• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Kỷ niệm lần thứ 66 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2010): Những Chiến sĩ bảo vệ bầu trời Thủ đô

HNP - Năm 2010, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng là năm Sư đoàn phòng không Hà Nội tròn 45 tuổi, các cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tạo chuyển biến sâu sắc về ý chí và hành động. Cùng với các lực lượng vũ trang khác, các phân đội hỏa lực thuộc các đơn vị trong sư đoàn đã cơ động làm nhiệm vụ “đón lõng”, bảo vệ từ xa các mục tiêu chủ yếu của Thủ đô thân yêu.

21/12/2010 18:25
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô (25-9-1966)


Sự giúp đỡ của nhân dân Hà Nội và sự quan tâm của Bác Hồ
Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ đã tạo ra “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” (vu cáo hải quân ta tấn công tàu chiến của chúng ở ngoài biển Đông) và cho máy bay đánh phá một số tỉnh xung quanh Hà Nội, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập Bộ tư lệnh phòng không Hà Nội, nay là Sư đoàn Phòng không Hà Nội, còn gọi là Sư đoàn 361. Sư đoàn ra đời vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: 19/5/1965 với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội, không để thủ đô bị bất ngờ trước hành động xâm lược của kẻ thù.
Ngay từ ban đầu, đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn 361 gồm nhiều trung đoàn cao xạ và tên lửa mang các tên: sông Đuống, sông Thương, sông Đà… Các đơn vị này, đã trưởng thành nhanh chóng, lập nhiều chiến công.
Sau khi thành lập, sư đoàn 361 đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Thành ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Bác sĩ Trần Duy Hưng, khi ấy là Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội đã nói: “Sư đoàn phòng không Hà Nội là con em của nhân dân Thủ đô. Chính quyền và nhân dân Hà Nội sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu, phục vụ chiến đấu để các đồng chí đánh thắng kẻ thù…”. Ngày 25/6/1965, Sư đoàn đã bắn rơi chiếc RF4C của giặc Mỹ khi liều lĩnh xâm phạm bầu trời Hà Nội. Đại đội 3, trung đoàn 220 của Sư đoàn 361 đã hạ chiếc máy bay này. Ngay sau đó, đơn vị đã được Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội tặng lá cờ đỏ thêu ba chữ vàng: “Chiến công đầu”.
Đặc biệt từ năm 1965 đến 1969, các đơn vị của Sư đoàn 361 đã vinh dự được Chủ tich Hồ Chí Minh 08 lần đến thăm động viên tinh thần chiến đấu, khen ngợi khi lập chiến công. Đây chính là biểu hiện sự quan tâm chăm sóc của Bác đối với các chiến sĩ canh gác bầu trời Thủ đô.

Những chiến công oanh liệt
Để tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả những vũ khí mới và hiện đại, chiến sĩ của sư đoàn được tuyển chọn ở nhiều tỉnh trên miền Bắc. Hầu hết các chiến sĩ là đoàn viên ưu tú, sinh viên các trường đại học. Họ là thanh niên có lí tưởng, có trình độ văn hóa khá để có thể làm chủ ra đa, tên lửa, máy tính. Ngày 24/7/1965, Trung đoàn tên lửa 236, trung đoàn tên lửa đầu tiên của quân đội ta đã bắn rơi máy bay địch. Đó là chiếc máy bay Mỹ thứ 400 bị ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Chiến công đó đã khích lệ cán bộ, chiến sĩ sư đoàn phát huy trí tuệ, tìm ra nhiều cách đánh sáng tạo. Họ đã bám sát mục tiêu mà đánh với tinh thần “Thà chết chứ nhất định không rời mâm pháo”, “Quyết tử để bảo vệ bầu trời Hà Nội”. Sư đoàn 361 đã cùng quân và dân Thủ đô bảo vệ vững chắc bầu trời Hà Nội và các mục tiêu khác ở miền Bắc.
Ngày 7/3/1966, Phân đội 61, Trung đoàn tên lửa 236 bằng một quả đạn đã bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ trên bầu trời Nghệ An, quê hương Bác Hồ. Ngày 26/4/1967, các phân đội pháo cao xạ đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ, ngay chân cầu Đuống. Đặc biệt ngày 19/5/1967, Sư đoàn đã bắn rơi 10 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc rơi trên đường phố Lê Trực, Hà Nội, lập chiến công mừng thọ Bác Hồ 77 tuổi.
Đầu năm 1972, để cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Tổng thống Mỹ Nich-xơn đã ra lệnh cho không quân Mỹ tiếp tục ném bom đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Ngoài nhiệm vụ chủ yếu bảo vệ Hà Nội, Sư đoàn 361 còn đánh địch trên mọi chiến trường, cơ động chiến đấu đánh địch trên vùng trời các tỉnh: Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Trung đoàn 236B và Trung đoàn 237 của Sư đoàn với những tên lửa SAM2 và những cỗ chiến xa ZCY234 (loại vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ) đã vào tham gia chiến đấu tại mặt trận Khu 4 và chiến trường Quảng Trị để cùng các đơn vị bạn nghiên cứu cách đánh B52, hai trung đoàn đã hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng phòng không đánh địch quyết liệt, yểm trợ và bảo vệ các đơn vị binh chủng hợp thành, lập công xuất sắc.

