dòng lưu bút về tháng ngày tươi đẹp. Nhưng giá trị của những dòng lưu bút chỉ đánh thức tâm cảm chứ không đồng hành với thời hiện tại. Trong xu thế đương đại và dự báo tương lai với những hoàn cảnh mới mẻ của nó, cần lựa chọn một tâm thế mới. Khi nhiều đô thị khác đang ở tầm đại lộ, thì Đà Lạt cũng không thể đứng yên gặm nhấm tình yêu dịu dàng với những con đường bé nhỏ ẩn mình lặng lẽ bên rừng thông với những khóm tường vi. Liệu chúng ta có quên rằng, dân số của đô thị này đang bùng nổ và du khách cũng cần cho họ một không gian thoáng hơn.
Những con đường của "tầm nhìn cũ' được xây dựng từ thời Pháp, Mỹ để dành cho những chiếc xe hơi, những chuyến xe ngựa lóc cóc, sau vài lần chỉnh trang đã trở nên chật chội. Nhiều năm qua, nạn kẹt xe ám ảnh Đà Lạt. Những con đường dốc nhỏ đã quá sức chứa. Hệ thống taxi, xe buýt phát triển làm cho nạn kẹt xe cục bộ dần dần phổ biến. Nhiều người dân sắm ô tô riêng và lượng mô tô bùng nổ cùng với nạn buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì ùn tắc lại càng tăng hơn. Người dân Đà Lạt từ lâu đã nhức óc với những xe khách với sức chứa hàng chục người và xe tải hàng chục tấn chen lấn qua những đường phố hẹp với tiếng còi inh ỏi. Các bãi giữ xe công cộng chiếm một phần lớn diện tích của khu trung tâm. Những đường phố nhỏ trong khu vực này được quy định là phố đi bộ trong những đêm cuối tuần, nhưng thực tế là khu phố "cấm xe" thì đúng hơn với hàng loạt barrier và những người thi hành công vụ lăm lăm dùi cui. Ngày lễ, lúc biểu diễn nghệ thuật hay sự kiện công cộng đều tổ chức ở khu trung tâm. Các hoạt động này góp phần gây ách tắc giao thông khi phải chặn xe mới tổ chức được.
Ở Đà Lạt, không ít dinh thự, biệt thự cổ dần dần hoang phế; trong khi đó thì nhiều kiến trúc mới mọc lên vô lối, phá vỡ quy hoạch, bất chấp quy tắc kiến tạo nương theo tự nhiên. Đồi núi bị xẻ thịt. Rừng thông hao hụt dần. Môi trường nhân văn ít nhiều bị bào mòn. Người Đà Lạt ứng xử với nhau và ứng xử với khách đã có nhiều thay đổi, tâm lý thực dụng chen khá sâu vào đời sống cư dân của một đô thị có tiếng hiền hòa. Đội quan cò du lịch chi phối thị trường du lịch, xuất hiện nạn bán hàng đặc sản không rõ nguồn gốc và nhiều vụ "chặt chém" du khách đã xảy ra. Những tệ nạn xã hội cũng đang nóng lên và bạo lực gia tăng…
Những người yêu Thành phố cũng phải xác định cho mình một mỹ cảm mới, phóng khoáng và rộng mở. Khi nghĩ về Đà Lạt, không ai muốn chứng kiến những điều khó coi, những hình ảnh nhạt nhẽo trong một không gian chật hẹp, không ai muốn sự bất an bởi những vấn nạn. Muốn vượt thoát, Đà Lạt cần phải nhìn lại mình, nâng tầm mình lên. Nhưng mọi hình ảnh về một Đà Lạt tương lai đều trở nên khó thực thi nếu cứ khư khư bám víu vào những hoài niệm đã và đang dần mất. Cần phải đặt những ý tưởng kiến tạo không gian sống mới nhưng phải giữ cho được bản sắc văn hóa, cảnh quan, môi trường trên nền tảng khoa học, trước một thực tiễn đang biến động từng ngày.
Gần đây, Đà Lạt đang vận hành tư duy mới từ sự chỉnh trang hệ thống giao thông. Thành phố tập trung mọi nguồn lực để phát triển các tuyến đường nội thị, khai mở phần nào những nút thắt ách tắc trong nhiều thập niên. Những ách tắc ấy xuất phát từ năng lực dự báo và cả bởi ý niệm lãng mạn về những cung đường nhỏ uốn lượn "quanh co quyện gốc thông già". Hay như chuyện Đà Lạt lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu để điều tiết giao thông tại các giao lộ cũng là việc đáng ra phải làm từ lâu, nhưng nhiều năm vướng mắc chưa triển khai được bởi vài vị lãnh đạo muốn giữ niềm tự hào về "thành phố ba không", trong đó có "không đèn xanh đèn đỏ". Đà Lạt cũng phải cần xây dựng các bến xe, bãi đậu xe bên ngoài khu trung tâm và vận hành hệ thống trung chuyển, tiến tới cấm các xe giường nằm, xe khách khổ lớn chạy vào nội đô đón trả khách; nội thị đã thực sự quá tải, đã hết sức chứa, nhất là mùa du lịch cao điểm.
