Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Là điểm sáng trong thu hút đầu tư bán dẫn, Bắc Ninh thu hút nhiều "ông lớn" công nghệ như Samsung, Foxconn, Amkor Technology, Goertek, IMT Semiconductor…
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp hoạt động, thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, ngành bán dẫn đạt 3 tỷ USD; riêng năm 2024, thu hút 1,8 tỷ USD vốn đầu tư mới, với tốc độ giải ngân nhanh.
Bắc Ninh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù trong thu hút đầu từ như: Rút ngắn ít nhất 1/3 thời gian thủ tục cấp phép đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn; bảo đảm cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường dây diện song song, không để xảy ra mất điện.
Tỉnh cũng ban hành chính sách riêng về hỗ trợ học phí cho sinh viên học tại Bắc Ninh (50% học phí), với tổng kinh phí hỗ trợ đến năm 2030 dự kiến đạt 1.000 tỷ đồng, số đối tượng thụ hưởng xấp xỉ khoảng 10.000 sinh viên.
"Khi tung chính sách này ra, quy mô tuyển sinh của các trường cũng tăng lên từ 1,5-2 lần, cho thấy chính sách này có tác dụng rất tốt", ông Vương Quốc Tuấn cho hay.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ nhà ở trị giá 1 tỷ đồng nếu giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh được tuyển dụng, tiếp nhận giảng dạy chương trình và cam kết làm việc ít nhất 10 năm.
Bắc Ninh cũng vừa thông qua quy hoạch phân khu của khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh, rộng 274ha, tích hợp đầy đủ 7 chức năng, nhiệm vụ như nghiên cứu, giáo dục, sản xuất, thương mại, trung tâm chuyển đổi số…, dự kiến thu hút đầu tư từ đầu năm 2025.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tiếp tục tạo cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư. Phối hợp với các cơ sở giáo dục với các nhà đầu tư, doanh nghiệp theo mô hình đào tạo "1+1+1" (năm đầu tiên đào tạo lý thuyết trong nhà trường, năm 2 vừa đào tạo tại nhà trường và thực hành ở công ty, năm 3 vừa hoàn thiện việc học tập vừa làm việc ở công ty).
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Duy Đông khẳng định, Vĩnh Phúc xác định lĩnh vực điện - điện tử và công nghiệp bán dẫn là đột phá để Vĩnh Phúc tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn mới.
Hiện Vĩnh Phúc đang chuẩn bị một số điều kiện về kết nối hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng cho ngành này, đồng thời đang hoàn thiện thủ tục thành lập khu công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào phát triển hạ tầng điện, nước, logistics...
Tỉnh cũng chuẩn bị nguồn nhân lực với 3 cơ sở đào tạo khoảng 1.500 kỹ sư, kỹ sư thực hành để liên kết với các cơ sở của Hà Nội. Ngoài ra, tỉnh thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp điện - điện tử có lĩnh vực đầu tư gần với bán dẫn. Vĩnh Phúc hiện nay có 200 doanh nghiệp trong ngành điện điện tử, doanh thu xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm.
Ông Trần Duy Đông cũng cho rằng, để có nguồn nhân lực, ngoài đào tạo mới, cần phải đào tạo lại, đào tạo cập nhật, đào tạo chuyển đổi.
Vĩnh Phúc đề xuất các cơ quan chức năng sớm bố trí nguồn lực xây dựng các phòng thí nghiệm quốc gia và cấp cơ sở để các địa phương, các trường đại học, cao đẳng có thể dùng chung; triển khai sớm chương trình phát triển nguồn nhân lực, trong đó Bộ GD&ĐT sớm ban hành chương trình chuẩn về đào tạo ngành bán dẫn.
Thu hút nhân lực vi mạch bán dẫn, AI
Nêu cách làm của Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 09/2024 về cơ chế đặc thù cho Công viên Phần mềm số 2. Tổng mức đầu tư dự án này lên đến hơn 1.400 tỷ đồng. Dự kiến tháng 1/2025, tòa nhà ICT 1 trong dự án sẽ khai trương, phục vụ doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, AI, và công nghệ thông tin...
Về cơ chế, chính sách, HĐND TP. Đà Nẵng cũng vừa ban hành nghị quyết quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2025-2030.
Theo đó, TP. Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhận tạo trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Ngoài việc thu hút chuyên gia, Nghị quyết cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI.
Thành phố đã thành lập liên minh đào tạo trên cơ sở các trường đại học trên địa bàn thành phố và một số cơ sở đào tạo trên cả nước; tổ chức các khóa đào tạo cho các giảng viên; hỗ trợ các doanh nghiệp và đang xúc tiến đầu tư vào nhiều tập đoàn lớn như NVIDIA, Qualcomm....
Thời gian tới, Thành phố sẽ đưa toàn bộ khu Công viên Phần mềm số 2 đi vào hoạt động; đầu tư 3 phòng lab phục vụ cho đào tạo, trong đó có 2 phòng phục vụ thiết kế vi mạch, 01 phòng phục vụ cho đào tạo AI. Tiếp tục ban hành chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Đà Nẵng, thực hiện thủ tục công nhận đối tác chiến lược cho một số doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu...
Đà Nẵng đề nghị cấp có thẩm quyền triển khai dự án phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia tại Công viên Phần mềm số 2. Bộ KH&ĐT sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu...
Hoàng Giang