Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Những thảm họa đau lòng xuất phát từ đám đông mất kiểm soát
Trên thế giới, đã có nhiều thảm họa tương tự những gì xảy ra ở Itaewon.
Tối ngày 1/10, trong một trận bóng đá ở Indonesia, do đội chủ nhà bị thua sau 23 năm bất bại trên sân nhà, khán giả đã tràn vào sân yêu cầu ban huấn luyện giải thích lí do. Lúc này, cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán khiến đám đông mất kiểm soát và việc giẫm đạp, xô đẩy xảy ra khiến 131 người chết. Kết quả pháp y cho thấy họ chủ yếu chết ngạt vì thiếu oxy.
Tại Saudi Arabia, thảm hoạ kinh hoàng xảy ra ở Thánh địa Mecca vào năm 1990, khiến 1.426 người hành hương chết vì ngạt thở.
Vào ngày 24/9/2015, lịch sử lặp lại với những người hành hương ở khu vực Mina, cách thánh địa Mecca 5 km về phía đông, làm chết 1.399 người.
Vào tháng 8/2005, ít nhất 1.005 người đã thiệt mạng trong một vụ giẫm đạp trên một cây cầu của người Hồi giáo dòng Shiite, sau khi có tin đồn về một vụ tấn công liều chết ở thủ đô Baghdad của Iraq.
Ngày 22/11/2010, ngày cuối cùng trong 3 ngày lễ hội té nước truyền thống của Campuchia, khoảng 3 triệu người từ khắp nơi đổ về Phnom Penh để xem cuộc đua thuyền rồng tổ chức trên sông Tonle Sap trước Cung điện Hoàng gia và những nơi như Đảo Kim Cương ở Phnom Penh. Do quá đông khách du lịch, một cây cầu trên Đảo Kim Cương bị rung lắc khiến người dân hoảng loạn, hậu quả, 456 người thiệt mạng.
Nguyên nhân chết chủ yếu là ngạt thở
Dẫn chứng các thảm họa đau lòng đã xảy ra trên thế giới trong những năm gần đây, bác sĩ Trần Văn Phúc cho biết theo một nghiên cứu về vụ việc 37 người chết trên cây cầu ở Trung Quốc, trong đó có 28 trong số 37 người chết là nữ giới, kết quả giám định pháp y cho thấy tất cả nạn nhân đều bị ngạt cơ học, tức là có sự chèn ép khiến họ không thể thở nổi. Chấn thương xương rất hiếm, chỉ có 1 người bị gãy nhiều xương sườn, 1 người gãy xương hàm dưới. Tổn thương phần mềm tập trung nhiều ở các vùng theo thứ tự: Đầu, tay chân, ngực, bụng, thắt lưng. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, sở dĩ trẻ em và phụ nữ chết nhiều nhất, vì thể trạng mỏng manh yếu ớt. Trẻ em và phụ nữ có sự liên quan đến chiều cao cơ thể, càng thấp lùn càng dễ bị chết.
Trong cuốn sách khoa học nổi tiếng "And Then You're Dead", nhà báo thể thao Cody Cassidy cùng với TS. Vật lí trạng thái rắn của MIT Paul Doherty, đề cập rằng đám đông giẫm đạp nhau gây nguy hiểm chết người không phải vì đám đông đang chạy mà vì đám đông hoàn toàn không thể di chuyển được.
Theo hai tác giả, cho dù là tất cả mọi người trong đám đông đều không đẩy với lực tối đa, mỗi người chỉ đẩy khoảng 5-10 kg, nhưng hàng nghìn người cùng nhau đẩy, lực này nhất định sẽ gây ép cơ hoành, dẫn tới ngạt thở. Cuốn sách dẫn chứng một vụ giẫm đạp, các nhà điều tra phát hiện ra rằng, một hàng rào thép có thể chịu được áp lực tới 500 kg, vậy mà những thanh thép vẫn bị uốn cong.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, con người muốn thở được thì phải có sự tham gia của cơ hoành, rồi đến cơ liên sườn. Khi đám đông ép chặt lồng ngực và bụng, thì lồng ngực không thể mở ra, cơ hoành không thể di động, dẫn tới không thở được và tử vong.
