Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Đà Nẵng 2022, chiều 9/12 đã diễn ra Hội thảo "Phát triển du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp".
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 3260km và sở hữu hơn 3000 hòn đảo lớn, nhỏ, có khoảng 125 bãi biển, nhiều bờ cát trắng và vịnh biển hoang sơ. Với tiềm năng và lợi thế như vậy, du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW của BCH Trung ương ngày 22/12/2018 về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045".
Đồng thời, du lịch biển đảo được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Điều này đã được khẳng định trong Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Thời gian vừa qua, các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa.
Chỉ tính riêng năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước. Có thể thấy rằng, du lịch biển phát triển đã có phần đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, cũng như của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển
"Tuy nhiên việc khai thác du lịch biển, đảo chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, các hoạt động du lịch biển, đảo vẫn còn tồn tại những hạn chế như việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ; các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều; những bất cập về môi trường, về quy hoạch; vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới thông qua việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng, khác biệt và hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá…", Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đánh giá.
Đồng quan điểm, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, tài nguyên du lịch biển đảo của Việt Nam nói chung và của các tỉnh miền Trung nói riêng được đánh giá là đa dạng và phong phú. Nguồn lực tự nhiên này có thể phát triển trở thành điểm đến du lịch biển, đảo đẳng cấp hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên đến nay, Việt Nam chưa có đội tàu du lịch biển nào, cơ sở hạ tầng như các cảng tàu du lịch còn rất thiếu thốn. Do vậy, phát triển du lịch biển đảo nói chung và phát triển du lịch tàu biển nói riêng ở Việt Nam trở thành một nhu cầu cấp bách.
Thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, thời gian tới cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch. Vấn đề phát triển như thế nào cũng cần được chú trọng, phân kỳ, không phát triển ồ ạt, đồng thời để phù hợp với sức phát triển của thị trường, dành dư địa cho những định hướng, ý tưởng mới trong tương lai.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp. Đặc biệt chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn tôn tạo tài nguyên; xác định cộng đồng, người dân địa phương chính là những chủ thể quan trọng trong phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch biển với bảo tồn, tôn tạo văn hóa bản địa.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Để phát triển du lịch và dịch vụ biển đảo, trong thời gian tới cần phải thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết các kỳ Đại hội đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Chiến lược phát triển du lịch.
Kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ giải pháp của các Nghị quyết đảm bảo khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển.
Xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểm khoa học; chú trọng công tác giáo dục, y tế biển….
Ngành du lịch cần phối hợp với các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí, đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ khách quốc tế.
Đối với các địa phương, cần hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các vùng biển, đảo và lập kế hoạch phát triển từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của địa phương và quốc gia, theo hướng tăng trưởng xanh.
"Trước mắt tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, một số địa phương nghiên cứu đầu tư cầu cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt đảm bảo theo quy hoạch tổng thể; đô thị hóa vùng ven biển và hải đảo; đầu tư phát triển khoa học và công nghệ biển gắn phát triển du lịch biển, ưu tiên lĩnh vực hải dương học..." TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nêu ý kiến.
Lưu Hương