• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Làm gì để ngăn chặn lừa đảo xuất khẩu lao động?

(Chinhphu.vn) - Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, chủ yếu là người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, công ty “ma” đã vẽ ra viễn cảnh đổi đời một cách nhanh chóng nhờ đi xuất khẩu lao động để lừa người lao động sập bẫy. Muốn ngăn chặn hiệu quả các hành vi lừa đảo, rất cần sự vào cuộc kịp thời, kiên quyết của nhiều cơ quan chức năng, và hơn cả là sự chia sẻ với những gia đình, những người lao động phải gánh khoản nợ hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng do bị “sập bẫy lừa đảo” xuất khẩu lao động.

08/05/2021 09:05

Chị Đậu Thị Tư cung cấp cho phóng viên các giấy tờ, hợp đồng ủy thác, biên lai nộp tiền… cho Công ty Vĩnh Thịnh. Ảnh: VGP

Kỳ 1: Tan giấc mơ đổi đời bằng xuất khẩu lao động

Vì “giấc mơ đổi đời” muốn được ra nước ngoài lao động và kiếm tiền, nhiều gia đình từ thành phố đến các làng quê đang phải “cõng” trên lưng số nợ khổng lồ vì bị lừa đảo.

Nhận tiền và… biến mất

Không khó để tìm về nhà của chị Đậu Thị Tư, bởi ở thôn Đông Thủy, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, mọi người đều biết về hoàn cảnh của chị. Chồng mất vì tai nạn lao động khi con đầu mới lên 6 tuổi, hai con nhỏ mới lên 4 tuổi, một mình chị tần tảo nuôi 3 con khôn lớn.

Ở vùng đất bán sơn địa ngoại thành Hà Nội chỉ toàn đồi núi khô cằn sỏi đá, cái khổ, cái nghèo cứ đeo bám. Chính vì vậy, khi con cái đến tuổi trưởng thành chỉ muốn đi làm sớm để gánh vác bớt cái khổ cho mẹ. Không may năm 2006, chị lại mất đi cô con gái út vì tai nạn giao thông. Nỗi đau chồng nỗi đau, chị kể cho tôi nghe về những điều không may mắn cứ đeo đuổi cuộc đời chị. Nhất là giấc mơ “muốn đổi đời” để thoát cái khổ dai dẳng bao năm qua, chị và các con quyết định gom góp, vay mượn để làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động.

Vào tháng 10/2019, vợ chồng con gái đầu và con gái thứ hai của chị Tư qua tìm hiểu thông tin trên mạng được biết Công ty cổ phần Thương mại và hợp tác lao động quốc tế Vĩnh Thịnh (Công ty Vĩnh Thịnh, địa chỉ tại 121-123 tòa HUD3 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội) đăng tuyển lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, nên đã nộp hồ sơ để đăng ký đi. Qua vài lần đến Công ty Vĩnh Thịnh nghe tư vấn, chị Tư và các con đã lần lượt chuyển khoản và đóng trực tiếp tiền cho công ty này với tổng số tiền là 270 triệu đồng. Số tiền nêu trên được nhân viên Công ty Vĩnh Thịnh lý giải là để đặt cọc tiền visa E8 (visa Hàn Quốc có giá trị 5 tháng, được gia hạn và nhập cảnh nhiều lần).

Theo giấy ủy quyền cá nhân giữa con gái chị Tư và đại diện Công ty Vĩnh Thịnh, thì thời hạn ủy quyền là 10 tháng. Sau thời gian đó mà người lao động chưa xuất cảnh được thì phía công ty sẽ thanh quyết toán các nghĩa vụ tài chính với người lao động. Tuy nhiên, quá 10 tháng, con chị Tư vẫn chưa thể xuất cảnh, một phần vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Gia đình chị Tư muốn lấy lại tiền, nhưng nhiều lần liên lạc phía Công ty Vĩnh Thịnh đều khất lần. Sau đó từ nhân viên đến lãnh đạo công ty đều lẩn trốn, không nghe điện thoại, không gặp mặt và đến nay gia đình chị Tư không thể tìm được bất kỳ thành viên nào của Công ty Vĩnh Thịnh để đòi số tiền đã nộp.

Cầm trên tay sấp hồ sơ giấy tờ, đơn trình báo mà gia đình chị đã làm suốt thời gian qua, chị Tư ngậm ngùi nói: “Tôi đã làm đơn trình báo gửi các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề này để kêu cứu và giúp gia đình chúng tôi, nhưng chỗ này lại nói chỗ kia mới xử lý được, chỗ kia lại đẩy “quả bóng” sang chỗ khác... Cho đến nay, gia đình tôi vẫn chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào trả lời thỏa đáng và xử lý giúp. Giờ số tiền vay nợ cả gốc lẫn lãi đã vượt quá khả năng chi trả của gia đình tôi, bởi tôi đã phải vay lãi và cầm 2 sổ đỏ (một sổ đất ở và một sổ đất ruộng), khiến tôi thực sự bế tắc”.

