Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu khai mạc buổi đối thoại. Ảnh: Hà Nội Mới |
Trong phần lớn thời gian của buổi đối thoại, Hội nghị đã nghe 16 ý kiến đóng góp, phát biểu của các bí thư, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ.
Qua giới thiệu thế mạnh của trường mình, lãnh đạo các trường đề xuất những lĩnh vực cụ thể có thể đóng góp cho Thủ đô trong quy hoạch, quản lý đô thị; phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo phát triển công nghệ; phát triển nông lâm nghiệp, nâng cao đời sống nông dân...
Nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém đang tồn tại trong một số lĩnh vực của Thủ đô hiện nay và phân tích làm rõ nguyên nhân.
Vấn đề quy hoạch, quản lý đô thị Hà Nội là vấn đề được các đại biểu quan tâm hàng đầu. Đại diện các trường ĐH Xây dựng, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá: Trong quy hoạch cơ sở hạ tầng thành phố còn nhiều vấn đề nổi cộm, nổi bật nhất là tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, ách tắc giao thông…
Các ý kiến của đại diện lãnh đạo trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm, ĐH Y Hà Nội, ĐH Hà Nội đều nhất trí cho rằng, trong những năm qua, giáo dục thành phố có những bước tiến quan trọng nhưng còn phát triển rất chậm, chưa thực sự cân bằng. Những kế hoạch phát triển của thành phố ít có sự tham gia của các nhà khoa học, các trường, các viện yếu tố phát triển kinh tế tri thức chưa rõ nét.
PGS. TS Phạm Duy Hoà, Bí thư, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng. Ảnh: Hà Nội Mới
|
Ngoài ra, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội cũng nhận được sự quan tâm rất lớn. Bí thư, Hiệu trưởng các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Lâm nghiệp Việt Nam nhận xét: Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trong thời kỳ hội nhập có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp phải không ít thách thức, đặc biệt trong vấn đề quản lý nguồn nhân lực. Hiện tại, nhiều sản phẩm kinh tế của thành phố có tính cạnh tranh thấp, hàm lượng khoa học hạn chế. Nhất là trong nông nghiệp, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường còn phức tạp.
Để giải quyết tốt vấn đề quy hoạch, quản lý đô thị tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ đề xuất thành phố cần nâng cao năng lực quản lý của các đơn vị chức năng, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật; đồng thời nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ kỹ thuật mới một cách hệ thống, liên tục, đồng bộ trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, cần lấy lại vỉa hè, góc phố, giao thông tĩnh để giảm ách tắc đô thị, quy hoạch không gian đô thị hợp lý, đồng bộ, hiện đại.
Với các vấn đề phát triển văn hóa – giáo dục, phải nhẫn nại và có chiến lược dài hạn, có kế hoạch đào tạo cho cán bộ cấp sở, ngành, thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học, mở một số ngành đào tạo mới, xây dựng các trường ĐH mang tầm quốc tế, có chất lượng giáo dục cao và tăng tính xã hội hóa, ưu tiên cho các chương trình phát triển trí tuệ, tìm "đầu ra" cho sinh viên…
Đa số các ý kiến đề xuất của lãnh đạo các trường ĐH, CĐ tham gia buổi làm việc đều cho rằng, thành phố cần có những dự án lớn để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các trường, cho phép các trường được tham gia sâu vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, quản lý, tư vấn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố; bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; quy hoạch thủ đô gắn với phát triển khoa học – công nghệ cao; giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm… của Thủ đô.
Ghi nhận ý kiến đóng góp của lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng toàn bộ nguồn lực, chất xám các viện, trường chưa được lãnh đạo trường quan tâm, chủ động tung ra thị trường mà còn đang bị "giấu" khiến người quản lý chưa biết hết tiềm năng các viện, các trường.
Về phía TP cũng chưa tạo ra “sân chơi”, khu vực để tất cả các học sinh, sinh viên, nhà khoa học, các viện, trường có sự kết nối với các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nêu nhiều thông tin về kế hoạch cụ thể của TP trong quản lý đô thị, quy hoạch giao thông, cải tạo chung cư cũ, trồng cây xanh… với mong muốn sẵn sàng "đặt hàng" từ các nhà khoa học, các viện, trường.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định hệ thống các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố có vai trò quan trọng, là nguồn lực, nguồn tài sản quý trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của đất nước, của Thủ đô.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục bảo đảm cho môi trường an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội Thủ đô vững mạnh, yên bình; nghiên cứu tạo đột phá trong cơ sở hạ tầng; tăng cường đầu tư thiết chế văn hóa – giáo dục – dịch vụ chất lượng cao và đặc biệt tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử minh bạch, hiệu quả và giao các trường, nhóm trường trên địa bàn thành phố tham gia quản lý, đảm nhiệm từng lĩnh vực chuyên biệt, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng, của đất nước nói chung.
PN