Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hầu hết, các ý kiến tham gia đều cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và khẳng định những mục tiêu, giải pháp nêu ra trong kết luận số 02- KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Các ý kiến cơ bản cho rằng việc tập trung kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội với các nội dung chủ yếu là thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công là cần thiết, kịp thời, đúng đắn, phù hợp với tình hình của đất nước nên bước đầu đã thu được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng các giải pháp trên chỉ mang tính tình thế, chưa có tính chiến lược. Thực tế cho thấy, nhiều chính sách điều hành của Chính phủ trong thời gian qua còn mang tính mệnh lệnh hành chính, áp đặt không tuân theo quy luật kinh tế thị trường nên không phát huy được hiệu quả, nhiều chính sách không đi vào cuộc sống như việc qui định trần lãi suất, hỗ trợ lãi suất...
Tại buổi thảo luận, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổng kết đánh giá việc thực hiện các chính sách đã đặt ra để có những giải pháp phù hợp hơn trong việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm.
Đại biểu Trần Văn Minh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ cần quan tâm việc xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khi trình Quốc hội xem xét thông qua, đảm bảo tính khoa học, tính khả thi cao, tránh tình trạng khi Quốc hội đã thông qua lại phải điều chỉnh nhiều như thời gian qua.
Đại biểu cũng đề cập với chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu ngân sách. Như vậy, việc đưa ra chỉ tiêu giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% có khả thi không? hay chỉ tiêu kiểm soát lạm phát (CPI) ở mức khoảng 15-17% liệu có thực hiện được không trong khi chỉ tiêu này 6 tháng đầu năm đã lên đến 13,29%.
Đại biểu cũng đề nghị, khi xây dựng các chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng tác động ngược chiều giữa các chính sách: việc thắt chặt đầu tư công sẽ dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn, sản xuất eo hẹp, cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tạo việc làm cho người lao động...
Đại biểu Trần Xuân Hòa lại cho rằng chất lượng công tác dự báo và lập kế hoạch các chỉ tiêu của nền kinh tế quốc dân còn thấp, vẫn mang tư duy của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chưa theo kịp tư duy của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay cho nên các chỉ tiêu khi xây dựng trong thời gian ngắn lại phải điều chỉnh. Với hàng loạt các giải pháp, nhưng thực tế lạm phát vẫn ở mức tăng cao, không giảm; việc quản lý thị trường ngoại hối, tỷ giá và cán cân thương mại nhiều bất cập, nhiều vấn đề xã hội chậm được giải quyết....
Đối với Nghị quyết về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, đại biểu Trần Xuân Hòa kiến nghị cần đảm bảo các yêu cầu sau: việc miễn giảm nhằm đạt mục đích trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng do tình hình khó khăn của nền kinh tế gây ra, đảm bảo tính khả thi cũng như việc kiểm tra, kiểm soát để miễn giảm đúng đối tượng. Về mức miễn giảm, đại biểu nhất trí mức giảm 30% đối với doanh nghiệp và 50% mức thuế khoán thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm tính khả thi, đối tượng áp dụng, cách thực hiện hỗ trợ của chính sách theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng mà xác định rõ là khó khăn do những khó khăn của nền kinh tế gây ra.
Đại biểu Vũ Chí Thực, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng ninh nhận định một số chính sách của nhà nước ta trong thời gian vừa qua thực hiện rất tốt như: chính sách chống đô la hóa, quản lý thị trường vàng... có tác dụng làm chuyển biến tích cực trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc điều hành của Chính phủ trong thời gian qua cũng chưa linh hoạt, chưa kịp thời làm giảm hiệu quả của chính sách.
Đại biểu cũng khẳng định việc cắt giảm đầu tư công trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay là cần thiết nhưng cần thống nhất tiêu chí cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư công và có hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng, đồng thời phải đảm bảo tính linh hoạt trên cơ sở đặc thù của từng địa phương, từng lĩnh vực không nên thực hiện một cách cứng nhắc, theo mệnh lệnh hành chính, cắt giảm đồng loạt, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế của địa phương nói riêng, đất nước nói chung. Đại biểu cũng đề nghị, những nơi có điều kiện về kinh phí, có khả năng đầu tư để phát triển bằng nguồn ngân sách địa phương, thì không nên cắt giảm mà thậm chí còn khuyến khích đầu tư để tạo động lực, làm đòn bẩy cho phát triển, tăng trưởng nền kinh tế đất nước trong thời gian tới. Đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dụng nông thôn mới không nên cắt giảm vì đầu tư cho nông dân, nông thôn là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định xã hội./.