• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Lần theo dấu vết những vụ mất tích bí ẩn

Có một công việc thầm lặng mà bấy lâu nay, một số đơn vị nghiệp vụ của lực lượng công an vẫn làm. Đó là truy tìm người mất tích. Theo một thống kê mới nhất, chỉ riêng ở Công an Hà Nội, năm 2011, Đội Chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em, Phòng Cảnh sát hình sự thụ lý 50 đơn trình báo mất tích còn Đội Truy tìm, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm nhận 139 đơn.

27/02/2012 08:01

Công an Hà Nội thực hiện việc khám nghiệm tử thi của Lê H.

Công việc khó, hệt như mò kim nơi đáy bể. Vì, để tìm được một người trong triệu triệu người đã khó. Nhất là khi, trong nhiều trường hợp, người ta vì những lý do riêng, muốn tự xóa tên mình trong trí nhớ của những người thân yêu, muốn xóa bỏ tất thảy mọi dấu vết có liên quan.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng, nguyên là trinh sát hình sự gạo cội của thương hiệu Cảnh sát hình sự số 7 Thiền Quang, người từng nổi danh với phát đạn tài tình, đạt độ chính xác đến hoàn hảo xuyên qua cửa kính ôtô trúng đùi của kẻ bắt cóc cháu bé 3 tháng tuổi người Nhật năm nào, từng nhiều năm làm Phó phòng CSHS giờ giữ cương vị chỉ huy cao nhất của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, đơn vị chủ công làm công tác truy tìm. Từng tham gia khám phá những vụ án hình sự nghiêm trọng nhất, nổi tiếng nhất ở Hà Nội, nhưng với các vụ truy tìm người mất tích, bằng con mắt nghiệp vụ tinh tường, Thượng tá Thanh Hùng vẫn đánh giá đây là một công việc khó với những gian truân đặc thù của nó.

Hai tháng sau khi Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm ra đời, Đội truy tìm khi ấy mới có vẻn vẹn 5 cán bộ chiến sĩ, thì đã gặp ngay một "ca khó". Hôm ấy là sáng ngày 10/4/2011, còn chưa đến giờ làm việc, thì đã có một người đàn ông nom bề ngoài khắc khổ, lam lũ chờ đợi các trinh sát ở ngoài phòng trực ban.

Hỏi ra mới biết, ông lặn lội từ Quảng Bình ra Hà Nội từ lúc tờ mờ sáng. Quá hốt hoảng, đau xót  bởi sự mất tích khó hiểu của cô cháu gái, ông vừa kể lại sự việc vừa khóc. Câu chuyện bị ngắt quãng nhiều lần bởi những giọt nước mắt. Phải nghe ông trình bày đến lần thứ hai các trinh sát mới hiểu vì sao ông lại tìm đến đây. Trung tá Đỗ Quốc Toản, Đội trưởng, kể lại, nhìn ông ấy thương tâm lắm, anh em không ai cầm lòng được…

Thì ra, cháu gái ông là Trần Thị N., mới 19 tuổi vốn là bệnh nhân của Viện Huyết học truyền máu Trung ương. N. bị bệnh đường máu, cứ 2 tháng một lần phải khăn gói ra Hà Nội để truyền máu. Thấy việc đi lại khó khăn, đường sá xa xôi, tốn kém, gia đình đã xin cho cháu chuyển vào điều trị tiếp tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Thế nhưng, trước đó 2 tuần, vào ngày 26/3, cháu N. có nhận được thông tin của một người nữ xưng là bác sĩ ở Viện Huyết học và truyền máu Trung ương nói cháu cần phải ra Hà Nội khám lại ngay để chuẩn bị được sang Anh chữa trị miễn phí. Nhà nghèo, đang lo cuống cuồng về khoản kinh phí chữa bệnh cho cháu quá tốn kém nên khi nghe được tin đó, gia đình N rất mừng. Ngay ngày hôm sau 27/3, N. ra Hà Nội và trong tối đó, N điện về nhà báo rằng sẽ bay đi Anh trong chuyến bay đêm.

