|
Một cảnh trong vở nhạc kịch "Lá đỏ". |
Vở nhạc kịch "Lá đỏ" của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam với sự vượt trội về quy mô dàn dựng, súc tích và giàu ý nghĩa đối với cuộc sống đương đại đã một lần nữa đón nhận “mưa” giải thưởng tại Liên hoan Tiếng hát Đường 9 xanh vừa diễn ra tại Quảng Trị.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là người trực tiếp viết tác phẩm nhạc kịch này dựa theo ý tưởng và kịch bản thơ của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Hai tác giả đã phối hợp triển khai với cảm hứng từ tứ thơ trong thi phẩm "Lá đỏ" của nhà thơ Nguyễn Đình Thi (nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc): “Gặp em trên cao lộng gió/Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ”.
"Lá đỏ" được thực hiện dựa trên câu chuyện bi tráng của 8 chiến sĩ thanh niên xung phong anh dũng hy sinh trong hang trên đường 20 Quyết Thắng những năm chống Mỹ.
Hiện thực được tái hiện sinh động, đầy ý nghĩa bằng ngôn ngữ âm nhạc giao hưởng, "Lá đỏ" đã thực sự tạo nên ấn tượng sâu đậm với ban giám khảo và đông đảo khán giả. 11 giải thưởng cho tập thể và cá nhân đã được trao, trong đó có giải xuất sắc toàn đoàn về thể loại opera, giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật dành cho Chỉ huy xuất sắc - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Họa sĩ xuất sắc - NSƯT Hoàng Hà Tùng; Huy chương Vàng tốp ca nữ Thanh niên xung phong, Huy chương Vàng tốp múa nữ Thanh niên xung phong...
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã sử dụng nhiều các điệu hò, điệu ví, giai điệu các bài hát quen thuộc viết về Trường Sơn thời kháng chiến và đưa vào âm nhạc bác học. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì sử dụng lời thoại và lời hát đậm chất thơ trên nền các thi phẩm của các tác giả Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đình Thi. Nhờ đó vở opera "Lá đỏ" thêm phần gần gũi, dễ đi vào lòng người.
“Không chỉ lớn về quy mô, khó về thể hiện, tác phẩm Lá đỏ là bản hợp xướng về tình yêu đất nước, tình yêu tuổi trẻ. Đây cũng là chủ đề phù hợp với yêu cầu của ngày hôm nay. Chúng ta không chỉ hát, nói về ngày hôm nay, phải tri ân quá khứ, đặc biệt là 2 cuộc kháng chiến”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.
NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam cho biết: “Tác phẩm "Lá đỏ" là một công trình nghệ thuật nhọc nhằn, mang nhiều tâm huyết nhằm cống hiến cho nghệ thuật nước nhà một tác phẩm của đỉnh cao, đầy nhiệt huyết cách mạng và lòng tin yêu cuộc sống”.
"Lá đỏ" được coi là một điểm nhấn hoàn thiện về nhạc kịch sau vở "Cô Sao" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
Nhật Nam