Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023, Chương trình giới thiệu du lịch Lạng Sơn "Trải nghiệm và cảm nhận" được tổ chức chiều ngày 14/4 với sự tham dự của hàng trăm đại biểu Trung ương, địa phương và các công ty, doanh nghiệp du lịch lữ hành trên cả nước.
Lạng Sơn là vùng đất phên dậu phía đông bắc của Việt Nam, có nhiều lợi thế nhờ sự kết hợp phong phú, hài hòa giữa vị trí địa lý, cảnh sắc núi non hùng vĩ, tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và chiều sâu văn hóa của vùng đất. Nơi đây cũng được biết đến với nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cùng với nhiều sản vật phong phú, độc đáo đã được ghi nhận trong top đặc sản và sản vật Việt Nam.
Giám đốc Sở VHTT&DL Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà đánh giá, tài nguyên về di tích lịch sử, văn hóa là nhân tố quan trọng và Lạng Sơn đã và đang phát huy có hiệu quả nguồn tài nguyên này để phục vụ phát triển du lịch.
Ngành du lịch của tỉnh Lạng Sơn đang phục hồi và đi lên sau đại dịch COVID-19 với các sản phẩm du lịch được đẩy mạnh khai thác như: Du lịch biên giới; du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Đây là tín hiệu đáng mừng cho sự trở lại của ngành du lịch tỉnh sau gần 3 năm bị đóng băng.
Đặc biệt, du lịch cộng đồng ở Lạng Sơn được đánh giá cao bởi phong cảnh đẹp, thiên nhiên đa dạng, hoang sơ, người dân thân thiện với những vùng, miền văn hóa độc đáo, những nét đặc sắc riêng. Chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch của các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang từng bước được nâng cao. Chính vì vậy, trong những năm qua loại hình du lịch cộng đồng tại Lạng Sơn đã thu hút một lượng du khách lớn, trong đó có cả khách nước ngoài đến trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa bản địa đặc sắc của bà con của dân tộc thiểu số nơi đây.
Năm 2022 tổng lượng khách du lịch của tỉnh Lạng Sơn ước đạt khoảng 3,5 triệu lượt, doanh thu ước đạt 2.100 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách đến với Lạng Sơn đạt hơn 1 triệu lượt khách, tăng 78,6% so với cùng kỳ 2022, đạt 35,9% so với kế hoạch năm 2023.
Ngoài thế mạnh về lịch sử và tài nguyên thiên nhiên được tạo hóa ban tặng, Lạng Sơn nổi lên như một điểm sáng đầu tư ở khu vực Đông Bắc với lợi thế từ vị trí gần cửa khẩu, hạ tầng hoàn thiện và phát triển đồng bộ thương mại, du lịch.
Thành phố Lạng Sơn đang dần trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp của vùng trung du miền núi phía bắc, là đầu mối giao thương liên vùng, quốc tế và giao thông quan trọng của hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế Bắc Bộ.
Xác định mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Nguyễn Phúc Hà cho biết: "Tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số khu, điểm du lịch tiềm năng; ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Đến nay, Lạng Sơn đã thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư."
Tại Chương trình giới thiệu du lịch Lạng Sơn "Trải nghiệm và cảm nhận", đại diện các doanh nghiệp, đơn vị du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh cũng như một số sản phẩm du lịch tiêu biểu của đơn vị. Hướng tới phát triển du lịch bền vững, việc đẩy mạnh và tăng cường triển khai hợp tác với các doanh nghiệp du lịch cùng với các nhà đầu tư du lịch được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả cao, qua đó góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh Lạng Sơn.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng sự phát triển của du lịch Lạng Sơn vẫn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của tỉnh. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đóng góp những giải pháp, kinh nghiệm hay để quảng bá, khai thác và phát huy một cách có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh như: Làm mới sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng vùng miền; nâng tính định vị thương hiệu cho các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh của tỉnh…
Trong thời gian tới, du lịch Lạng Sơn hướng tới trở thành một điểm nhấn của khu vực, có tốc độ phát triển cao tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà; mong muốn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các nhà đầu tư của cả nước sẽ là cầu nối để kết nối du lịch Lạng Sơn với các thị trường tiềm năng, qua đó tạo bước đột phá mới cho du lịch Lạng Sơn.
Minh Ngọc