Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Làm giấy dó ở Yên Thái ngày xưa - Ảnh tư liệu |
Phường Yên Thái hay làng Bưởi ở cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội nổi tiếng với nghề làm giấy dó. Với các làng như: Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, người thợ Yên Thái làm ra rất nhiều loại giấy: giấy sắc - để viết sắc của vua ban, giấy lệnh - để viết các lệnh chỉ của vua, giấy để viết chữ nho, in kinh Phật, in tranh khắc gỗ, làm vàng mã, làm quạt...
Sau nhiều năm đứng trước nguy cơ mai một, làng nghề làm giấy dó độc đáo này đang có những tín hiệu phục hồi.
Bảo bối của gia tộc
Ở phường Yên Thái, duy nhất nhà ông Nguyễn Thế Đoán có thể làm giấy dó lụa. Từ xưa, chỉ có dòng họ Nguyễn Thế làm được loại giấy này. Đến nhà ông Đoán vào một buổi chiều muộn, người đàn ông 75 tuổi - một trong những người thợ seo giấy giỏi nhất làng Đông Xã - từ tốn rót nước mời khách, bàn tay người già không nhăn nheo mà rắn rỏi.
Ông bắt đầu ngay câu chuyện làm nghề của dòng họ, với lời căn dặn của các bậc tiền bối: “Cả vùng Bưởi chỉ có dòng họ nhà ta làm giấy này. Một tháng các con chỉ cần làm 5 ngày vất vả, seo được 2 vạn tờ giấy thôi, gia đình nhà mình đã sống sung túc rồi”.
Thời gian đó, trong số 3 chi của dòng họ, chỉ còn ông Đoán là con trai, người duy nhất được truyền bí kíp làm nghề. Ông Đoán nhớ lại: Ông nội tôi căn dặn rằng: “Ông dạy cho con hết, sau này con nhớ giữ lấy đừng quên”.
Vào thời điểm hiện nay, mong muốn khôi phục lại nghề truyền thống gia đình của ông Đoán lại không phải vì lý do kiếm sống nữa. Ông khoe, trong gia đình, các con trai, con dâu hiện đều có công việc ổn định, bản thân ông cũng có công việc thu nhập đủ sống.
Ông Nguyễn Thế Đoán bên cuốn sách mà ông coi là bảo bối của gia tộc. |
Ông ra phía bàn thờ tổ tiên, cẩn thận mở một gói giấy đã ngả màu vàng theo thời gian. Rất trân trọng, ông đưa cho chúng tôi xem một cuốn sách mà theo ông, là bảo bối của gia tộc. Đó là cuốn “Lời kêu gọi và Ðiếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam” mà gia đình ông vinh dự được Trung ương Đảng giao thực hiện sau khi Bác Hồ mất.
Bìa của cuốn sách là giấy dó được bóc kép 6 lần, còn giấy ruột được bóc kép 4 lần. Từng trang giấy vẫn vẹn nguyên, không nhuốm màu thời gian, trừ có trang bìa do nhà in làm vỏ hến giả cổ nên đã bị bong tróc.
Cầm cuốn sách trên tay, chúng tôi cảm nhận rõ, sản phẩm mà gia đình ông Đoán làm ra quả là loại giấy rất đặc biệt. Giấy dó lụa vốn nổi tiếng với đặc tính mềm, mỏng, dai, bóng đẹp và mối thì không ăn được. Theo người trong nghề miêu tả thì giấy bền và đẹp không hề thua kém vải lụa tơ tằm, nên giấy mới có tên gọi như vậy.
Chày và cối đã sẵn sàng. |
Sẵn sàng trao bí quyết cho Nhà nước
Vào đầu năm nay, gia đình ông sẽ làm mẻ giấy đầu tiên, và nếu kết quả được như mong muốn, ông sẵn sàng truyền lại bí quyết cho Nhà nước. Vì theo ông, đó là vốn quý không chỉ riêng của gia đình ông mà của cả dân tộc.
Ông Đoán cho biết, hiện làng Đông Cao ở Bắc Ninh có làm giấy dó bán cho nhà chùa để in kinh sách, nhưng không được như xưa. Bột vỏ cây được xử lý bằng xút, bằng thuốc tẩy, vì thế, giấy không đẹp và cũng không thể để được lâu.
Ngoài việc lấy phước cho dòng họ, cho làng, cho đất nước, thông qua việc khôi phục nghề làm giấy, ông Đoán còn muốn công đức cho nhà Phật.
Ông lý giải: Theo cách truyền thống, tất cả các khâu đều thực hiện thủ công. Bắt đầu từ xử lý vỏ cây, nấu dó, đạp bìa, rào rửa, ngâm dầm, giã dó, lọc dó, seo giấy, phơi giấy.
Ông Đoán giới thiệu cho chúng tôi cơ ngơi của nghề giấy mà ông đã cất công sắm sửa từ 2 năm trước. Nhưng do bận việc làng, việc phường nên công việc khôi phục bị gián đoạn.
Những dụng cụ được ông bảo quản kỹ lưỡng dưới nhiều lớp vải bố, nilông. Ngoài cối giã, chúng tôi thấy có đủ cả bể seo giấy, liềm, khuôn seo, nong, sàng, sọt, giá… Trong bếp, mấy tạ vỏ một loại cây, cây cãnh, nằm sẵn sàng chờ ngày hóa giấy. Ngoài cãnh, có 5 loại vỏ cây khác cũng làm được giấy dó là: dó, mận, bo, mộc, dướng. Vì vậy, nguyên liệu làm giấy rất sẵn.
Đã có ý kiến của một nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng, với những bí kíp gia truyền và phẩm chất vốn có, giấy dó truyền thống dòng họ nhà Nguyễn Thế không chỉ là một loại giấy độc nhất vô nhị ở Việt Nam mà còn xứng đáng có được vị trí trong lịch sử ngành sản xuất giấy của thế giới. Việc phục hồi nghề làm giấy dó lụa sẽ góp phần làm sống lại một làng nghề truyền thống, một nét đẹp của Thủ đô, như trong câu ca dao xưa:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toà ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ...
Phương Hoa