Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong 2 ngày 14 và 15/10, Tỉnh ủy Lai Châu tổ chức Hội thi Dân vận khéo năm 2024 với chủ đề "Tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu".
Trước đó, các đợt thi dân vận khéo về chủ đề trên đã được tổ chức đồng loạt tại các xã, phường, thị trấn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Lai Châu với 890 đội và 7.473 thí sinh tham gia, qua đó đã chọn được 12 đội dự thi với 162 thí sinh xuất sắc nhất tham dự hội thi cấp tỉnh.
Đây là một trong những hoạt động chính trị phổ biến mang tính rộng khắp trong toàn tỉnh Lai Châu thời gian qua để thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2024-2030.
Đây cũng là dịp để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, vận động, kỹ năng xử lý các tình huống dân vận ở cơ sở, đặc biệt là kỹ năng thực hiện công tác dân vận khéo trong xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Thông qua hội thi giúp các cấp, ngành phát hiện những cách làm hay, sáng tạo, những mô hình, điển hình trong công tác dân vận để tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Các đội tham dự hội thi trải qua 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức và tiểu phẩm. Nội dung các phần thi tập trung vào các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản của tỉnh có liên quan đến việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; vận dụng để xử lý các tình huống diễn ra trong đời sống một cách khéo léo, sáng tạo và đạt hiệu quả.
Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã trao 17 giải cho các đội và các thí sinh tham gia dự thi. Trong đó, giải nhất thuộc về đội Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; giải nhì thuộc về đội huyện Mường Tè và đội huyện Tam Đường; giải ba thuộc về đội Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, huyện Nậm Nhùn và thành phố Lai Châu.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 6 giải khuyến khích và 5 giải phụ cho các đội có thành tích xuất sắc nhất trong các phần thi.
Lai Châu hiện có 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 85%. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hoá, truyền thống tạo nên những giá trị, bản sắc riêng, trong đó có những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy.
Tuy nhiên, tại Lai Châu vẫn còn tồn tại một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân; một số phong tục truyền thống tốt đẹp bị lợi dụng, biến tướng gây ra tác động tiêu cực và để lại nhiều hệ lụy đối với đời sống của các dân tộc.
Để ngăn ngừa, hạn chế, tiến tới xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030.
Nghị quyết xác định đây là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu phải gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đảm bảo sự thống nhất, quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc; góp phần xây dựng con người mới, nếp sống mới, tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Lai Châu, trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Mục tiêu hướng đến của Nghị quyết là đến hết năm 2024, 100% thôn bản, khu dân cư, tổ dân phố đưa các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu vào quy ước, hương ước cộng đồng dân cư để từng bước đẩy lùi, tiến tới xoá bỏ; đến năm 2025, xóa bỏ trên 30% và đến năm 2027, xóa bỏ trên 70% các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, các hoạt động mê tín dị đoan, cơ bản đẩy lùi tình trạng tảo hôn; phấn đấu đến năm 2030, các địa phương cơ bản xóa bỏ hết các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, các hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện tốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh và nông thôn mới.
Nghị quyết đưa ra 4 nhóm giải pháp chính, trong đó ngoài việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước cũng như phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, huy động hiệu quả các nguồn lực triển khai thực hiện nghị quyết.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU được thành lập (BCĐ) do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, thành viên BCĐ gồm lãnh đạo của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu Vũ Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ cho biết, tỉnh sẽ tập trung vào hoạt động tuyên truyền giáo dục; nhận diện, xác định các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu để tập trung tuyên truyền, vận động xóa bỏ. Xây dựng nếp sống văn minh, thông qua triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Song song với đó, tỉnh cũng lựa chọn, xây dựng các mô hình điểm trong thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu gắn với xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể tiêu biểu, điển hình trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy vai trò làm chủ, ý thức tự giác của người dân.
Còn Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Cương, Phó Trưởng BCĐ chia sẻ thêm, ngoài việc tổ chức, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, tỉnh cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Tổ chức "Hội thi Dân vận khéo" để tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu; chú trọng ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền, tuyên truyền bằng các tiếng dân tộc thiểu số, giáo dục trong các cơ sở giáo dục; xác định hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu để thực hiện xóa bỏ; phát động các phong trào thi đua thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Trong quá trình triển khai, tỉnh cũng nghiên cứu kỹ các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu phù hợp với đặc thù của tỉnh, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho để tập huấn, xây dựng tài liệu phục công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục phong tục tập quán lạc hậu; đồng thời thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện theo từng giai đoạn.
HA