Tên lửa bảo vệ Thủ đô tiến công máy bay B52 của Mỹ


Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, những trung đoàn đặc biệt của sư đoàn 361 vào tận sông Bến Hải khống chế có hiệu quả các hoạt động đánh phá của không quân Mỹ, bắn rơi 16 máy bay Mỹ, trong đó có 7 chiếc máy bay B52. Đặc biệt, những chiến sỹ trong đội hình xe ZCY - 234 của trung đoàn 237 Tam Điệp đã sát cánh cùng các lực lượng phòng không chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng ở phía Nam Thanh Hóa một cách hiệu quả, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu cho cách đánh B52 sau này.
Ghi sâu lời dạy của Bác Hồ: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “Bê” gì đi chăng nữa, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa thì chúng ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Bộ đội phòng không Hà Nội, cùng với bộ đội không quân, quân và dân Thủ đô tạo nên thế trận phòng không nhân dân nhiều tầng, nhiều lớp, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của đế quốc Mỹ (từ 18/12 đến 30/12/1972). Trong chiến dịch này, Sư đoàn đã bắn rơi 29 máy bay, trong đó có 25 B52 (16 chiếc rơi tại chỗ), góp phần lập nên chiến công “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, một chiến thắng vĩ đại trong lịch sử quân sự ở thế kỷ 20, viết tiếp trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam, của Thủ đô Hà Nội văn hiến, thành phố anh hùng.

Đại úy Rô-bớt Giên Xéc-ten, hoa tiêu B52 bị bắt sống đêm đầu tiên 18/12/1972 do Tiểu đoàn tên lửa 59, Sư đoàn 361 bắn rơi.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn đã đánh hơn 1800 trận, bắn rơi 591 máy bay các loại của đế quốc Mỹ, trong đó có 35 chiếc B52 (16 chiếc rơi tại chỗ). Nhiều thế hệ chiến sỹ của Sư đoàn 361, với trung đoàn 236, trung đoàn 237 đã hào hùng đi vào cuộc chiến với trí tuệ và niềm tin của tuổi trẻ. Sự hy sinh của họ vì Thủ đô Hà Nội thân yêu đã tô thắm trang sử truyền thống của Sư đoàn. Ghi nhận những chiến công to lớn ấy, ngày 15/1/1976, Sư đoàn 361 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 12 tập thể và 7 cá nhân thuộc Sư đoàn cũng được phong tặng danh hiệu cao quý đó.
Từ năm 1973 đến nay, Sư đoàn Phòng không Hà Nội tiếp tục rèn luyện chiến đấu, tiếp nhận và sử dụng thành thạo các loại vũ khí mới, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Họ quyết xứng đáng với tình thương yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô dành cho sư đoàn anh hùng.

Triệu Chinh Hiểu