• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Làm sao để được mùa nhưng không mất giá

(Chinhphu.vn) - Trong phần đầu phiên trả lời chất vấn sáng nay (13/6), các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy tiêu thụ, hiện đại hóa nông nghiệp.

13/06/2013 17:09

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản là mục tiêu quan trọng của quá trình hiện đại hóa nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để đạt được mục tiêu này, trước hết cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất, tập trung vào những mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời phải tiếp sức nông dân thông qua tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là giống, xây dựng cơ sơ hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, khuyến khích phát triển công nghệ bảo quản, chế biến đem lại giá trị gia tăng cao. Tổ chức lại sản xuất để hình thành các chuỗi kết nối người sản xuất với thị trường trong và ngoài nước.

Để hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho quá trình cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/2011 sửa đổi, bổ sung những chính sách có liên quan. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ liên quan tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh chính sách có hiệu quả hơn.

Hình thành chuỗi sản xuất

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn về việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa nông sản Việt Nam, qua đó giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, thực tế trên thế giới, hiếm trường hợp mà Nhà nước đứng ra để xây dựng thương hiệu, gọi là thương hiệu quốc gia, mà thường là hậu thuẫn cho các doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu. Theo Bộ trưởng, xây dựng thương hiệu thực chất là duy trì chất lượng cao, ổn định của những mặt hàng mà doanh nghiệp đưa ra.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ý thức được vấn đề này nên đang nỗ lực chỉ đạo các viện nghiên cứu chọn đưa ra những giống có năng suất, chất lượng cao ổn định, phối hợp với các địa phương hướng dẫn tổ chức nông dân sản xuất hàng loạt để doanh nghiệp có thể có nguồn nguyên liệu với chất lượng cao ổn định nhằm xây dựng thương hiệu”, Bộ trưởng nói.

Mặt khác, theo Bộ trưởng cần phải tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghệ bảo quản, cũng như công nghệ chế  biến, tăng cường năng lực thị trường, đặc biệt là năng lực xâm nhập và phát triển thị trường xuất khẩu để có thể bán nông sản ra  thị trường thế giới với giá cao và ổn định hơn.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết, người nông dân rất vui mừng phấn khởi trước chủ trương của Thủ tướng là làm sao đảm bảo người nông dân có lãi tối thiểu là 30%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để đạt được mục tiêu đó.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng các bộ, ngành thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tìm mọi giải pháp để khắc phục tình hình trước mắt cũng như suy nghĩ, đề xuất những giải pháp căn cơ lâu dài.

“Trước hết, chúng tôi hướng dẫn bà con nông dân tập trung vào sản xuất những cây trồng, vật nuôi có thị trường. Chỉ khi làm đúng theo yêu cầu của thị trường, có thị trường thì sản phẩm làm ra mới không bị ế, còn khi chúng ta làm quá yêu cầu thị trường và khả năng tiêu thụ thì chắc chắn giá sẽ thấp”, Bộ trưởng nói.

Mặt khác, làm sao để người nông dân không bị ép giá, cách tốt nhất mà ngành nông nghiệp theo đuổi là tạo ra môi trường cạnh tranh, không để cho một tổ chức hoặc một nhóm các đơn vị  có thể có ưu thế trên thị trường, từ đó ép giá nông dân và khống chế giá trên thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích và hỗ trợ nông dân hình thành hợp tác xã, các tổ liên kết, thông qua đó hình thành chuỗi sản xuất, tạo ra vị thế mạnh hơn cho nông dân trên thị trường.

