• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Lan tỏa giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững của đất nước

(Chinhphu.vn) - Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là làm gia tăng giá trị và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại, qua đó gìn giữ truyền thống lịch sử, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát huy và lan tỏa những giá trị này, chúng ta cần có thêm nhiều nguồn lực và sự chung tay của cả cộng đồng.

29/04/2023 08:47
Lan tỏa giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững của đất nước  - Ảnh 1.

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Đây là chia sẻ của TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Báo Điện tử Chính phủ khi trao đổi về vấn đề phát huy, nâng cao giá trị hai di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng và di sản văn hóa dân tộc nói chung.

Giá trị di sản văn hóa nếu mất đi không thể nào phục hồi được

Theo Điều 8 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy các di sản đang gặp nhiều hạn chế. Vậy khó khăn trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Bùi Hoài Sơn: Trong những năm qua, các cấp, các ngành, những người làm văn hóa và nhân dân đã có nhận thức tốt hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là đã có hành lang pháp lý khá hoàn thiện cũng như các chính sách liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của những người yêu di sản thì chúng ta còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản.

Đầu tiên, mặc dù nhận thức về giá trị các di sản văn hóa đã tốt hơn rất nhiều nhưng nhìn chung đôi lúc nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành nhận thức về giá trị di sản văn hóa còn chưa đầy đủ. Có những địa phương chưa xử lý được mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Vì thế, ở một số nơi, có những trường hợp sẵn sàng hy sinh những giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi những giá trị di sản văn hóa một khi đã mất đi thì không thể nào phục hồi được. 

Bên cạnh đó, yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đối với công tác bảo tồn di sản ngày càng đa dạng, phức tạp.

Tôi lấy một ví dụ. Đó là những chính sách liên quan đến nghệ nhân. Do nhiều yếu tố, trong đó có nguồn lực còn thiếu, nên Nhà nước mới chỉ có chính sách dành cho những nghệ nhân đang gặp hoàn cảnh khó khăn, còn với những nghệ nhân thực sự có tài thì Nhà nước lại chưa có nguồn lực để hỗ trợ. Việc hỗ trợ này đôi khi còn phụ thuộc vào ngân sách của các địa phương. Địa phương nào có điều kiện kinh tế thì địa phương đó sẽ quan tâm hỗ trợ nghệ nhân, như Bắc Ninh, Phú Thọ, Nghệ An... chẳng hạn.

Ngoài ra, khó khăn bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa còn bắt nguồn từ chính các di sản bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, địch họa. Báo cáo trước kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, chúng ta có đến hàng chục nghìn các di tích khác nhau, mỗi di tích khi trùng tu lên đến hàng tỷ đồng. Trong khi đó, hiệu quả trùng tu mỗi di tích ước khoảng được 20 đến 30 năm thì phải trùng tu lại. Nguồn lực, con người, kỹ thuật công nghệ bảo tồn di sản của chúng ta chưa đạt được tầm thế giới.

Lan tỏa giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững của đất nước  - Ảnh 2.

Trình diễn hát Xoan Phú Thọ

"Nỗ lực tuyệt vời khi bảo vệ được di sản văn hóa của dân tộc"

Vừa qua Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, theo ông, Nhà nước địa phương cần làm gì để phát huy giá trị của các di sản này?

Ông Bùi Hoài Sơn: Đối với hát Xoan. Đầu tiên, di sản văn hóa phi vật thể này nằm trong danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp, và sau một thời gian nỗ lực, chúng ta đã đưa di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ này ra khỏi danh sách và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Còn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đây là một di sản hết sức đặc biệt, bời di sản này tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc. Đó là tinh thần yêu nước, giá trị của sức mạnh đại đoàn kết thông qua một biểu tượng thờ cúng tổ tiên chung của dân tộc.

UNESCO ghi danh hai hồ sơ này (đều liên quan đến thời đại Hùng Vương) đã giúp cho chúng ta xây dựng được chủ quyền quốc gia về văn hóa thông qua các biểu tượng và thông qua các thực hành nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử hết sức đặc biệt của dân tộc. Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Phú Thọ với sự giúp đỡ của các bộ ngành, đặc biệt là của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã có những thành công nhất định trong việc tôn vinh những giá trị của hai di sản văn hóa này. 

