Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 30/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Báo cáo tại hội nghị, TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN cho biết, ngay từ đầu năm 2022, chương trình đã chuẩn bị các văn bản, quy định, khung pháp lý cho chương trình, thực hiện xây dựng và phát sóng 122 chương trình truyền hình về pháp luật kinh doanh và hỗ trợ pháp lý cho DN trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, 148 chương trình phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chương trình cũng thực hiện 15 bài giảng điện tử bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho DN, 25 chương trình phóng sự tư vấn về các vấn đề pháp lý của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, 5 số bản tin in và bản tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho DN; tổ chức hơn 44 lớp bồi dưỡng, hội nghị, diễn đàn đối thoại với DN, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN về pháp luật kinh doanh và "hiến kế" nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
Chương trình phối hợp với bộ, ngành địa phương, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN giai đoạn 2021-2030" (đã tổ chức 9 hội nghị lấy ý kiến đề án tại Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Đăk Lăk, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Quảng Ninh) và lần đầu tiên tổ chức thành công Diễn đàn Kinh doanh và pháp luật, thu hút hơn 400 đại biểu tham dự, cùng lãnh đạo Chính phủ, 10 bộ, ngành liên quan.
Năm 2022, trong bối cảnh hậu dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN đã kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, để giúp đỡ DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm tiếp cận rộng rãi tới cộng đồng DN trên cả nước.
Trong đó, nổi bật là các hoạt động: Xây dựng và phát sóng Chương trình kinh doanh và pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; xây dựng các clip bài giảng điện tử bồi dưỡng trực tuyến về pháp luật kinh doanh cho DN; xây dựng và phát sóng chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19.
Nhiều đại biểu cho rằng, một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này, nhất là việc đẩy mạnh truyền thông và sức lan tỏa của chương trình đến DN và nhân dân chính là việc nâng cấp Trang Thông tin điện tử quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho DN, thành Cổng Thông tin điện tử quốc gia hỗ trợ pháp lý cho DN.
Theo đó, việc ra đời Cổng Thông tin điện tử quốc gia hỗ trợ pháp lý cho DN sẽ giải quyết được những hạn chế mà website truyền thống gặp phải, tăng tính tương tác với người dân và DN, tích hợp các kênh thông tin, dịch vụ và ứng dụng, thực hiện trao đổi thông tin, dữ liệu, cung cấp thông tin mở và tạo sự lan tỏa của chương trình đến đông đảo người dân và DN.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN đánh giá cao các hoạt động nổi bật của chương trình năm 2022, cũng như dự thảo phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2023.
Các kết quả nêu trên của chương trình nhằm thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV và Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, tại khoản 3 Mục IV của Nghị quyết xác định rõ: "Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý để người dân và DN dễ tiếp cận pháp luật".
Lê Sơn