Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tổng cục Hải quan luôn xác định đồng hành cùng doanh nghiệp là nhu cầu, là trách nhiệm của ngành Hải quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng như gia tăng động lực cho doanh nghiệp trong phát triển.
Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hải quan, thiết lập quan hệ đối tác tin cậy giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, ngày 15/7/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về việc triển khai thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan.
Thời gian đầu triển khai, ngành hải quan chỉ lựa chọn thí điểm tại 7 Cục Hải quan, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch, sau đó sẽ triển khai mở rộng đến tất cả các đối tượng doanh nghiệp.
Đến nay, chương trình đã được lan tỏa rộng khắp cả nước, với 35/35 cục hải quan tỉnh, thành phố đã triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Khi tham gia Chương trình, các doanh nghiệp sẽ được cơ quan Hải quan hỗ trợ nâng cao mức độ tuân thủ, từ đó giảm tỷ lệ kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời sẽ được hưởng các ưu đãi về thủ tục trong quá trình tự nguyện tuân thủ pháp luật.
Không những thế, doanh nghiệp còn được cơ quan hải quan cấp chứng nhận là thành viên Chương trình tự nguyện tuân thủ, giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu, uy tín và là tiền đề để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi trong trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước và trên thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp cũng được ưu tiên hỗ trợ và được cơ quan hải quan cử công chức có trình độ năng lực, đảm bảo tạo thuận lợi tối đa để giải quyết khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, cảng trên phạm vi toàn quốc.
Cùng với đó, còn được cơ quan hải quan ghi nhận tư cách thành viên trên hồ sơ doanh nghiệp và các hệ thống thông tin nghiệp vụ của cơ quan Hải quan để đảm bảo được hưởng các biện pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia Chương trình còn được ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm tra bằng máy soi khi doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đối với việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa của doanh nghiệp.
Qua 2 năm thực hiện thí điểm, có 289 doanh nghiệp tham gia Chương trình và ký kết biên bản ghi nhớ với cơ quan Hải quan.
Qua triển khai Chương trình, mức độ tuân thủ của nhiều doanh nghiệp thành viên có sự cải thiện hơn so với trước.
Trong đó, có khoảng 87% các doanh nghiệp giữ và nâng mức độ tuân thủ (101 doanh nghiệp nâng mức tuân thủ, đạt 36.20%, 147 doanh nghiệp giữ mức độ tuân thủ, đạt 50,86%). Qua đó, tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa cải thiện rõ rệt giúp các doanh nghiệp thành viên tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan, với tỷ lệ tờ khai luồng Xanh tăng 6,16%, luồng Đỏ giảm 0,55%.
Tại các cục hải quan tỉnh, thành phố đều thực hiện đầy đủ các chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Chương trình như bố trí khu vực riêng có biển chỉ dẫn để kiểm tra hồ sơ, bố trí nguồn lực và thời gian, đồng thời phân công cán bộ có kinh nghiệm, trình độ để kiểm tra hàng hoá.
Kết quả, cơ quan Hải quan đã ghi nhận và giải quyết 524 đề nghị hỗ trợ vướng mắc, cơ bản 100% các kiến nghị được xử lý kịp thời; đã có 10 doanh nghiệp tham gia tích cực, tiêu biểu được vinh danh. Hầu hết các doanh nghiệp ủng hộ và mong muốn Chương trình được mở rộng hơn nữa về phạm vi, lợi ích do Chương trình đem lại.
Tuy nhiên, thực tế sau 2 năm triển khai Chương trình thí điểm vẫn còn phát sinh khó khăn, vướng mắc đến từ cả hệ thống nghiệp vụ, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và bố trí nguồn lực thực thi đến những mong đợi từ phía doanh nghiệp.
Mới đây, tại Hội thảo do Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) phối hợp với Cục Hải quan Quảng Ninh và Cục Hải quan Hải Phòng tổ chức nhằm chuẩn bị cho đánh giá sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình, tiến tới triển khai chính thức Chương trình, Hội thảo đã đề ra một số kiến nghị để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, tập trung vào các nội dung như điều kiện, tiêu chí về đối tượng tham gia Chương trình, mời thêm các hiệp hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia với vai trò thành viên danh dự để hỗ trợ, tư vấn.
Mặt khác, cần bố trí nguồn lực, tăng hiệu quả thiết thực hơn với các nhóm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thành viên. Việc thiết lập cơ chế điều phối, cơ chế kiểm tra, giám sát, theo dõi giữa cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp thành viên, việc nhận diện doanh nghiệp thành viên trên các hệ thống nghiệp vụ của Ngành trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đặt ra bài toán về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thời gian tới đối với Chương trình này…
Ngành hải quan đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình).
Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
TH