Các chuyên gia cho rằng, một quy hoạch hiện đại đối với đô thị Đà Lạt phải giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó các nhóm vấn đề đáng quan tâm nhất là kết cấu hạ tầng, lưu thông, hài hòa với đặc thù địa hình tự nhiên và mở ra hướng đầu tư phát triển kinh tế, xã hội xứng tầm. Quy hoạch đó, bên cạnh giữ gìn giá trị di sản, bảo lưu những dòng hoài niệm đẹp đẽ cũng phải dự báo một cách chính xác và khoa học, mở tầm khai phóng cho sự phát triển đô thị mai sau. Chỉ như thế mới là cách làm đúng để trả lại cho Đà Lạt những gì sang trọng, thanh lịch từng có và kiến tạo giá trị gia tăng cho tương lai thành phố.
Điều cần suy nghĩ là làm sao mà các nhà hoạch định chiến lược, quản lý, chuyên môn phải thực sự vào cuộc để tạo nên một hình ảnh Đà Lạt mới mẻ nhưng vẫn giữ được hồn cốt vốn có. Và các nhà đầu tư, phải có chế tài hợp lý để họ không đến đây chỉ với mục đích tạo thị trường đầu cơ địa ốc nhằm thỏa mãn vụ lợi. Bên cạnh lựa chọn những doanh nghiệp dồi dào thực lực, thì một điều không thể thiếu là họ phải khao khát tạo dựng Đà Lạt với một tình yêu và trách nhiệm thực sự. Chấm dứt hoàn toàn việc tiếp nhận tài trợ quy hoạch, vì rất dễ nhận ra đó chính là "lợi ích cục bộ" được cụ thể hóa bằng thủ đoạn được che dấu tinh vi.
Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch và thiết kế, nhất là các khu vực nhạy cảm, không chỉ là sự đơn độc tác nghiệp của các kiến trúc sư mà phải là sự vận hành phối hợp của một cơ chế đa ngành, bao gồm các nhà đô thị học, kinh tế học, xã hội học, lịch sử, giáo dục, khí tượng, thủy văn, nghệ thuật… Một ví dụ cụ thể là quy hoạch-thiết kế tiền khả thi khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt; cho đến thời điểm này, quy hoạch này chưa được dư luận tiếp nhận là bởi chưa có sự đồng thuận và chứa nhiều bất cập.
Chính quyền phải là người hoàn toàn chủ động xử lý những dòng chảy trái chiều, đặc biệt là trước những nhóm lợi ích vì mục đích riêng mà làm hỏng những giá trị mà bao thế hệ đã dốc trí lực kiến thiết và đổ máu xương giành giữ suốt hàng thế kỷ qua.
Một thông tin mà tất cả mọi người hết sức quan tâm là hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến 16 bộ, ngành, hiệp hội trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Theo dữ liệu của UBND tỉnh Lâm Đồng, phạm vi lập quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận gồm: TP. Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích tự nhiên 335.930 ha. Theo nội dung điều chỉnh, quy mô dân số của Thành phố đến năm 2030 là vào khoảng 1,1 đến 1,15 triệu người; tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2030 là khoảng 76%; dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 850.000 đến 900.000 người.
Với dự thảo quy hoạch đang được lập, TP. Đà Lạt được định hướng phát triển trở thành thương hiệu toàn cầu, điểm đến nổi tiếng thế giới về du lịch. Việc điều chỉnh mở rộng đô thị và tăng quy mô dân số của Đà Lạt là cần thiết, nhưng theo các chuyên gia, cần hạn chế tăng dân số đô thị ở khu trung tâm thành phố; hướng tới việc thành lập TP. Đà Lạt trực thuộc Trung ương với các chùm, chuỗi đô thị vệ tinh quanh Đà Lạt hiện hữu - một Đà Lạt chứa trong đó một bề dày lịch sử, hệ thống các giá trị bản sắc, di sản. Và theo tiến trình đó, cần xây dựng các trung tâm đô thị vệ tinh để giải tỏa áp lực kiến trúc và cư dân đô thị hiện hữu.
Theo chúng tôi - dự thảo nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nội dung chính như trên là một tầm nhìn chiến lược, một định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, điều cần quan tâm chính là tiến độ phê duyệt và áp dụng quy hoạch, quản lý quy hoạch và trật tự đô thị; nếu không kịp thời thì sẽ không giải quyết sớm các phát sinh khó đỡ, nhất là vấn đề phân phối nguồn tài nguyên đất đai khi mà nó đang diễn biến từng ngày theo hướng tiêu cực kiểu đầu cơ "đi tắt, đón đầu" hoặc phá vỡ quy hoạch trước khi quy hoạch được đưa vào áp dụng…
Mở rộng biên độ phát triển cho TP. Đà Lạt trong tầm nhìn khai phóng đến tương lai ba thập niên tới và xa hơn là một chiến lược vô cùng cần thiết. Cùng với nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt và hàng loạt các giải pháp tác động, diện mạo Đà Lạt sẽ thay đổi theo hướng hiện đại và tháo gỡ dần các nút thắt, các bế tắc và vấn nạn đã và đang xảy ra. Tuy nhiên, đô thị hiện hữu với những giá trị của hệ thống di sản, một trong những cốt lõi làm nên thương hiệu Đà Lạt, chúng ta cần bảo tồn và phát huy một cách có trách nhiệm. Với bài viết kỳ tới, chúng tôi sẽ tiếp tục diễn giải về nội dung này.
Uông Thái Biểu
Còn tiếp