Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng. |
Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã phỏng vấn GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng về kỳ thi này.
Ông đánh giá thế nào về mặt bằng chất lượng cũng như tính phân loại của kỳ thi năm nay so với công tác tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức 3 chung trước đây?
GS.TS Trần Văn Nam: Với kỳ thi 2 mục đích như kỳ thi THPT quốc gia, đề thi phải bảo đảm được việc đánh giá kiến thức phổ thông của học sinh, đồng thời phải bảo đảm được khả năng phân loại đối với các học sinh dùng kết quả thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Với yêu cầu như vậy, có thể nói hầu hết các môn có phổ điểm tương đối đạt được mục đích đề ra.
Tuy nhiên, do phải thực hiện đồng thời 2 mục đích nên tính phân loại của đề thi năm nay không rõ nét bằng đề thi ĐH, CĐ các năm trước.
Các môn Vật lí, Ngữ văn, Hóa học, Lịch sử, Địa lí có tính phân loại tốt, nhưng môn Toán và Ngoại ngữ thì kém hơn. Môn Toán là môn dành cho nhiều khối thi mà phổ điểm tập trung trải dài từ 1,5 đến 7,5, trong khi đó Ngoại ngữ lại lệch về điểm thấp. Ngay cả như điểm thi của cụm thi tại một đô thị lớn như Đà Nẵng mà điểm Ngoại ngữ cũng tập trung từ 1,75 đến 4,75.
Trong khi đó, Hóa học lại là môn có điểm khá cao. Do vậy, các trường xét khối A (Toán, Lý, Hóa) và A1 (Toán, Lý, Ngoại ngữ) có điểm tương đương như mọi năm sẽ gặp khó khăn.
Thí sinh tại Đà Nẵng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh |
Để cho kỳ thi hướng đến mục tiêu mong muốn, đáp ứng được kỳ vọng của ngời dân và xã hội, theo ông, Bộ GD&ĐT cần có những bổ sung, thay đổi gì?
GS.TS Trần Văn Nam: Tính nghiêm túc và công bằng của kỳ thi tập trung chủ yếu ở khâu coi thi, sau đó đến chấm thi và ra đề thi. Chúng ta đã thống nhất quy chế, cách tổ chức ở mọi khâu của kỳ thi nhưng lại phân ra cụm thi liên tỉnh và cụm thi địa phương, nên có thể dẫn đến những kết quả khác nhau. Do đó, cá nhân tôi cho rằng nên tổ chức thi thống nhất không phân ra thành 2 loại cụm thi.
Để giảm đi lại cho các học sinh các huyện xa, có thể mỗi tỉnh tổ chức một cụm thi và giao cho trường đại học trên địa bàn chủ trì. Nếu đại học ở tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm thì tăng cường thêm các đại học khác có kinh nghiệm hơn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Bộ cũng như giám sát chéo giữa các cụm thi để bảo đảm tính nghiêm túc và tạo sự công bằng cho thí sinh.
Ngoài ra, cũng cần có một đánh giá khách quan của xã hội về tỉ lệ tốt nghiệp THPT, tránh tình trạng chạy theo thành tích thì kỳ thi THPT quốc gia mới có thể tiến tới là một kỳ thi khách quan, công bằng cho thí sinh.
Trở lại vấn đề liên quan đến kỳ thi năm nay, theo ghi nhận, tình trạng nhiều thí sinh vẫn lúng túng trong vấn đề nộp đơn xin phúc khảo. Ông có thể cho biết tại cụm thi do ĐH Đà Nẵng chủ trì, tình trạng này ra sao?
GS.TS Trần Văn Nam: Thực hiện quy chế của kỳ thi THPT quốc gia, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã chủ động gửi hướng dẫn phúc khảo gửi đến Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, cũng như thông báo trên website của ĐHĐN về thời gian, địa điểm nộp đơn, mẫu đơn.
Sau khi nhận được mẫu đơn phúc khảo của Bộ GD&ĐT, ĐHĐN đã sử dụng mẫu đơn thống nhất của Bộ. Vì vậy, thí sinh ở cụm thi ĐHĐN không gặp khó khăn khi muốn làm đơn phúc khảo bài thi.
Đối với các thí sinh có nguyện vọng vào học các trường thành viên của ĐHĐN, cần theo dõi thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên website chính thức về tuyển sinh của ĐHĐN và các trường thành viên tại địa chỉ ts.udn.vn để kịp thời nắm bắt các thông tin mới nhất về tuyển sinh.
Hồng Hạnh (thực hiện)