Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông qua Đại hội Đảng bộ Bộ NN&PTNT lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ đã nhận được 60 bản góp ý của các đảng bộ, chi bộ trực thuộc (đại diện cho gần 4.000 đảng viên) và 60 bản góp ý của các đoàn đại biểu vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng.
Nêu rõ hơn các đánh giá và mục tiêu tổng quát
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng, đa số ý kiến cho rằng Báo cáo đã đánh giá đúng, khách quan kết quả thực hiện Nghị quyết của Đại hội XI và những thành tựu mà đất nước ta đạt được qua 30 năm đổi mới.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nên có so sánh cụ thể kết quả đạt được so với các chỉ tiêu chính đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, nên bổ sung các số liệu cho mỗi thành quả đạt được trong giai đoạn 5 năm qua để minh chứng.
Có ý kiến cho rằng về nhận định “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi” (dòng 17 từ trên xuống, trang 6) nên sửa theo hướng “đã được ngăn chặn nhưng mức độ, sự tinh vi ngày càng phức tạp”.
Nhiều ý kiến cho rằng, Báo cáo cần bổ sung làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn kém hiệu quả như: Khâu tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân còn chậm, chưa chú trọng vào lĩnh vực công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ chế tạo phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn, vì vậy giá trị nông sản thấp, đời sống nông dân, nông thôn còn nhiều khó khăn; chưa có nhiều chính sách thu hút và phát huy được tiềm năng về trí thức, về khoa học kĩ thuật, công nghệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016-2020), bên cạnh các ý kiến thống nhất với dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm tới và mục tiêu tổng quát thì cũng có ý kiến cho rằng: Về tình hình thế giới cần bổ sung dự báo về “chạy đua vũ trang” trên thế giới và trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để có đối sách hợp lý, vì việc này đang có xu hướng gia tăng, có nguy cơ làm mất ổn định trật tự khu vực và thế giới, đe dọa đến an ninh quốc gia và ảnh hưởng tới phát triển kinh tế.
Cùng với đó, nên bổ sung vấn đề “An ninh lương thực và an toàn thực phẩm” trong nội dung “Dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm sắp tới”.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nhận định nước ta đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” vào dự thảo Báo cáo và coi đó là một lợi thế để phát huy, đồng thời cần đề cập tới giải pháp có tính chiến lược đối với việc khắc phục tình trạng dân số già giai đoạn 20 năm tới.
Góp ý về đổi mới mô hình tăng trưởng
Trong định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có cơ cấu lại nền nông nghiệp và các nội dung để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà việc quan trọng và cần làm ngay là xác định được các tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “phát triển bền vững” (trang 21, dòng thứ 3 từ dưới lên) trong nội dung “cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững” để phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được phê duyệt.
Về đẩy mạnh CNH, HĐH, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có ý kiến đề nghị bổ sung định hướng xây dựng chính sách thu hút nhân tài, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các nhà khoa học, nhà kinh tế giỏi, công nhân lành nghề.
Cùng với đó, cần thiết bổ sung nội dung “Ứng dụng các biện pháp đảm bảo chất lượng tiên tiến vào sản xuất, quản lý nông nghiệp” trong nội dung “Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” (trang 23) để phù hợp hơn với thực tiễn hội nhập kinh tế.
Tại mục 2, trang 23 nên sửa đoạn về nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành “cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện quy hoạch và quản lý chặt chẽ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, gắn với thị trường”; trong phần phát triển kinh tế biển (trang 25), ngoài đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá cần chú trọng chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Về hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các đảng viên tại Bộ NN&PTNT đề nghị CNH, HĐH gắn với bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên một cách hợp lý, hiệu quả nhằm đảm bảo yếu tố bền vững (dòng 12 từ trên xuống, trang 30).
Với nội dung trang 31, dòng thứ 1 từ dưới lên, nên bỏ cụm từ“kinh tế hợp tác xã”, bởi vì kinh tế hợp tác xã không phải là thành phần kinh tế và viết lại đoạn này như sau: “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác;… Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển các hợp tác xã, trên cơ sở phát triển và phát huy của kinh tế hộ”. Mặt khác trong dự thảo Báo cáo nên thống nhất sử dụng cụm từ “kinh tế hợp tác”.
Đỗ Hương