Hai ngày sau, sáng 29/3, gia đình lại nhận được điện thoại của N. Em vui mừng báo tin ca mổ đã được y tế Anh chuẩn bị sẵn sàng.

Nhưng 5 ngày sau thì tình thế lật ngược như trở cờ. Có một người tự xưng là bác sĩ gọi về nhà N. thông báo rằng, tình trạng sức khỏe của N. sau ca mổ hiện rất nguy kịch, nhiều khả năng cháu không qua khỏi. Gia đình N. ở Việt Nam rất lo lắng. Mẹ em khóc lóc vật vã suốt ngày suốt đêm. Sáng hôm sau, lại vẫn giọng người bác sĩ ấy gọi vào máy điện thoại cố định của gia đình N. bảo gia đình nghe cháu nói lời cuối cùng trước phút lâm chung. Sau đó là giọng của N. Cháu vừa nói vừa khóc nức nở: "Mẹ ơi, con không thể qua nổi" rồi điện thoại ngắt. Khoảng 3 phút sau thì người tự xưng là bác sĩ kia gọi điện thoại lại, đau xót báo tin:"N. đã chết rồi!".

Cả gia đình N. bàng hoàng. N. vốn là cô gái xinh đẹp nhưng gặp hoàn cảnh gia đình éo le. Cha mẹ chia tay nhau. Mẹ em đi bước nữa sinh thêm mấy đứa em trong khi cảnh nhà nghèo khó. Rồi em phát hiện ra mình mắc bệnh đường máu. Bệnh viện ở quê không chữa trị được, em phải lặn lội ra Hà Nội đều đặn 2 tháng 1 đợt khám và trị bệnh. Tiền ăn ở đi lại đã tốn kém nhưng tiền máu, tiền thuốc men còn tốn kém gấp nhiều lần. Trung bình mỗi lần ra Hà Nội em phải mất chừng 6-7 triệu đồng. Khi biết tin em được đi Anh chữa trị miễn phí, không chỉ gia đình em mà cả làng mừng. Không ngờ, em phải nằm lại một mình lạnh lẽo, không người thân thích ở nơi đất khách quê người.

Gia đình tổ chức tang lễ cho em ở quê nhưng không có hài cốt. Sau lễ tang, ông Trần Đình D., bác ruột em đã liên lạc với Viện Huyết học và truyền máu Trung ương với mục đích dò hỏi xem làm cách nào để có thể đưa hài cốt của đứa cháu gái tội nghiệp về quê nhà cho mẹ cháu yên lòng. Nhưng thật sửng sốt là tại Viện này, những người có trách nhiệm cho biết, Viện không đưa bệnh nhân nào tên là N. sang Anh chữa trị và Viện cũng không có chương trình nào đưa bệnh nhân đi điều trị tại Anh miễn phí.

Bàng hoàng trước thông tin trên, cả gia đình em rơi vào tình trạng hoảng loạn. Ngay lập tức, ông Trần Đình D. khăn gói ra Hà Nội tìm đến Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm. Trong đơn trình báo, ông viết: "Chúng tôi nghi ngờ cháu vẫn còn sống và bị một nhóm người khống chế, bắt cóc và sắp bị bán qua biên giới… Gia đình chúng tôi làm tờ trình này kính gửi Cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ thủ phạm".

Trung tá Đỗ Quốc Toản, Đội trưởng Đội Truy tìm, nhớ lại, thụ lý vụ việc này, các trinh sát rất lo lắng. Sự biến mất khó hiểu của em N hầu như không có dấu vết gì để lại có giá trị cho cuộc truy tìm. Xác định đây là vụ việc nghiêm trọng nên tất cả Đội Truy tìm đều được huy động vào cuộc. Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo, nếu cần thiết sẽ tăng cường thêm lực lượng để tìm ra sự thật, giải tỏa những lo lắng của gia đình trong thời gian ngắn nhất.

