Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 11/5, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT (Ban Chỉ đạo) tổ chức họp báo công bố kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo bộ chỉ số năm 2021.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng "Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh", Ban Chỉ đạo đã tổ chức xây dựng và ban hành Bộ chỉ số PCTT cấp tỉnh và kế hoạch triển khai đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh được xây dựng với 3 mục tiêu chính: Một là xác định chỉ số PCTT để theo dõi, đánh giá, một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện công tác PCTT hằng năm của cấp tỉnh.
Hai là đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong tổ chức, nhiệm vụ của ban chỉ huy, văn phòng thường trực trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả bằng định lượng thông qua điểm số. Trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện công tác PCTT hàng năm giữa các tỉnh, thành phố.
Ba là thông qua chỉ số PCTT xác định rõ điểm mạnh, yếu trong việc thực hiện công tác PCTT, giúp cho các tỉnh, thành phố có điều chỉnh cần thiết về nội dung, giải pháp trong triển khai công tác PCTT hằng năm.
Những năm gần đây, thiên tai ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn biến rất khốc liệt, khó lường, trái quy luật, khó dự báo… gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Qua đó đòi hỏi phải nâng cao năng lực phòng, chống để từng bước giảm thiểu thiệt hại.
Tại Việt Nam, nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt công tác PCTT, song cũng còn nhiều địa phương còn có tư tưởng chủ quan, chưa chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao từ phòng ngừa, ứng phó đến khắc phục hậu quả nên còn để xảy ra nhiều thiệt hại không đáng có.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện, song tất cả các địa phương đã nhận thức được mục đích và ý nghĩa của bộ chỉ số đối với công tác PCTT địa phương mình, xác định rõ trách nhiệm và nghiêm túc trong chỉ đạo, thực hiện từ công tác tự đánh giá; cung cấp tài liệu kiểm chứng đến việc phối hợp trong điều tra, tham vấn và xây dựng báo cáo, gửi kết quả, tài liệu kiểm chứng đầy đủ đáp ứng yêu cầu tiến độ.
Trong quá trình triển khai đánh giá, nhiều địa phương đã có phương pháp, cách làm hay và hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi thực tế triển khai tốt, song chưa chú trọng việc xây dựng báo cáo nên kết quả đánh giá chưa phản ánh được đầy đủ năng lực cũng như chất lượng công tác PCTT tại địa phương.
Bộ chỉ số sẽ đánh giá 4 nội dung trong công tác PCTT: Đó là phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, tổ chức bộ máy và chỉ đạo điều hành. Kể cả những địa phương nằm trong top đầu cũng còn rất nhiều việc cần phải làm, những địa phương top cuối cũng có những công tác được thực hiện tốt.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh sẽ chỉ ra những công việc cụ thể của từng địa phương, thông qua việc đánh giá này cần có sự phân tích chuyên sâu hơn đối với từng địa phương. "Chúng tôi sẽ đánh giá sâu hơn từng khâu trong công tác PCTT của mỗi địa phương, từ đó chỉ ra những hạn chế, tồn tại của địa phương đó", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.
Theo bộ chỉ số năm 2021, nhóm 10 tỉnh/thành phố có kết quả công tác PCTT tốt nhất gồm Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hải Phòng, Đắk Lắk, An Giang, Cà Mau, Quảng Nam.
Đỗ Hương