Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam, đâu là khó khăn lớn nhất với các nhà đầu tư khi triển khai các dự án ở Việt Nam?
Ông Seck Yee Chung: Trên phạm vi toàn cầu, các nhà đầu tư đều phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời kỳ đại dịch và tình hình đầu tư đã có dấu hiệu suy giảm. Tại Việt Nam, theo số liệu đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường hợp tác đầu tư của Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021; đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022, trong đó Singapore đứng đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam thời kỳ hậu đại dịch, từ những nguyên nhân cơ bản như lực lượng lao động có quy mô lớn với chi phí cạnh tranh và thường xuyên được nâng cao tay ngh; tầng lớp trung lưu đang có nhu cầu ngày càng gia tăng; các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và giá cả phải chăng; sự cải thiện và phát triển trong hậu cần (logistics) và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát đại dịch của Việt Nam cũng như khả năng và sự tự tin trong việc mở cửa lại nền kinh tế, mở cửa biên giới nhanh hơn so với các nước láng giềng cũng góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy vẫn còn những khó khăn mà nhà đầu tư Singapore (cũng như các nhà đầu tư từ các quốc gia khác) đang phải đối mặt tại Việt Nam.
Đó là thủ tục cấp giấy phép chưa thực sự nhất quán và rõ ràng; các quy định hiện hành nghiêm cấm việc cơ quan địa phương yêu cầu các tài liệu bổ sung cho mục đích cấp giấy phép, ngoài các tài liệu được pháp luật quy định. Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy điều ngược lại, gây nên sự chậm trễ trong việc đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp, khiến nhà đầu tư/doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí cho việc đàm phán và chuẩn bị các tài liệu đó. Việc chuẩn bị các bản sao hợp pháp hóa lãnh sự của một tài liệu cũng rất tốn kém và mất thời gian.
Ông có đề xuất gì để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam?
Ông Seck Yee Chung: Theo tôi, cơ quan chức năng Việt Nam cần ban hành các hướng dẫn để thống nhất thủ tục cấp giấy phép; cần ban hành hướng dẫn để các cơ quan cấp phép không yêu cầu thêm các loại giấy tờ khác ngoài quy định, và hướng dẫn đó nên được công bố trên trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tăng cường sự minh bạch trong thủ tục giải phóng mặt bằng và bồi thường; cần có hướng dẫn rõ hơn về giải phóng mặt bằng và thực hiện thủ tục này một cách rõ ràng hơn.
Ông kỳ vọng gì về chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam?
Ông Seck Yee Chung: Việt Nam và Singapore đã thiết lập mối quan hệ thân thiết qua nhiều thập kỷ và Việt Nam liên tục được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng của các nhà đầu tư Singapore.
Trong năm 2022, Singapore và Việt Nam đã ký 5 hiệp định cùng nhiều biên bản ghi nhớ để tăng cường hợp tác trên phương diện thương mại, kinh tế số, an ninh mạng, năng lượng sạch, phát triển bền vững và sở hữu trí tuệ... Cả hai nước hiện cũng là thành viên một số hiệp định tự do hóa thương mại và hiệp định đa phương.
Với chuyến thăm quan trọng này cùng mối quan hệ ngày càng thân thiết của Việt Nam và Singapore, SCCV kỳ vọng cuộc gặp gỡ và thảo luận trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư hai nước có thể đa dạng hóa và mở rộng hoạt động ở quốc gia của nhau. Chúng tôi cũng mong đợi sẽ có thêm nhiều hiệp định và văn bản hợp tác được ký giữa hai quốc gia vì lợi ích kinh tế chung.
Theo ông, nhà đầu tư Singapore thật sự quan tâm lĩnh vực nào nhiều nhất tại Việt Nam?
Ông Seck Yee Chung: Trong những năm gần đây, đầu tư của Singapore vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, bất động sản, thương mại bán buôn, bán lẻ. Trong những năm tới, các nhà đầu tư Singapore sẽ tăng cường đầu tư vào chuỗi cung ứng và hậu cần (logistics), kinh tế xanh và kinh tế số.
Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã nêu bật tầm quan trọng của chuỗi cung ứng và logistics nên các doanh nghiệp Singapore quan tâm đến việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực này bằng cách cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực và các giải pháp kỹ thuật số.
Môi trường cũng là một chủ đề nóng và nền kinh tế xanh sẽ trở thành mục tiêu đầu tư tiếp theo của các nhà đầu tư Singapore. Các nhà đầu tư Singapore có thể sẽ tập trung vào các dự án về cơ sở hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, kinh tế kỹ thuật số cũng sẽ là trọng tâm hàng đầu của các nhà đầu tư Singapore nhằm thúc đẩy việc mở rộng hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam và vốn sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tăng trưởng kinh tế của cả hai quốc gia.
Trân trọng cảm ơn ông!
Anh Minh (ghi)