Tại Viện Huyết học, các trinh sát được biết, lần điều trị cuối cùng của bệnh nhân Trần Thị N. là từ ngày 10 đến 14/6/2010. Từ đó, N. không trở lại Viện điều trị nữa. Số điện thoại mà gia đình N. tin là của bác sĩ Viện Huyết học gọi cho N. đi chữa bệnh ở Anh thì rà soát toàn Viện, không có bất kỳ một nhân viên y tế nào sử dụng. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, các trinh sát đủ cơ sở xác định, cuộc nói chuyện trước lúc lâm chung của N. về nhà không phải được gọi từ Anh; không có số máy nào gọi từ Anh vào điện thoại cố định của gia đình em N. Như vậy, việc Trần Thị N. đi Anh đã được loại trừ.

Vậy thì N. đã đi đâu trong khi số tiền em mang theo lúc rời nhà rất ít ỏi? Em còn sống hay đã chết? Đó là những câu hỏi khó đòi hỏi Đội Truy tìm phải có lời giải trong thời gian sớm nhất. "Những giọt nước mắt đau khổ và gương mặt lo âu đến hốc hác của ông D đã thôi thúc anh em trinh sát vượt qua khó khăn để tìm ra sự thật", Trung tá Đỗ Quốc Toản kể lại câu chuyện đã qua mà vẫn còn nguyên xúc động.

Với tất cả những dữ liệu đã thu thập được, Đội Truy tìm xác định, em N đã có thời gian điều trị nội trú tại Viện Huyết học nên tất cả các mối quan hệ của em ở đây đều phải rà soát kỹ lưỡng. "Không được bỏ sót một manh mối nào, dù là nhỏ nhất", đó là yêu cầu của Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng đối với tất cả các trinh sát.

Lăn lộn ở Viện Huyết học mấy ngày ròng, cuối cùng các trinh sát đã lên được danh sách toàn bộ tên tuổi, quê quán, số điện thoại của những người có quan hệ quen biết với Trần Thị N. Trong đó, các anh đặc biệt chú ý đến một bệnh nhân nam là bạn thân của N. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, anh này đã xuất viện. Lần tìm tiếp về quê, các trinh sát đã gặp được anh. Hỏi về N., anh rất ngạc nhiên trước thông tin N. đi Anh vì anh vừa mới gọi điện cho N. thì thấy cô ấy rất vui nói rằng đã tìm được việc ở Hưng Yên và đang làm ở đó. Anh cũng đã cung cấp cho các trinh sát số điện thoại mà N sử dụng.

Các trinh sát như trút được gánh nặng. Vậy là N. không chết và cũng không bị bắt cóc, xâm hại như lo lắng của gia đình.

Tiếp tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ, các trinh sát đã tìm thấy nơi ở chính xác của N. tại Hưng Yên. Chiều muộn ngày 21/4, sau tròn một tuần truy tìm, cuối cùng các trinh sát đã đưa N. trở về. Một cuộc đoàn tụ đầy xúc động đã diễn ra tại căn phòng nhỏ của Đội Truy tìm ở trụ sở Phòng Cảnh sát truy nã.

Trong vòng tay của người bác ruột, cả N. và ông D. đều khóc. Đây là những lời trần tình của Trần Thị N. về nguyên nhân khiến em giả chết để được biến mất trong trí nhớ của những người thân: "Việc tôi được Viện Huyết học truyền máu Trung ương gọi ra khám bệnh và đi Anh chữa bệnh là không có thật. Đó là những việc mà tôi nghĩ ra để nói dối gia đình. Việc gia đình tôi nhận được điện thoại nói rằng tôi đã chết là do tôi tự gọi… Vì hoàn cảnh tôi ở gia đình có nhiều suy nghĩ nên tôi muốn gia đình nghĩ là tôi đã chết rồi" (trích biên bản ghi lời khai của Trần Thị N. tại Công an TP Hà Nội).

