• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Kỳ 3: Sức sống mới ‘nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt’

(Chinhphu.vn) - Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) trước đây là vùng hoang vu, cỏ lau mọc um tùm, ngoài Bộ đội biên phòng, hầu như không ai lui tới. Đến năm 2007, thực hiện chủ trương di dân ra khu vực biên giới của địa phương và qua các đợt di dân từ vùng khác về định cư, canh tác, nơi đây dần hình thành nên dải đất vùng biên yên bình, trù phú như ngày nay.

18/03/2023 09:29
Kỳ 3: Sức sống mới ở ‘nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt’ - Ảnh 1.

Ngã ba nơi suối Lũng Pô gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm "con sông Hồng chảy vào đất Việt" - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Điểm sáng vùng biên

Con đường rải nhựa phẳng lì từ TP. Lào Cai chạy về huyện Bát Xát dọc theo sông Hồng rồi ngược lên xã A Mú Sung đến với bản Lũng Pô dài hơn 60 km. Không chỉ là điểm đánh dấu "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" mà Lũng Pô còn gìn giữ những trang sử lặng thầm miền biên viễn, nơi những người lính biên phòng đã chiến đấu anh dũng, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đường biên mốc giới trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc năm 1979.

Để tưởng nhớ chiến công thầm lặng, sự hy sinh của những người lính kiên trung, tại vị trí cột mốc biên giới 92, cột cờ Lũng Pô được xây dựng để ngày ngày lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ kiêu hãnh tung bay trong gió.

Qua những bậc thang lên đến đỉnh cột cờ, Trung tá Lý Sín Sẩu, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung kể, năm 2000 mới ra trường nhận công tác, anh là Đội trưởng đội vận động quần chúng của Đồn biên phòng A Mú Sung, một tháng 30 ngày thì các anh phải mất 20-25 ngày mới đi hết một vòng địa bàn. Ngày ấy phải đi bộ, ô tô chỉ chạy được qua trung tâm huyện hết xã Bản Vược, còn đến xã A Mú Sung và các thôn bản không có đường.

17 năm sau, anh Sẩu quay trở lại địa bàn, năm 2020, xã A Mú Sung đã về đích nông thôn mới, hiện đang xây dựng nông thôn mới nâng cao.

"Chúng tôi vui mừng về những thay đổi trong nhận thức, đời sống kinh tế-xã hội của bà con nhân dân nơi đây", Trung tá Lý Sín Sẩu bày tỏ.

Kỳ 3: Sức sống mới ở ‘nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt’ - Ảnh 2.

Cột cờ Lũng Pô đặt tại khu vực Trạm biên phòng Lũng Pô ở xã A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Bắt đầu từ năm 2007, thực hiện Chương trình di dân ra biên giới phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới, hàng chục hộ dân người Mông, người Dao ở các xã của huyện Bát Xát, xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai tình nguyện chuyển về vùng đất mới, lập nên thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung.

Hơn 15 năm trôi qua, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm… đã được xây dựng phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Cũng ngần ấy năm, người dân ở Lũng Pô với truyền thống cần cù, bản tính chăm chỉ lao động, đã đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức để biến Lũng Pô trở thành một vùng đất trù phú, ấm no.

Để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã triển khai các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về giống cây, con mới và kỹ thuật nuôi trồng tạo sinh kế cho người dân. Ðoàn kinh tế Quốc phòng 345 đã triển khai giao đất, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng rừng phát triển kinh tế, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa giữ nguồn nước phục vụ sản xuất. Bộ đội Biên phòng, Đồn A Mú Sung tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã giúp bà con phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, ổn định nơi ăn chốn ở, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm. Không phải lo chuyện đất đai, nguồn vốn sản xuất nên người dân Lũng Pô tập trung giúp nhau cùng làm giàu.