Cùng hoàn cảnh với chị Tư là anh Nguyễn Văn Chiến, ở xóm Bắc Trung, xã Nga Thành, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Anh Chiến cũng có nhu cầu đi xuất khẩu lao động và đã tìm hiểu thông tin trên mạng có đăng tuyển lao động làm việc tại Cộng hòa Czech của Công ty Vĩnh Thịnh. Anh Chiến lần lượt đặt cọc từ 10 triệu đồng, rồi 70 triệu đồng và được yêu cầu mở một tài khoản tín dụng visa với điều kiện trong tài khoản phải có từ 130 triệu đồng đến 150 triệu đồng để giao dịch ảo nhằm thuận tiện cho việc xin visa.

Tuy nhiên, 1 tháng sau khi làm thẻ, ngân hàng thông báo thẻ tín dụng của anh Chiến đã bị mang đi rút để mua sắm hết 100 triệu đồng và yêu cầu anh thanh toán số dư quá hạn là hơn 104 triệu đồng.

Sau 10 tháng, anh Chiến vẫn chưa được xuất cảnh, cho nên làm đơn xin rút hồ sơ và đòi lại tổng số tiền là 210 triệu đồng, nhưng phía Công ty Vĩnh Thịnh khất lần và không giải quyết cho anh, cũng không chịu gặp. Anh Chiến không thể liên lạc với bất kỳ người đại diện nào và lãnh đạo Công ty Vĩnh Thịnh.

‘Miền đất hứa’ không như là mơ

Cũng theo trào lưu đi xuất khẩu lao động, anh Hoàng Xuân Lợi, 35 tuổi, người Mê Linh (Hà Nội), kể lại, 6 năm trước, khi vợ mới sinh con được 3 tháng, gia đình khó khăn, loay hoay với đủ thứ việc, nghề nghiệp, bằng cấp không có, cố gắng mãi thi đi, thi lại mấy năm mới có được cái bằng tốt nghiệp THPT.

Trong lúc đang chán nản, được bạn bè rỉ tai về một “miền đất hứa”, Lợi đã thuyết phục gia đình bằng mọi cách, “cắm” sổ đỏ vay ngân hàng cho anh đi Đài Loan (Trung Quốc) với số tiền 6.500 USD (thời điểm đó năm 2015 là khoảng 140 triệu đồng). 

Trước khi đi, anh Lợi phải học ngoại ngữ tập trung ở Xuân Mai (Hà Nội) 6 tháng. Sang đó anh mới biết công việc của anh là làm nhuộm da cho một công ty gia đình có 4 người, anh là lao động nước ngoài duy nhất. Lương mỗi tháng trừ hết tiền thuế và các chi phí bắt buộc cũng còn lại khoảng 12 triệu đồng, chưa kể tiền làm thêm giờ. Theo anh, vì có số thu nhập như vậy nên mặc dù làm việc xa nhà, rất vất vả nhưng đối với anh và những người lao động nông thôn nghèo, nhất là người ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hải Dương, nơi có số người lao động đi nhiều nhất, lại là một giấc mơ đổi đời.

Thời gian cho mỗi đợt đi lao động thời điểm đó quy định là 3 năm, nhưng mới hết năm thứ nhất thì chỗ anh làm hết việc. Lợi đề nghị công ty tiếp nhận lao động bên Đài Loan (Trung Quốc) chuyển anh sang chủ lao động khác để làm việc, nhưng không được đồng ý. Họ cho anh 2 lựa chọn, hoặc ở lại không lương chờ có việc làm tiếp, hoặc về Việt Nam. Với suy tính và lo lắng với số tiền bỏ ra ban đầu để được sang đây, bố mẹ già cùng vợ và con nhỏ ở nhà trông đợi vào số tiền anh gửi về để trả nợ và sinh sống, anh Lợi đã liều mình bỏ trốn ra ngoài làm tự do.

Lúc này, anh Lợi mới biết rất nhiều lao động người Việt Nam sang Đài Loan (Trung Quốc) gặp phải công ty tiếp nhận lao động thiếu trách nhiệm, nên họ cũng trốn ra ngoài tìm việc như mình. Sau khi trốn ra ngoài, anh Lợi trải qua khá nhiều công việc như phụ nề, nông nghiệp, bắt hàu ở biển…

Việc gì cũng làm, cứ có tiền là làm, ai giới thiệu cũng làm, nhưng công việc không ổn định bởi là một lao động bất hợp pháp, cứ mỗi lần công an sở tại đến kiểm tra là phải trốn. Được khoảng hơn một năm nữa, thấy cuộc sống cứ phải trốn chui trốn lủi của một lao động bất hợp pháp quá khổ, lúc nào cũng sợ bị công an phát hiện, hơn nữa cũng đã dành dụm được một số tiền, nên anh Lợi đã ra đầu thú và được cho về nước.