Thật tình, khi tìm thấy N., nghe em tâm sự, các trinh sát thấy lòng mình se lại. N. là cô gái hiếu thảo. Em thương mẹ, không muốn mẹ hàng tháng phải oằn mình gánh cho mình một khoản tiền chữa bệnh quá lớn trong khi gia cảnh em quá nghèo. Vì thế em muốn mẹ quên em đi và màn kịch đã chết ở nước ngoài được coi là giải pháp tối ưu nhất. Sự thật là sau khi rời quê, em đã đi ra Thanh Hóa chơi rồi đến ngày 5/4 thì về Hưng Yên ở nhờ nhà một người bạn mấy hôm rồi xin vào làm công nhân ở Công ty TNHH may Phố Hiến từ ngày 9/4.

Những ngày truy tìm Trần Thị N. tuy vất vả nhưng đó là một cuộc kiếm tìm có hậu khi gia đình được đoàn viên với em trong niềm vui khôn tả. Nhưng cũng có những cuộc kiếm tìm mà kết quả chỉ toàn là nước mắt. 5 năm trước, Lê H. một sinh viên của Trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng mất tích vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là em bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

Theo những gì được bạn bè em ở chung phòng trong KTX  kể lại thì chiều ấy, H. có mượn chiếc xe đạp nữ màu đỏ của một bạn trai cùng phòng nói là đi có việc tối sẽ về nhưng hết đêm các bạn vẫn không thấy em đâu. Chờ đợi thêm, đến hết ngày hôm sau nữa, H. vẫn chưa trở về. Quê ở Thanh Hóa, trước khi vào học Đại học Bách khoa, H. là học sinh trường chuyên của tỉnh.

Năm học lớp 12, em đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi toán quốc gia nên được tuyển thẳng vào đại học. Suốt 5 năm đại học, em là cử nhân tài năng nhiều lần đoạt giải trong các kỳ thi Olympic của sinh viên. Khi H. mất tích đã là thời điểm những ngày học cuối cùng của đời sinh viên. Đồ án tốt nghiệp em cũng đã hoàn thành, chỉ chờ ngày bảo vệ.  Hai ngày sau khi em không trở về, các bạn cùng lớp đã nháo nhào bổ đi khắp mọi nơi mà không thấy. Thông tin tìm kiếm em đã được các bạn bè tung lên cả mạng Internet nhưng tịnh không có hồi âm. Bất lực trong cuộc kiếm tìm, bạn bè em đành phải gọi điện cho cha mẹ em ở quê.

Lo lắng cho tính mạng của con trai, gia đình em bổ nhào lên Hà Nội. Cùng với những nỗ lực tự kiếm tìm, họ đã trình báo về sự mất tích bí ẩn của em tới Công an TP Hà Nội.

Khi ấy, Công an Hà Nội chưa có đơn vị chuyên trách làm công tác truy tìm như bây giờ. Thế nên, vụ mất tích bí ẩn của H. đã được giao cho một số đơn vị nghiệp vụ cùng tiến hành truy tìm.

Trong hành trình tìm kiếm khó khăn đó, có một thông tin được đặc biệt chú ý. Đó là, 5 ngày sau khi Lê H. mất tích thì tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, người dân tình cờ phát hiện được một xác chết là nam giới.

So sánh bản ảnh thi thể nạn nhân cùng các đặc điểm nhận dạng khác như quần áo, giày, chiếc xe đạp nữ màu đỏ…, gia đình bạn bè em đều xác nhận nhiều khả năng đó chính là thi thể của H. Công an TP Hà Nội sau đó đã tiến hành các giám định khoa học chứng minh được đó chính là H.

Các kết quả khám nghiệm cũng cho thấy không có dấu vết thương tích nghi vấn do vật tày hoặc vật nhọn tác động. Phần ngực, bụng, xương sườn không bị tổn thương, bầm tím, gãy dập. Phần ổ bụng cũng không có tổn thương. Trong dạ dày và lòng khí phế quản hai bên có nhiều cát, dị vật màu đen. Nạn nhân bị chết do ngạt nước, nhiều khả năng là tự tử.

(Lần theo dấu vết những vụ mất tích bí ẩn: Người chết trở về - ANTĐ ngày 27/2)