Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Đạt hỏi, ông ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) dài hạn và hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì ông có phải là cán bộ công chức theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức và có được hưởng chế độ phụ cấp công vụ theo điểm a, b; khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ hay không?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của ông Đạt như sau:
Điều 5 Nghị định số 10/CP ngày 23/1/1995 về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 3 Điều 1 Nghị định số 27/2008/NĐ-CP ngày 13/3/2008 quy định, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Sở Công Thương có chức năng tham mưu, giúp Sở Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp công vụ được quy định tại Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ, bao gồm đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này là người làm việc theo HĐLĐ trong cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ; người lao động làm việc theo HĐLĐ trong cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP; không bao gồm người làm việc theo chế độ HĐLĐ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) thì một số loại công việc sau đây trong cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện theo chế độ HĐLĐ như sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan; lái xe; bảo vệ; vệ sinh; trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan; và công việc khác như nấu ăn tập thể, tạp vụ, mộc nề, chăm sóc và bảo vệ cảnh quan trong cơ quan, tổ chức…
Trường hợp ông Phan Quốc Đạt, làm việc tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau theo HĐLĐ, không phải là người được bầu cử giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ và không phải là người đã được tuyển dụng, bổ nhiệm vào công chức, vì vậy không phải là cán bộ quy định tại khoản 1, không phải là công chức quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức và không phải là đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp công vụ nêu tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP.
Theo quy định của pháp luật về lao động, HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây: HĐLĐ không xác định thời hạn; HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Có thể hợp đồng mà ông Đạt đã ký là loại HĐLĐ không xác định thời hạn, chứ không phải là hợp đồng có tên gọi là HĐLĐ dài hạn như ông Đạt nêu. Hiện nay ông Đạt là người lao động làm việc theo HĐLĐ, không phải là công chức.
Nếu HĐLĐ ông Đạt đã ký với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau (là cơ quan chuyên môn thuộc Sở Công Thương) có nội dung thực hiện các công việc đúng với quy định tại Điều 1 Nghị định 68/2000/NĐ-CP nêu trên và được xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, hưởng lương từ ngân sách, thì thuộc đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp công vụ quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin liên quan:
- Phụ cấp công vụ với chức danh cán bộ xã
- Lao động hợp đồng nào được hưởng phụ cấp công vụ?
- Đang tập sự có được hưởng phụ cấp công vụ?
- Lao động hợp đồng tại cơ quan nhà nước có được phụ cấp công vụ?
- Lao động hợp đồng có được hưởng phụ cấp công vụ?
- Bộ Nội vụ giải đáp thắc mắc về phụ cấp công vụ
- Phụ cấp công vụ với lao động hợp đồng
- Một số câu hỏi về chế độ phụ cấp công vụ