Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cộng đồng ngư dân làng biển Tân Thành kéo cá vào buổi sáng - Clip: VGP
Làng biển Tân Thành cách đô thị cổ Hội An khoảng 5 km về phía đông, vốn là khu tái định cư của những người làm nghề biển.
Chị Lương Thúy Hà, chủ cơ sở dịch vụ tại đây cho biết, khoảng 7 năm về trước nơi này dân cư thưa thớt, vắng vẻ. Tuy nhiên đây là lợi thế kinh doanh dịch vụ dành cho những người có cá tính cao, sống hòa với thiên nhiên, bình dân và cảm thấy thoải mái.
"Đáp ứng nhu cầu của dòng khách cần những không gian thư giãn, nhẹ nhàng, gia đình tôi quyết định về đây xây dựng mô hình khách sạn, nhà hàng nhỏ chuyên dành cho khách hơi lớn tuổi, cần không gian riêng tư, bình dân, thân thiện và được trải nghiệm cuộc sống của người bản địa", chị Hà chia sẻ.
Thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-10, du lịch "đóng băng", ngư dân cũng không thể ra khơi đánh cá. Thời điểm đó, một số hộ kinh doanh đã có ý tưởng tổ chức phiên chợ làng chài.
Tháng 9/2020, chợ phiên làng chài mở ra thành công, mang lại hiệu ứng, sức hút và sự lan tỏa trong cộng đồng. Trong 2 năm ảnh hưởng của dịch, làng chài Tân Thành vẫn sôi động, tạo ra một giải pháp mới trong phát triển du lịch là gắn kết cộng đồng. Nhiều hoạt động dịch vụ, du lịch, sinh hoạt cộng đồng tại đây luôn được duy trì và phát triển, ngày càng tươi mới.
Cuối năm 2021, Hợp tác xã du lịch làng chài Tân Thành được thành lập, từ đó có nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng, hình thành sản phẩm OCOP 4 sao trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.
Hiện nay, HTX du lịch làng chài Tân Thành với các dịch vụ chính lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, trải nghiệm làng chài, chợ phiên làng chài, các câu lạc bộ…Anh Lê Quốc Việt, Phó Chủ nhiệm HTX du lịch làng chài Tân Thành cho hay: "Việc phát triển sản phẩm du lịch nơi đây chú trọng đến cộng đồng và dân cư bản địa, dựa trên nền tảng nghề biển và bản sắc văn hóa của làng chài, không có khoảng cách giữa người bản địa, người nhập cư và khách du lịch nước ngoài".
Những ý tưởng làm du lịch từ hoạt động nghề cá được bà con ủng hộ triển khai có hiệu quả như tổ chức tour trải nghiệm kéo lưới, tour câu mực, đan vá lưới, đi thuyền thúng. Rồi tổ chức lửa trại tại bãi biển hay các hoạt động tôn vinh văn hóa như học hát bài chòi, hò khoan, khiêu vũ, vẽ tranh, làm đồ tái chế...
"Mô hình trải nghiệm du lịch cộng đồng làng chài được nhiều du khách nước ngoài thích. Có những gia đình người Australia ở lại đây vài tháng. Họ sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi dọn dẹp vệ sinh, phân loại rác, xây dựng công trình, chằng chống nhà cửa mỗi khí có bão… ", Phó Chủ nhiệm HTX du lịch làng chài Tân Thành chia sẻ.
Chị Lương Thúy Hà cho hay, làng chài Tân Thành là một cộng đồng du lịch thú vị, là sự kết hợp tươi mới, năng động của những người làm du lịch, kết hợp sự văn minh, lịch sự của những du khách nước ngoài và sự thuần thiết, chất phát của người dân bản địa.
Có thể nói, thành công của mô hình du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành đã truyền cảm hứng, năng lượng và tư duy tích cực. Là hướng đi dài hạn, bền vững theo hướng du lịch xanh, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.", chị Hà bày tỏ.
Đến tham quan mô hình du lịch làng chài Tân Thành và dự Festival nghệ thuật sắp đặt môi trường biển năm 2022 tại Hội An, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: "Phát triển bền vững không có nghĩa là chậm lại mà là đổi mới sáng tạo trong cách thực hiện. Tại Việt Nam, chương trình du lịch bền vững sẽ thúc đẩy những trải nghiệm thú vị hơn cho khách du lịch, đề cao đời sống lành mạnh, tinh thần đoàn kết và hòa nhập. Du lịch bền vững cũng sẽ tạo cơ hội việc làm và cơ hội kinh doanh mới, có ý nghĩa. Phát triển bền vững vì con người".
Thế Phong