Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cô Trần Thị Kim Cúc thời trẻ. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đó là tâm sự của cô Trần Thị Kim Cúc, dũng sĩ diệt Mỹ, người 8 lần được gặp Bác Hồ.
Là con của một gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng, có 2 anh trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, năm 14 tuổi cô Trần Thị Kim Cúc (SN 1945) tham gia làm giao liên.
Năm 17 tuổi, cô được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng đội công tác đặc biệt của Huyện ủy Hòa Vang, hoạt động tại nội thành Đà Nẵng. Trong chiến đấu, cô đã cùng đồng đội tiêu diệt nhiều tên địch. Trong những tháng năm hoạt động cách mạng, cô bị địch bắt và tra tấn dã man. Mặc dù vậy, cô nhất định không khai báo nên chúng buộc phải trả tự do cho cô.
Do hậu quả của những lần bị địch tra tấn, nhằm giữ gìn sức khỏe của cô, năm 1966, lãnh đạo tỉnh Quảng Đà đã bí mật đưa cô ra miền Bắc chữa bệnh.
Cô Kim Cúc còn nhớ như in lần đầu tiên được gặp Bác Hồ.
Cô bồi hồi kể lại: Hôm đó, vào chiều 19/5/1966, đúng ngày sinh của Bác, đang nằm điều trị phòng ở Bệnh viện Việt-Xô thì chú Trần Kim Ảnh, Giám đốc Bệnh viện, và bác sĩ Bình, Chủ nhiệm Khoa, thông báo: “Lát nữa có người trong Phủ Chủ tịch đến thăm các cháu”. Cô mừng vui khôn xiết, mắt luôn dõi nhìn ra ngoài trông chờ từng giây.
Đúng 7 giờ tối, một chiếc xe nhỏ tiến sát vào cửa Khoa A1. Cô nhận ra Bác Hồ đến thăm. Mọi người, trong đó có cô, định chạy đến đón Bác nhưng Bác vẫy tay bảo: “Các cháu ngồi ở đó, đừng chạy ra”.
Bác hỏi thăm bệnh tình, sức khoẻ của cô. Nghe chú Trịnh Kim Ảnh, Giám đốc Bệnh viện báo cáo về tình hình thương tật của cô rất nặng, Bác lo lắng hỏi: “Đau thế, đêm cháu ngủ có được không? Cháu ăn có biết ngon miệng không?”. Cô liền thưa: “Dạ thưa Bác! Con ăn và ngủ cũng được ít”. Bác động viên: Cháu phải cố gắng ăn nhiều hơn, phải coi uống thuốc, ăn cơm như nhiệm vụ đánh Mỹ của các cháu ở miền Nam trước đây mới được!...
Bác nói rồi căn dặn chú Bình (Chủ nhiệm Khoa A1): “Chú phải theo dõi cả việc ăn uống của các cháu, nhắc nhà bếp phải thường xuyên đổi món và chế biến thức ăn cho hợp khẩu vị. Ở miền trong thường thích món cá nấu chua lắm nên phải cố cho các cháu ăn dù chỉ một tý nước canh, một tý cháo cũng được”.
Bác ngồi chơi với các cô một lúc rồi nói: Bác đến thăm các cháu lâu rồi, giờ đã cho Bác về chưa? Không biết nói sao vì muốn Bác ngồi lâu hơn, nước mắt cô cứ chảy dài. Thấy vậy Bác nói vui: Không cho Bác về thì Bác ngồi đây vậy, khi nào cháu cho Bác về thì Bác về.
Thế rồi hôm đó Bác ngồi lại với các cô đến 9h tối...
Sau đó gần 1 tháng, chiều ngày 10/6/1966, Bác cho xe đến đón cô vào Phủ Chủ tịch ăn cơm với Bác. Bác bảo sẽ cho cô đi chữa bệnh ở nước ngoài. Ở bên đó lúc khỏe thì nên tranh thủ học tiếng, đồng thời kể cho các bạn ấy biết tội ác của Mỹ ngụy và tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta...
Sau hơn 18 tháng vừa chữa bệnh vừa làm công tác tuyên truyền trên đất nước bạn, cô về nước và lại được vào thăm Bác.
Hôm đó là chiều 30 Tết Mậu Thân (1968). Khi Bác hỏi: “Sau thời gian dài chữa bệnh ở nước ngoài, cháu thấy sức khỏe ra sao, nguyện vọng của cháu thế nào”? Cô liền trả lời: Cháu muốn xin về chiến trường miền Nam để tiếp tục chiến đấu. Bác nói, cháu xin vào miền Nam Bác không cản, nhưng vết thương của cháu chưa ổn định, nên khi nào sức khỏe tốt, Bác sẽ cho cháu vào chiến trường miền Nam.
Thấy vậy cô đành xin đi học, nhưng Bác lại bảo nếu học gấp quá, vết thương chưa khỏi hẳn, đầu óc sẽ không chịu nổi (vì cô bị thương ở đầu, ảnh hưởng đến thần kinh). Rồi Bác bảo muốn kiểm tra vốn tiếng nước ngoài của cô. Nghe cô nói thành thạo, Bác khen cô giỏi và căn dặn: Dù ở hoàn cảnh nào cũng phải học, miễn là có ý chí, cũng như cháu có ý chí mới vượt qua được đòn roi của địch.
Sau lần ấy, cô trốn xuống học văn hóa tại Trường Phổ thông Lao động Trung ương Hưng Yên. Càng nghĩ về Bác, cô càng phấn đấu học giỏi. Tại đây, cô học vượt chương trình 1 năm 3 lớp. Đầu năm 1969, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin biểu dương thành tích học tập của học sinh trong trường, trong đó có cô. Nghe tin, Bác bảo chú Vũ Kỳ, thư ký của Bác, đến trường đón cô vào gặp Bác.
Lần ấy, Bác ân cần nói với cô: “Bác biết cháu đi học và học rất giỏi. Bác rất vui nhưng cháu phải chú ý giữ gìn sức khỏe cho thật tốt; ở nơi dân phải làm công tác dân vận tốt để dân thương, dân nhớ”…
Đây cũng là lần cuối cùng cô được gặp Bác...
Bác đã đi xa nhưng tình thương của Bác vẫn sáng mãi trong tim mỗi người dân Việt Nam.
Lưu Hương