Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ly kem ngon tuyệt và hòn đảo diệu kỳ
Tôi biết đến Trường Sa từ khi còn là một cô bé chưa tròn 5 tuổi. Khi đó, cuối những năm 1980, bố tôi làm xây dựng và được cử ra Trường Sa tham gia xây dựng công trình trên đảo. Nghe người lớn nói, nơi bố tôi đến là một hòn đảo, mỗi khi thủy triều lên sẽ chìm trong biển nước mênh mông; khi triều xuống, hòn đảo lại hiện ra như một phép màu.
Với trí óc non nớt lúc đó, qua nét suy tư của mẹ và gương mặt nhiều tâm sự của bố, tôi mơ hồ hiểu rằng bố sẽ đi công tác rất lâu đến một nơi rất xa. Gần tới ngày lên đường, cơ quan bố tổ chức hẳn một bữa tiệc chia tay trên nhà hàng nổi sang trọng ở tỉnh thời bấy giờ. Gia đình của những người đi làm nhiệm vụ cũng được mời dự. Tôi rất thích vì được lên nhà hàng nổi, được thưởng thức món kem ly mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng thích mê.
Sau đó, vì nhiều lý do, đoàn công tác của bố không đi Trường Sa nữa. Nhưng từ đó, tôi đã biết đến Trường Sa và luôn ao ước được một lần đặt chân đến hòn đảo "diệu kỳ" này.
Trường Sa trong tiềm thức
Ước mơ của tôi cũng thành hiện thực khi tôi có cơ hội tham gia Đoàn công tác số 19 với 197 đại biểu đến từ Quân chủng Hải Quân, Văn phòng Chính phủ, Khối thi đua cơ quan nội chính Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tỉnh Nam Định, Tuyên Quang… có chuyến thăm, làm việc với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I từ 12-18/5 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong đoàn công tác, có một chị mỗi lần đi công tác đều thắp hương gia tiên cầu mong chuyến đi bình an, thuận lợi. Lần này, chị cũng thắp hương gia tiên, nhưng không giống mọi khi, chị bật khóc! Có lẽ chị cũng như hầu hết người dân Việt Nam luôn mang trong tiềm thức sâu thẳm một tình cảm đặc biệt, thiêng liêng khi nghĩ và nhắc đến Trường Sa.
Trường Sa chính là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, là quê hương và sẽ luôn như vậy với mỗi người Việt Nam.
Hành trình sống chậm để trải nghiệm và kết nối trái tim
Rời đất liền và phố thị, chúng tôi bắt đầu chuyến hải trình 7 ngày không sóng điện thoại, Internet, không vướng bận công việc và những bộn bề lo toan hằng ngày.
Chúng tôi sinh hoạt theo thời gian biểu và hiệu lệnh như những người lính. Tự lúc nào, chúng tôi dần quen với những khẩu lệnh thông báo: "Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!"; "Mời các đại biểu ăn sáng!"... Có cả những thông báo tìm người, tìm đồ, và thậm chí là tìm bạn về phòng… nhậu.
Suốt một tuần lênh đênh trên con tàu Kiểm ngư KN-491 nhưng không ai cảm thấy nhàm chán. Mọi người nói, cười nhiều hơn. Sáng dậy sớm, lên boong tàu đón bình minh, ngắm mặt trời mọc trên biển. Buổi tối, khi các hoạt động chung kết thúc, mọi người thường về phòng nói chuyện, nghỉ ngơi. Có người lên boong tàu ngắm biển đêm, hàn huyên với những người bạn mới quen trong hải trình ra đảo.
Mùa này thời tiết vùng biển Trường Sa rất đẹp, ban đêm có thể ngắm trăng, ngắm sao trời, điều mà đã rất lâu rồi, những công dân phố thị như chúng tôi không còn được trải nghiệm nữa.
Một tuần trên biển chúng tôi như một gia đình lớn. Tàu là nhà, biển đảo là quê hương, người trên tàu là anh em. Gặp nhau là nở nụ cười chào hỏi, dù quen hay chưa.
Với tôi, Trường Sa là một hải trình đặc biệt, khác với tất cả những chuyến đi khác. Tôi nghĩ chẳng có chuyến đi nào khiến mọi người gần gũi nhau đến thế. Có lẽ vì nơi đến là Trường Sa, vì chúng ta chảy chung một dòng máu Việt trong tim!
Đi để hiểu và đi để thấm
Mỗi người đều có những cảm nhận riêng không giống nhau khi ra Trường Sa. Nhưng ai cũng nói rằng, được trực tiếp đặt chân đến nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cảm xúc KHÁC LẮM!
Với tôi, dù sinh ra và lớn lên ở một đô thị ven biển nhưng tôi vẫn thích thú khi ra giữa đại dương mênh mông vô tận, thấy màu xanh của biển thay đổi tùy theo độ nông sâu.
Đặt chân lên đảo Song Tử Tây, tôi như thấy mình vẫn đang ở một làng quê nào đó trong đất liền vì đảo nhiều cây xanh, có vườn rau, đàn lợn đàn gà dù đảo vẫn thiếu nước ngọt, người dân phải rất tiết kiệm. Chẳng cần ai nhắc, tôi hiểu rằng để có được màu xanh ấy nơi đảo nhỏ xa xôi, đã có biết bao mồ hôi, công sức và cả xương máu đổ xuống.
Tôi và rất nhiều thành viên trong đoàn công tác đã không cầm được nước mắt khi dự lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận chiến Gạc Ma. Tay không vũ khí, chỉ có cuốc xẻng, các anh vẫn hiên ngang, kiên cường cản phá quân xâm lược vừa đông về quân số, vừa trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương.
Tôi cảm phục và cả rưng rưng xúc động khi gặp cậu chiến sĩ trẻ ra đảo Đá Đông B làm nhiệm vụ đã nhiều tháng nhưng chưa một lần có cơ hội trò chuyện với gia đình. Một chị trong đoàn bảo: "Con bồng súng, đứng thật nghiêm để cô chụp ảnh, về đất liền cô gửi cho bố mẹ con!" Cậu ấy lập tức xốc lại tư thế bồng súng trang nghiêm, đầu ngẩng cao, hướng ra Biển Đông đầy kiêu hãnh. Hình ảnh đó chắc chắn sẽ còn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Trường Sa vì Tổ quốc! Tổ quốc vì Trường Sa!
Cảm xúc của tôi thực sự vỡ òa khi tàu kéo những hồi còi tạm biệt lúc rời đảo Trường Sa Lớn. Những tiếng hô: "Trường Sa vì Tổ quốc! Tổ quốc vì Trường Sa! Tạm biệt Trường Sa! Tạm biệt đất liền…!" cứ vang mãi, vang mãi, át cả tiếng gió, tiếng máy tàu và chỉ tắt hẳn khi đảo chìm khuất trong lớp lớp sóng đại dương bao la…
Nhiều anh chị thành viên trong đoàn, trong đó có tôi, nước mắt cứ thế tuôn trào. Chúng tôi cứ dõi mắt nhìn mãi về phía đảo, lưu luyến không muốn về phòng. Tự nhiên càng thấy thương và tự hào về Trường Sa thân yêu, "quần đảo tím hiên ngang, thiên hùng ca ngời sáng" giữa đại dương mênh mông.
Chia tay Trường Sa nhưng Trường Sa mãi mãi trong tim chúng tôi, trong tim mỗi người dân đất Việt. Và tôi mong lắm, lại có lần trở lại với Trường Sa.
Việt Hà