Nông thôn mới không chỉ làm hạ tầng

Việc triển khai xây dựng nông thôn mới cũng được các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Nhiệm vụ tới năm 2015 đặt ra là có 20% số xã đạt cả 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tương đương 1.815 xã. Tuy nhiên, không chỉ một số xã này mà các xã khác cũng phải có số tiêu chí đạt ở mức cao hơn. Với nỗ lực to lớn của cả Trung ương, địa phương, Nhà nước và nhân dân, đến hết năm 2012 đã có gần 200 xã đạt 19 tiêu chí, bình quân toàn quốc đã đạt 6,41 tiêu chí, tăng 1,13 tiêu chí so với năm 2011.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, có 3 biện pháp cần tập trung xây dựng nông thôn mới là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân; hoàn thành quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới và lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ hộ nông dân, thôn, xóm và các xã thực hiện các nội dung ưu tiên như phát triển sản xuất, thực hiện các tiêu chí không phải là về cơ sở hạ tầng.

“Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình”, Bộ trưởng nói.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nêu thực tế, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các ngành, địa phương đang quá tập trung vào việc thực hiện các chỉ tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức đến việc giúp người dân thay đổi phương thức, tập quán sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đây mới thực sự là vấn đề bản chất giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới thành công.

“Bộ trưởng đánh giá thế nào về nhận xét này. Với cương vị là Thường trực Chương trình, Bộ trưởng thấy tới đây cần chỉ đạo và có những giải pháp gì để xây dựng nông thôn mới thành công, có hiệu quả và đặc biệt tiết kiệm được nguồn lực trong tình hình khó khăn hiện nay?” Đại biểu Trần Văn Minh chất vấn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận có tình trạng quá tập trung vào cơ sở hạ tầng như đại biểu nêu.

“Giải pháp cho tình trạng này, chúng tôi đã đề nghị các địa phương phải khẩn trương thực hiện việc xây dựng quy hoạch về sản xuất của từng xã một, với tinh thần mỗi xã rà soát để lựa chọn ra 1 đến 3 sản phẩm chủ lực là lợi thế của địa phương mình. Chúng tôi đã nói rõ thế nào là lợi thế, đó là nuôi trồng ở địa phương mình năng suất cao hơn và giá rẻ hơn so với địa phương khác, sản phẩm phải biết rõ thị trường thì mới hướng dẫn nông dân sản xuất, có tiến bộ kỹ thuật để giúp cho nông dân sản xuất hiệu quả cao, tập trung nỗ lực vào làm thật tốt những sản phẩm được lựa chọn”, Bộ trưởng nêu giải pháp.

Bộ trưởng cho biết, tỉnh Quảng Ninh triển khai khá hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm. Theo đó, sau khi đã lựa chọn rồi thì cách làm là tập hợp cán bộ khoa học kỹ thuật hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình, vận dụng chương trình đào tạo nghề cho nông dân để hướng dẫn và đào tạo nông dân, hỗ trợ về vật tư cũng như tín dụng để nông dân có thể áp dụng kỹ thuật mới trên diện rộng.

Kết luận phần chất vấn, trả lời chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các vị đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi một cách ngắn gọn, rõ ràng, đi đúng vào trọng tâm vấn đề, liên quan rất sâu rộng tới đời sống của ngành nông nghiệp và người nông dân, nông thôn.

Bộ trưởng cũng đã lần lượt trả lời tất cả các câu hỏi  đặt ra rất cụ thể, thấu đáo từng câu hỏi, cùng với trả lời của các vị Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng đã rõ thêm tình hình.

“Có thể nói những câu trả lời của Bộ trưởng và kèm theo một số lời hứa tổ chức, chỉ đạo thực hiện với cương vị là Bộ trưởng, nếu làm được tốt thì chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy cho phát triển nông nghiệp, đời sống nông dân và mặt trận nông thôn trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Tổng hợp phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng đã trả lời được 28 lượt ý kiến chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Còn 13 đại biểu muốn đặt câu hỏi chất vấn. Trước đó, Bộ trưởng đã trả lời 21 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội gửi trước phiên họp.

Trong phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thống đốc ngân hàng Nhà nước báo cáo giải trình, bổ sung và trả lời chất vấn thêm.

Xuân Tuyến