Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Viện KHCN giới thiệu công nghệ MAP. Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Ngày 12/5, tại tỉnh Bắc Giang, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCN) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo và Hội thảo “Công bố kết quả công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải bằng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP)”. Đây là công nghệ xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học hợp tác giữa Viện KHCN và UBND tỉnh Bắc Giang do Viện Hóa học thuộc Viện KHCN chủ trì.
Theo TS. Phạm Thị Thu Hà, chủ trì đề tài, công nghệ MAP là một công nghệ tiên tiến, khá phổ biến trên thế giới cả ở dạng bảo quản chất đống, bao bì vận chuyển và bao bì bán lẻ. Tuy nhiên, một trong những khó khăn khi nghiên cứu chế tạo bao bì MAP là phải có được những thiết bị chuyên dùng như thiết bị đùn thổi màng, thiết bị đùn và cắt hạt nhựa…
Sau nhiều năm nghiên cứu, đến nay Viện Hóa học đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ chế tạo màng MAP trong dây chuyền thiết bị hiện đại. Công nghệ này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1148. Đặc biệt, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nhựa bảo đảm an toàn thực phẩm, không chứa bất kỳ phụ gia độc hại nào ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Viện Hóa học đã nghiên cứu bảo quản nhiều loại rau quả bằng bao gói MAP cả trong phòng thí nghiệm cũng như mô hình bảo quản quy mô lớn nhất là 5 tấn nguyên liệu. Đối với các loại rau gia vị, củ quả và các loại trái cây có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu như vải thiều, xoài, cam, thanh long, bơ, chanh leo…, kết quả nghiên cứu cho thấy bao gói MAP có thể kéo dài thời gian bảo quản từ 2-3 lần so với bảo quản thông thường.
Riêng với vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang là loại quả có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, do thời vụ quá ngắn và quả vải có đặc điểm rất nhiều nước nên khả năng bảo quản trong quá trình vận chuyển rất khó khăn, việc xuất khẩu đi các thị trường xa là không đáng kể, thường qua đường hàng không với chi phí cao.
Một đặc điểm nữa là sau khi thu hoạch, quả vải từ màu đỏ hồng hấp dẫn nhanh chóng chuyển sang màu nâu, làm giảm giá trị thương phẩm.
Khi áp dụng công nghệ này, quá trình bảo quản đã khắc phục được các nhược điểm trên. Sau 35 ngày bảo quản ở 4 độ C, quả vải vẫn bảo đảm giá trị thương phẩm với mức tổn thất nhỏ hơn 10%. Việc kéo dài thời gian bảo quản, tồn trữ vải thiều Lục Ngạn lên tới 35 ngày mở ra cơ hội xuất khẩu vải sang các thị trường gần bằng đường biển thay vì đường hàng không như trước đây.
Bên cạnh đó, ưu điểm của công nghệ MAP là đơn giản, chi phí thấp, dễ sử dụng, phù hợp cho mục đích chiếu xạ theo quy định của một số thị trường như Hoa Kỳ, Australia.
Lãnh đạo Viện KHCN cho biết, nhờ kéo dài thời gian bảo quản và giá hợp lý, công nghệ MAP giúp người trồng vải thoát cảnh bị ép giá khi vải chín rộ, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị quả vải.
Đặc biệt, đây là công nghệ được nghiên cứu trong nước nên có thể chủ động điều chỉnh sản xuất, không ngừng cải tiến chất lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng. Cùng với việc ứng dụng công nghệ mới, người trồng vải cũng cần triển khai các mô hình sơ chế sản phẩm tập trung. Nếu các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thì dù sản phẩm tốt cũng sẽ gặp nhiều khó khăn bởi thị trường nước ngoài cần bảo đảm nhiều yếu tố về chất lượng, bảo quản.
Vì vậy, trong tương lai, ngành nông sản muốn xuất khẩu quy mô lớn thì cần có chương trình quản lý chuỗi sản phẩm chặt chẽ, từng bước tiếp cận các công nghệ mới trong sơ chế, bảo quản.