Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Năm học 2022-2023 vừa mới bắt đầu, nhiều bậc phụ huynh "nín thở" chờ nhà trường công bố các khoản thu đầu năm. Đối với nhiều gia đình, đây là gánh nặng.
Bộ GD&ĐT từ cuối năm học 2021-2022 đã gửi văn bản tới các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học tới. Trong đó, nhấn mạnh: "Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học". Bộ cũng lưu ý về việc thực hiện vận động, sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định.
Từ đó, mỗi địa phương có những giải pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng lạm thu. Nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Trị, Tiền Giang… đã có những biện pháp cụ thể ngăn chặn nạn lạm thu đầu năm học.
Các địa phương này đã quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu-chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho khối trường công lập. Các trường chỉ được phép thu các khoản trong danh mục.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường khi thu tiền của người học phải trả chứng từ thu kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; tuyệt đối không giao nhiệm vụ cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền.
Sở GD&ĐT TPHCM cũng yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về quản lý thu, chi, tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.
Như vậy, dù ngành giáo dục và các địa phương đều có văn bản chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm trường học nào để xảy ra tình trạng lạm thu, tuy nhiên, soi chiếu vào thực tế, vẫn còn nhiều khoản thu xã hội hóa đang làm khổ các gia đình.
Ngày 30/8, nhiều phụ huynh có con học tại trường THPT Lê Chân (Hải Phòng) phản ánh việc nhà trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây trạm biến áp khoảng 1 tỷ đồng phục vụ trực tiếp cho giáo viên, học sinh.
Ngày 17/9, phụ huynh có con học tại trường THPT dân lập Văn Lang (Hà Nội) phản ánh việc nhà trường yêu cầu học sinh nộp 1,5 triệu đồng/tháng tiền học phí và thêm 4,5 triệu đồng/học kì cho các khoản thu như: Phí phát triển trường hàng kỳ (2,5 triệu đồng); quỹ phụ huynh trường (200.000 đồng); tiền điện, nước uống tinh khiết (300.000 đồng); quỹ phụ huynh lớp (1 triệu đồng)…
Phí phát triển trường hàng kỳ được chia nhỏ nhiều mục khác nhau bao gồm: Tiền hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường, hỗ trợ vệ sinh, an ninh khuôn viên trường "xanh-sạch-đẹp" (1,5 triệu đồng/học sinh/học kỳ); phí trông giữ xe học sinh phải nộp nếu đi xe máy là 500.000 đồng/em/học kỳ và 350.000 đồng/học sinh/học kỳ với xe đạp.
Tiếp đó, ngày 18/9, phụ huynh lớp 1 Trường Tiểu học Thạch Linh (phường Thạch Linh, Hà Tĩnh) phản ánh nhà trường thông báo mỗi học sinh phải đóng 1.680.000 đồng bao gồm tiền bàn ghế học sinh, giáo viên, bảng, tivi, tủ đựng tài liệu của giáo viên... Ngoài ra, mỗi em đóng 28.000 đồng/ngày tiền ăn bán trú và 200.000 đồng/tháng tiền phục vụ ăn bán trú. Tổng các khoản bao gồm quỹ lớp là 2 triệu đồng, trừ học sinh nhà nghèo đóng ít hơn.
Còn tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hơn 100 học sinh vào lớp 1 năm học 2022-2023 phải đóng gần 1 triệu đồng tiền đầu năm. Cụ thể, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm của lớp 1 thông báo tới phụ huynh nhà trường có kế hoạch mua 45 bộ bàn ghế, 3 cái bảng và những vật dụng này đều vận động đóng góp từ phụ huynh. Theo đó, mỗi em lớp 1 phải đóng 550.000 đồng mua bàn ghế, 173.000 đồng mua bảng, 250.000 đồng quỹ lớp và mua rèm cửa, tổng gần 1 triệu đồng.
Tại buổi họp phụ huynh đầu năm học, thay vì trao đổi về cách thức giáo dục, các vấn đề liên quan đến con trẻ thì chuyện thu tiền chiếm thời lượng không nhỏ. Trong tình huống đó, cả giáo viên và phụ huynh đều không có cảm giác thoải mái. Khi giáo viên "nói về tiền" cũng đã gây mất thiện cảm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo.
Trước đó, trong các cuộc họp với ban giám hiệu để triển khai kế hoạch họp phụ huynh, các giáo viên chủ nhiệm luôn được nhà trường thông báo về các khoản thu này như một hiệu lệnh.
Quả thật, không giáo viên nào muốn có các khoản thu "vô lý" trong nhà trường để họ phải đứng trước phụ huynh để nói về tiền, rồi sau đó phải "đòi nợ" từng phụ huynh.
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc lạm thu vừa được nêu đều dưới danh nghĩa xã hội hóa, ép phụ huynh tự nguyện qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường chỉ tiếp nhận tài trợ.
Theo quy định của Chính phủ và Bộ GD&ĐT, các khoản nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu của học sinh như: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường (Khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT).
Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được phép thu hai khoản: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác.
Theo GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện, bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục. Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp.
Nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân cho rằng tình trạng lạm thu gây mất uy tín lớn cho ngành giáo dục. Vì vậy, cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc, thậm chí xử lý hình sự để "làm gương". Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần phải đồng lòng phản ánh sai phạm lạm thu và yêu cầu nhà trường, giáo viên minh bạch, công khai các khoản thu, đóng góp tự nguyện sẽ được chi vào việc gì.
Cũng theo GS.TS Trần Hồng Quân, đầu tư cho giáo dục, cho con em có môi trường, điều kiện học tập tốt hơn là chính đáng nhưng Ban đại diện phụ huynh phải căn cứ vào tình hình chung của lớp để đưa ra mức thu đồng thuận. Nếu đề xuất mức thu quá cao hoặc cào bằng theo đầu người sẽ khó cho những gia đình khó khăn, có mức thu nhập trung bình..
Thực tế cho thấy, phụ huynh phản đối việc lạm thu của nhà trường là việc chính đáng để đảm bảo các khoản thu của nhà trường phải phục vụ trực tiếp nhu cầu học tập của học sinh, đồng thời, phải xét đến điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình.
Chính vì vậy, gần 23 triệu gia đình có con đang độ tuổi phổ thông đều mong muốn ngành giáo dục phải chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh. Tránh tình trạng áp đặt, gây hiểu lầm và phản ứng của phụ huynh học sinh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của ngành giáo dục.
Phương Liên