Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thị trấn Cá Cựu là nơi chiếm tới 1/6 trữ lượng thiếc toàn thế giới và đông đảo người dân địa phương làm trong nghề khai mỏ. Đất đai của khu vức này từng một thời màu mỡ, canh tác được, giờ ô nhiễm kim loại đến mức không thể trồng trọt được gì. Dân địa phương phải mua nước, rau quả, thực phẩm từ các thị trấn cách đó vài trăm km. Theo Lạc Trung Vĩ, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế công nghiệp, cũng thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, công nghệ khai mỏ lạc hậu, những mỏ nhỏ rải rác khắp nơi và thiếu tính kế hoạch là những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm đất diện rộng.
Tuần báo Kinh tế Trung Quốc dẫn các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học nước này cho biết, vấn nạn ô nhiễm kim loại nặng đã gây thiệt hại nặng nề ở những tỉnh miền Tây Nam và miền Nam giàu tài nguyên như Vân Nam, Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây, trong đó mức độ tác hại đến con người là "cực kỳ nghiêm trọng". Sau nhiều năm khai mỏ quá mức, nhiều ngôi làng ở gần các mỏ đã bị biến thành những "làng ung thư".
Dẫn thống kê năm 2007 của Bộ Đất đai và Tài nguyên, báo trên cho biết thiệt hại kinh tế ước tính của gạo nhiễm kim loại nặng lên đến 20 tỷ Nhân dân tệ (hơn 3 tỷ USD) mỗi năm. Bộ trưởng Bộ Đất đai và Tài nguyên lúc đó là Sun Wensheng từng cảnh báo rằng vấn đề ô nhiễm đất đã lên đến mức báo động, với ít nhất 10% trong tổng số 120 triệu hécta đất nông nghiệp Trung Quốc bị nhiễm kim loại và các chất gây ô nhiễm khác. Nhưng dường như cảnh báo đó cùng một loạt những phát hiện của giới khoa học Trung Quốc đã không nhận được sự quan tâm cần thiết.
Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc kim loại đã lan rộng, với một loạt vụ việc xảy ra ở các tỉnh Hồ Nam, Thiểm Tây, Giang Tô, Sơn Đông và Quảng Đông được truyền thông Trung Quốc đưa tin trong vài tháng gần đây.
Tháng trước, hơn 200 trẻ em độ tuổi từ 9 tháng đến 16 tuổi ở tỉnh An Huy bị ngộ độc chì mà thủ phạm là các nhà máy luyện kim gần đó. Thống kê chính thức cho thấy ít nhất đã xảy ra 9 vụ ngộ độc chì trong năm ngoái còn năm 2009 đã chứng kiến 12 vụ ô nhiễm kim loại nghiêm trọng.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Bộ trưởng Môi trường Zhou Shengxian cũng thừa nhận rằng, ô nhiễm kim loại đã trở thành một trong những vấn nạn ô nhiễm tồi tệ nhất mà Trung Quốc đang phải đối mặt và họ cam kết sẽ sớm bắt đầu những chiến dịch "làm sạch".
Trên website của mình, Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết đã có 14 tỉnh bị liệt vào danh sách chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng ô nhiễm kim loại nặng. Danh sách này nằm trong một chương trình xử lý ô nhiễm trong kế hoạch 5 năm sắp tới đã được Quốc vụ viện thông qua.
Đức Linh