Tôi muốn nhấn mạnh, việc đưa hát Xoan được ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và được trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là trường hợp đầu tiên trên thế giới. Đó là đưa một di sản ra khỏi danh sách khẩn cấp cần được bảo vệ sang danh sách đại diện. Đây là một ví dụ cho một nỗ lực tuyệt vời khi chúng ta bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc, không chỉ trong phạm vi của một đất nước mà còn là phạm vi trên cả thế giới. Để làm được điều này, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều kế hoạch cụ thể, có lộ trình, có nguồn lực để nỗ lực bảo tồn phát huy các giá trị của di sản này, đem lại sức sống mới cho các di sản văn hóa ở Phú Thọ.

Tuy nhiên chúng ta cần có những giải pháp sát thực hơn để sức sống của hai di sản này được bền vững hơn, lan tỏa hơn các thông điệp giá trị của dân tộc kết tinh trong giá trị của hai di sản văn hóa này. Đặc biệt, chúng ta cần phải phục hồi, phát huy và lan tỏa giá trị của hai di sản này ở vùng không gian xung quanh như ở các làng quê của tỉnh Phú Thọ, ở các địa bàn xung quanh, thậm chí chúng ta cũng cần phải phát huy giá trị di sản văn hóa này ở một không gian rộng lớn hơn như vào ngày quốc Tổ hằng năm ở trên thế giới... Ngoài ra, chúng ta cũng cần phục hồi và phát huy các nghi lễ, phong tục tập quán, các sản phẩm văn hóa, thủ công mỹ nghệ hay các sản phẩm liên quan khác có liên quan đến hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sang các sản phẩm văn hóa - kinh tế - xã hội.

Theo tôi, đây cũng chính là việc tăng cường các nguồn lực, đồng thời cũng là tạo điều kiện để thế hệ trẻ thực hành nhiều hơn những sinh hoạt văn hóa để từ đó thế hệ trẻ có thể thổi hồn, tạo ra sức sáng tạo mới cho các nghi lễ, phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay. Hiện nay, sự phát triển của thế giới đang thay đổi hằng ngày, vì thế chuyển đổi số cho hai di sản này cũng cần được tiến hành để phù hợp trong bối cảnh của một xã hội số, nền kinh tế số, nền văn hóa số. Tất cả những giải pháp trên sẽ giúp tăng cường sức sống của hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này.

Cần thêm nguồn lực để phát triển di sản văn hóa

Với vai trò là Ủy viên Thường trực của Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, ông có thêm đề xuất gì để phát huy, nâng cao giá trị hai di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương?

Ông Bùi Hoài Sơn: Như chúng ta đã biết, năm 2022, Quốc hội đã tổ chức hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Trong hội thảo này có rất nhiều đề xuất và giải pháp đã được nêu ra. Ngay tại cuộc hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra một số ý kiến, kết luận. Trong đó, tôi rất tâm đắc với kết luận là chúng ta cần hình thành một Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, để từ đó có thêm các nguồn lực cho phát triển văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng. Chỉ khi chúng ta đầu tư nguồn lực đầy đủ về hành lang pháp lý, thể chế, chính sách, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất hay con người cho lĩnh vực di sản, thì chúng ta mới tạo ra sự đồng bộ để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải sửa đổi Luật Di sản văn hóa để luật này phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn. Chúng ta đều biết di sản trong mỗi một giai đoạn lịch sử sẽ có vai trò, chức năng và đời sống riêng. Do đó, chúng ta luôn luôn phải cập nhật sự đa dạng, những yếu tố của thời đại vào trong các văn bản quy phạm pháp luật, để từ đó làm tốt hơn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Ngoài ra, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn liên quan đến các luật gián tiếp bảo vệ văn hóa. Ví dụ như trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư công và các luật khác…, chúng ta cũng phải nhìn thấy yếu tố liên quan đến di sản văn hóa, để trên cơ sở đó có những chính sách phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho các di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị của nó.

Ở đây, chúng ta cũng phải nhấn mạnh rằng, di sản văn hóa là vô cùng quan trọng vì văn hóa tạo ra bản sắc cho đất nước, và khi chúng ta hiểu và thực hành đúng thì sẽ tạo ra bản lĩnh và sự tự tin khi chúng ta hội nhập quốc tế. Điều này đóng góp rất tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông./.

Giang Oanh (thực hiện)