Tới thăm thôn Lũng Pô, chúng tôi bất ngờ với hình ảnh dải biên cương xanh mướt trong nắng xuân với những vạt chuối, đồi xoài, dứa, nương cam, sắn ngô... nơi đây, mỗi người lính cắm bản, mỗi người dân biên ải, dường như từ lâu đã trở thành cột mốc sống bảo vệ biên cương.

Ông Ma Seo Củi, Chủ tịch xã A Mú Sung cho hay, Lũng Pô là thôn thành lập sau cùng của xã, nhưng lại là đểm sáng về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của xã. Hằng năm, trong thôn có số hộ đạt gia đình văn hoá từ 80% trở lên, 100% học sinh trong độ tuổi đều đến trường, không có bạo lực gia đình…

Trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Lũng Pô cũng được đánh giá là địa bàn "ổn định, vững chắc" với các mô hình nổi bật như: "Thôn bản bình yên-gia đình hạnh phúc", "Khu dân cư đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới"….

Kỳ 3: Sức sống mới ở ‘nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt’ - Ảnh 3.

Điện, đường, trường, trạm... được đầu tư xây dựng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho bản làng; cây trái xanh mướt một vùng biên ải - Ảnh: VGP/HG

Bám đất, bám bản xây dựng cuộc sống mới

Anh Tẩn Sành Phú, Trưởng thôn Lũng Pô cho biết, từ một vùng đất hoang vu, hẻo lánh, ít ai biết tới, ngày nay thôn Lũng Pô đã có hơn 80 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì sinh sống, với hàng chục ha trồng chuối, mít, dứa, xoài, cam… thu nhập bình quân khoảng 37 triệu đồng/người/năm, có hộ còn lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.

Bộ đội biên phòng là điểm tựa ban đầu cho bà con khi chân ướt chân ráo về Lũng Pô định canh, định cư và lập nghiệp. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung cùng chính quyền địa phương đã giúp đỡ những hộ dân đầu tiên xây dựng nhà để ở. Sau khi ổn định được chỗ ở, các anh tính tới việc giúp dân phát triển kinh tế, một số hộ dân được chọn làm điểm mô hình.

Thay vì trồng ngô, lúa năng suất thấp, cán bộ biên phòng phối hợp với cán bộ khuyến nông của huyện đưa giống chuối, dứa lên vùng đất này. Phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, chuối, dứa cho năng suất tốt. Từ đó, mô hình được nhân ra cả bản, tạo thành vùng chuyên canh tập trung. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo.

Tuy nhiên, từ năm 2020, do dịch COVID-19, chuối không bán được sang thị trường Trung Quốc, khiến thu nhập của người dân giảm mạnh. Để giải quyết khó khăn đó, cấp ủy chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng A Mú Sung đã vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang các loại cây ăn quả có thị trường tiêu thụ lớn hơn như xoài, cam…

"Chục năm trước, thôn vẫn còn nhiều hộ nghèo lắm. Từ năm 2017 đến nay, cuộc sống khấm khá hơn, thôn không còn nhà dột nát nữa, nhiều nhà 2 tầng rồi. Hầu như nhà nào cũng có xe máy, ti vi, vài hộ có ô tô để vận chuyển hàng hóa...", anh Tẩn Sành Phú cho hay.

Trước kia, vì mải lo ăn từng bữa, bà con "cắp" con lên nương, theo rẫy, bây giờ bà con đã hiểu muốn phát triển thì phải cho con mình đi học, các em học sinh ở thôn giờ không bỏ học nữa.

"Các anh biên phòng luôn quan tâm đến bà con trong thôn. Năm 2022, Lũng Pô được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ xây một nhà văn hóa thôn trị giá 3 tỷ đồng. Đồn Biên phòng A Mú Sung đã giúp vật liệu, ngày công cùng thôn đổ 800 m2 sàn và 150 m đường vào nhà văn hóa. Nhân dân rất phấn khởi", anh Tẩn Sành Phú nói.

Kỳ 3: Sức sống mới ở ‘nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt’ - Ảnh 4.