Những nhân chứng trong vụ Itaewon kể lại, họ đều bị dồn nén không sao thở được và nhìn thấy cái chết đến nơi. Lí do mọi người chết trong một đám đông chen chúc không phải do giẫm đạp mà do ngạt thở, theo nguyên lí mà Cassidy và Doherty đề cập, thì chỉ cần 5 người tiến về phía trước cũng đủ lực để làm xẹp phổi của một người đàn ông trưởng thành.
Hãy tránh xa "những đám đông nguy hiểm"
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, một đám đông gọi là nguy hiểm khi có bất kì dấu hiệu nào sau đây, nên cần phải tránh xa hoặc thoát ra ngay lập tức nếu không muốn bị mất mạng. Đó là không có sự tổ chức; nhiều hơn 4 người trên 1 m2; cảm thấy có những người khác ép vào mình.
Khi bước vào một đám đông, điều quan trọng là phải quan sát lối thoát, đánh giá sự an toàn. Trường hợp đang ở trong đám đông nguy hiểm, thì cần phải nắm được một số nguyên tắc căn bản, để bảo vệ bản thân mình an toàn. Đó là không di chuyển ngược chiều đám đông bởi rất dễ bị xô ngã xuống đất, khi đó sẽ bị giẫm đạp và có thể bị chấn thương nguy hiểm.
Ngoài ra, luôn giữ cho đôi chân của mình thật vững. Thấy đám đông nguy hiểm, thì dù có bị tuột giày dép, cũng không được nhấc một chân lên hoặc cúi xuống để buộc dây, vì làm như vậy sẽ bị xô ngã. Khi đám đông tiến về phía mình thì phải tránh xa. Nhưng không được chạy, vì chạy dễ bị vấp ngã.
Theo bác sĩ Phúc, việc di chuyển trong đám đông nguy hiểm cần giảm lực tác động. Cụ thể, có trên 2 người di chuyển ngược hướng áp sát mình, thì ngay lập tức xoay ngang người, đưa tay phía trước ép ngang ngực vuông góc, căn chỉnh khuỷu tay hướng phía trước. Làm như vậy sẽ giúp giảm diện tích tiếp xúc cơ thể, khuỷu tay giữ khoảng cách giữa mọi người và phân tán tác động của dòng người sang hai bên, chống lại lực đẩy của đám đông, bảo vệ khoang ngực, giảm áp lực, giảm căng thẳng bề mặt cơ thể, tránh bị xô ngã một cách hiệu quả.
Một trong những điều cần làm khi ở trong đám đông nguy hiểm, theo bác sĩ Phúc, đó là tạo khung xương khi bị xô ngã mà không đứng dậy được. Các nghiên cứu cho thấy những trường hợp tử vong rất hiếm khi bị gãy xương sườn và xương khác.
Điều này có nghĩa rằng cơ thể con người có khung xương khá chắc, khi bị ngã cần biết cách bảo vệ bản thân khi bị đám đông giẫm đạp.
Cụ thể, ngay sau khi ngã không thể đứng dậy được, cần nhanh chóng thu mình lại giống như thai nhi trong bụng mẹ, xoay người nằm nghiêng, hai tay ôm lấy đầu, đùi gấp vào bụng ngực, hai cẳng chân áp sát vào đùi. Lưu ý, khuỷu tay và đầu gối chạm nhau, tạo thành một tam giác để có không khí thở, đồng thời tam giác cơ thể cũng tạo nên sự vững chắc bảo vệ nội tạng. Nếu ở sát tường là tốt nhất, nhưng trong tình huống đó thì thay vì nằm nghiêng hãy quỳ phủ phục sẽ an toàn hơn vì có nhiều hơn các tam giác khung xương bảo vệ bản thân. Trường hợp không quỳ được thì giữ tư thế nằm nghiêng nhưng quay mặt vào tường.
Minh Anh