|
Bộ trưởng Thương mại 12 nước cuối cùng đã đạt được thỏa thuận lịch sử đối với TPP. Ảnh: Reuters |
Ngay sau khi bộ trưởng thương mại của 12 nước tham gia đàm phán đạt được thỏa thuận cuối cùng đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), lãnh đạo nhiều nước đã lên tiếng hoan nghênh sự kiện này.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 5/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá thỏa thuận mà các nước vừa đạt được phản ánh những giá trị của nước Mỹ và đặt người lao động Mỹ lên tuyến đầu. Theo ông, TPP sẽ cho phép Mỹ xuất khẩu nhiều sản phẩm sản xuất tại Mỹ ra toàn thế giới.
Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ giúp tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thúc đẩy sáng tạo trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cùng ngày cũng ra tuyên bố bảo vệ TPP, gọi đây là một thỏa thuận toàn diện, cân bằng, sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn sống và giảm đói nghèo.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này. Ông cho biết, đoàn đàm phán của Nhật Bản do Bộ trưởng Chính sách Tài chính và kinh tế Akira Amari dẫn đầu đã giành được một số nhượng bộ trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn là vấn đề nhạy cảm của nước này trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
“Chúng tôi đã giành được sự nhượng bộ đối với những yêu cầu loại bỏ thuế quan cho sản phẩm gạo, thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm từ sữa. Đây là kết quả của 2 năm đàm phán khó khăn. Đây là một thành quả lớn không chỉ đối với Nhật Bản mà cho tương lai của cả châu Á-Thái Bình Dương nói chung”.
Cùng ngày, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã gọi đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử. Ông khẳng định mọi lĩnh vực và địa phương của Canada đều được hưởng lợi từ việc tham gia TPP và đảng Bảo thủ (CPC) của ông sẽ đẩy mạnh thực thi thỏa thuận này nếu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Chủ tịch đảng Tự do (LIB) đối lập Justin Trudeau - đối thủ nặng ký của ông Harper trong chiến dịch tranh cử hiện nay, cùng Phòng Thương mại Canada, Hội đồng Giám đốc điều hành Canada và nhiều tập đoàn lớn tại nước này cũng bày tỏ ủng hộ việc các bộ trưởng đạt được thỏa thuận lịch sử TPP.
Theo Giám đốc điều hành của Tập đoàn Blackberry John Chen, TPP sẽ dỡ bỏ các rào cản thương mại và cho phép các doanh nghiệp Canada cạnh tranh thuần túy dựa trên chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Canada Ed Fast đánh giá thỏa thuận trên thực sự mang tính chuyển tiếp, giúp định hình tương lai đối với nhiều thỏa thuận thương mại khác trong thế kỷ 21.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser nhấn mạnh thỏa thuận vừa đạt được có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và mang lại nhiều lợi ích đối với các thế hệ người dân tại các nước tham gia đàm phán.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico Guajardo Villarreal cho rằng TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho nền kinh tế thứ 2 Mỹ Latinh trong lĩnh vực sản xuất liên quan tới 6 thị trường châu Á-Thái Bình Dương (gồm Australia, Brunei, Malasia, New Zealand, Singapore và Việt Nam), khu vực hiện được dự báo có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong vòng 25 năm tới.
Còn Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz đã đánh giá cao việc 12 quốc gia thành viên đã đạt được sự đồng thuận về TPP. Ngoại trưởng Muñoz khẳng định tầm quan trọng của TPP và chúc mừng những nỗ lực bảo vệ quyền lợi quốc gia của đại diện nước này trong quá trình đàm phán, đồng thời nhấn mạnh Chile sẽ được hưởng lợi với thỏa thuận nói trên.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Hoàng Lâm (tổng hợp)