Gánh nặng nợ nần vì nghe theo ‘bánh vẽ’

Câu chuyện của chàng sinh viên cao đẳng chuyên ngành cơ khí công nghiệp Nguyễn Tiến Hảo, 32 tuổi, người Cẩm Giàng, Hải Dương còn éo le hơn. Sau khi cầm tấm bằng trong tay, Hảo cũng xin việc ở khắp nơi, nhà lại nghèo, những công việc anh đã làm qua không đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày. Mang hoài bão kiếm được nhiều tiền hơn, Hảo cũng lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động. Nghe theo “bánh vẽ” của một người trong làng, Hảo và gia đình lo chạy vạy, cầm cố nhà, vay mượn được 7.500 USD ứng trước trên tổng số tiền 9.500 USD để đi lao động ở Nhật Bản.

Hảo được đưa ra Hà Nội học tiếng Nhật, nhưng học xong khoảng 5 tháng thì “người làng” thông báo không có chỉ tiêu đi Nhật Bản, chuyển sang làm thủ tục hồ sơ đi Hàn Quốc.

Hảo cho biết, lúc đó có khoảng 20 người được tuyển chọn, trong đó cùng làng với Hảo có 3 người nữa. Trước ngày lên đường, Hảo cũng như các bạn về quê liên hoan chia tay gia đình, bạn bè và người thân, lưu luyến có, bịn rịn có, nhưng ngày lên đường ra sân bay Nội Bài, khi ô tô đưa đoàn đi được nửa đường thì xe quay đầu lại, người dẫn đoàn thông báo phía bên Hàn Quốc có vấn đề trục trặc, mọi người tạm thời ở lại công ty chờ giải quyết xong. Chờ mãi, chờ mãi, ngày này qua ngày khác, tuần này sang tuần khác, mọi người chán nản bỏ về quê để tiếp tục chờ, rồi từ đó bặt hẳn, gọi điện cho công ty không liên lạc được, nhiều người mất trắng số tiền, trong đó có Hảo, bởi đa số họ đều không làm việc trực tiếp với công ty lao động, đều qua người môi giới trung gian.

Chàng trai trầm ngâm một lúc rồi kể, không chấp nhận mất đi số tiền với gánh nợ trên vai, Hảo lại tiếp tục vay mượn để có 6.000USD đi lao động Đài Loan (Trung Quốc), lần này chưa đến 20 ngày, Hảo đã sang đến “miền đất hứa”. Hảo được đưa đến làm việc tại một công ty cơ khí, đứng máy cắt CNC đúng với chuyên ngành anh học. Công việc đơn giản, nhưng như Hảo nói “đời không như là mơ”, anh cho biết ngày nào anh cũng phải làm việc tăng ca đến 10h tối, về chỗ trọ tập thể thì buồng tắm có 2 cái cho một khu 20 người cả nam và nữ, hằng ngày chỉ chờ đợi đến lượt mình tắm xong thì cũng nửa đêm. Đặt lưng chưa được mấy tiếng thì 7h đã phải đi làm.

Mặc dù sang được một năm, nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con không lúc nào nguôi. Công việc thì đằng đẵng không có thời gian nghỉ ngơi, Hảo quyết định bỏ trốn ra ngoài. Ban đầu định bỏ trốn để về Việt Nam, nhưng một số bạn bè của Hảo bên đó biết chuyện rủ Hảo ở lại cố làm thêm một thời gian để “gỡ gạc”. Nghe bùi tai Hảo ở lại. Giống như Hoàng Xuân Lợi, Hảo phải trốn công an, làm việc chui cho các cơ sở sản xuất, mỗi lần công an đến kiểm tra lại bỏ đi sang nơi khác tìm việc lao động phổ thông mà người bản địa không làm.

Khi được hỏi sao làm được chưa đến 2 năm đã về rồi, Hảo cho biết, một phần vì nhớ nhà, một phần vì thu nhập cũng đủ trang trải nợ nần, dành dụm để ra được chút ít, một phần nữa là không muốn cuộc sống chui lủi, nên Hảo cũng ra công an đầu thú và một tháng sau thì về nước.

Những trường hợp trên cho thấy, người lao động vì quá mong muốn được xuất khẩu lao động, để kiếm thêm tiền gửi về cho gia đình và tích lũy cho cuộc sống sau này cho nên đã vội vàng không thông qua các công ty, doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực đưa người đi xuất khẩu lao động đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp giấy phép, mà đi theo các con đường bất hợp pháp, bởi họ thiếu kiến thức, thiếu thông tin liên quan đến các quy định về xuất khẩu lao động.

Vì trót nghe những lời tư vấn, lời hứa ngọt ngào, những thông tin hấp dẫn mời chào sang làm việc tại các nước phát triển sẽ có mức lương cao, cuộc sống ổn định, đầy đủ điều kiện về vật chất từ nơi ở đến nơi làm việc, nên họ không ngần ngại gom góp, chạy vạy khắp nơi, thậm chí cầm cố các tài sản lớn như nhà đất để nộp tiền cho các công ty “ma” về xuất khẩu lao động.

Liên Nguyên Sơn

(Còn nữa)