Đồn Biên phòng A Mú Sung giúp bà con xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh: VGP/HG

Tin yêu vào Đảng, Nhà nước, đáp lại tình cảm của bộ đội biên phòng, bà con đã tìm hiểu và nắm được luật biên giới, ý thức rất cao về vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; tích cực phối hợp với bộ đội biên phòng tuần tra, nắm bắt tình hình biên giới.

Hai mốc biên giới là mốc 91, 92 nằm trong thôn Lũng Pô, vì vậy thôn đã lập tổ tham gia tự quản đường biên, cột mốc và tổ an ninh tự quản an ninh trật tự thôn bản cùng các chiến sĩ biên phòng tuần tra, kiểm tra các mốc. Khi có vấn đề cấp thiết xảy ra trên địa bàn thì bà con báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng để cùng nắm bắt, cùng xử lý, bảo đảm an ninh biên giới một cách tốt nhất, từ đó cũng tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Cũng nhờ sự kiên trì tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền xã A Mú Sung và Đồn biên phòng, nhiều hủ tục của bà con Lũng Pô nói riêng, A Mú Sung nói chung được xóa bỏ để hướng tới cuộc sống văn minh hơn.

Trung tá Lý Sín Sẩu kể, người Mông trước đây nhiều hủ tục lắm. Như việc phải xem ngày cho người chết, nếu không được ngày, có nhà còn để người chết trong nhà hàng tuần, sau khi làm tang trong nhà rồi còn mang ra cúng và phơi nắng nữa. Sau này, trong các buổi họp thôn, được cán bộ xã, biên phòng phân tích, bà con hiểu và nghe theo. Cũng từ năm 2021 đến nay, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyến thống ở xã A Mú Sung đã không còn xảy ra…

"Trước đây, Đồn Biên phòng và xã A Mú Sung phối hợp cùng nhau thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế-xã hội nhưng chưa có quy chế rõ ràng. Bây giờ có quy chế, tổ chức ký kết, sơ kết hàng quý, hằng năm nên rất thuận lợi", Trung tá Lý Sín Sẩu cho hay.

Trong 2 năm qua, Đồn Biên phòng A Mú Sung đã xây dựng và tổ chức một số mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới như mô hình bò giống; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con; phối hợp khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân; giúp đổ bê tông đường làng, ngõ xóm; dọn vệ sinh phát quang đường liên thôn; xây dựng sân chơi tại điểm trường; củng cố kiện toàn các tổ tham gia tự quản đường biên, cột mốc, tổ an ninh tự quản an ninh trật tự...

Đặc biệt, thực hiện chương trình của Tỉnh ủy Lào Cai, phấn đấu xóa thôn bản "trắng" đảng viên, 100% thôn bản có chi bộ, chỉ ủy, Đảng ủy Đồn Biên phòng A Mú Sung đã cử cán bộ tăng cường xã giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã, cử Đảng viên của đồn tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn bản giáp biên cũng như các chi bộ thôn bản mà năng lực cấp ủy còn hạn chế. Đồng thời tổ chức cho 32 cán bộ đảng viên phụ trách giúp đỡ các hộ gia đình trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Kỳ 3: Sức sống mới ở ‘nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt’ - Ảnh 5.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung và người dân cùng tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới - Ảnh: VGP

Chia tay Lũng Pô, A Mú Sung, thấp thoáng trong màu xanh ngút ngàn của nương rẫy, cây ăn quả là những ngôi nhà khang trang mới mọc lên, trường học được xây kiên cố, lợp mái tôn đỏ tươi. Lời hát "Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy về đất Việt…" lại ngân lên đâu đó. Được biết, Tết Quý Mão vừa rồi cũng là một cái tết ấm no với xã vùng cao biên giới A Mú Sung khi bà con có một vụ mùa sung túc, nông sản xuất khẩu thuận lợi sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cuộc sống ấm no đã trở lại bản làng với những chuyến xe hàng hối hả đầy ắp nông sản…

(còn tiếp)

Hoàng Giang